Tham nhũng là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Ảnh minh hoạ.
Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh”, “giặc nội xâm”[1], là “nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ”, là trở ngại lớn đối với sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, gây mất niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Nhận thức được điều đó, trong thời gian qua, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước ta tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, bất kể người đó là ai và không có việc “hạ cánh an toàn”. Điều đó đã được nhân dân đồng tình ủng hộ và được quốc tế ghi nhận.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch lại coi công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta là cơ hội để lợi dụng tăng cường chống phá, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Chúng đưa ra những luận điệu xuyên tạc cho rằng chế độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tham nhũng(?!); tham nhũng là thuộc về bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (?!); Đảng Cộng sản Việt Nam không những là nguyên nhân sinh ra tham nhũng mà còn không thể đấu tranh chống tham nhũng thành công (?!)...
Có thể dễ dàng nhận thấy, tất cả những luận điệu nêu trên điều là xuyên tạc, bịa đặt, thiếu căn cứ, không đúng về cả phương diện lý luận và thực tiễn. Bởi lẽ:
Thứ nhất, ngay từ khi thành lập đến nay, trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn xác định tham nhũng là “quốc nạn”, là “giặc nội xâm”, là một trong những nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ, gây cản trở đến sự phát triển của đất nước. Do đó, Đảng ta rất quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; đồng thời nhấn mạnh: “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, không có việc “hạ cánh an toàn” trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Thực tế đã chứng minh, thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước tiến hành một cách công khai, minh bạch, quyết liệt từ Trung ương đến cơ sở. Theo báo cáo kết quả tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 08 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang”[2]. Riêng trong năm 2022, “Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII) đối với 5 cán bộ; cho thôi giữ chức vụ đối với 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, 3 Thứ trưởng và tương đương, 1 Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam... Đây thực sự là những con số biết nói và là minh chứng rõ ràng nhất cho việc Đảng Cộng sản Việt Nam không khoan nhượng với “giặc nội xâm” và trong chế độ một đảng lãnh đạo, tham nhũng luôn bị đấu tranh loại bỏ đến tận cùng.
Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Ảnh: TTXVN
Thứ hai, cần khẳng định dứt khoát rằng luận điệu xuyên tạc “chế độ một đảng là cha đẻ của tham nhũng” là luận điệu vô căn cứ, ngụy biện, phản khoa học, sai cả về phương diện lý luận và thực tiễn.
Về phương diện lý luận, tình trạng tham nhũng, tha hóa, biến chất về nhân cách là vấn nạn mà tất cả các quốc gia đều phải đối mặt chứ không phải chỉ có ở chế độ một đảng cầm quyền, nó tồn tại ở các quốc gia, do quyền lực nhà nước bị thao túng, tha hóa gây ra không phân biệt chế độ xã hội, thể chế chính trị nào, chế độ đa đảng hay một đảng. Nếu như quyền lực được kiểm soát chặc chẽ với cơ chế quản lý đồng bộ thì sẽ không bị thao túng, tha hóa, lạm dụng và và những người có quyền lực sẽ “không thể,” “không dám”, “không muốn” và “không cần” tham nhũng, tình trạng tham nhũng sẽ được kiểm soát và hạn chế tối đa. Do đó, chế độ một đảng lãnh đạo cầm quyền không phải là nguyên nhân sinh ra tệ nạn tham nhũng và cũng không phải là không thể chống được tham nhũng.
Trên thực tiễn, ở các nước đang theo chế độ tư bản chủ nghĩa, duy trì đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập thì trình trạng tham nhũng vẫn đang tồn tại: Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tham nhũng là tệ nạn rất nhức nhối, xuất hiện ở nhiều quốc gia, trong đó nhiều nhất lại là ở các quốc gia có chế độ đa đảng do giai cấp tư sản lãnh đạo. Nhiều quốc gia không phải đảng cộng sản cầm quyền, như: Hàn Quốc, Malaysia, Colombia, Brazil, Ukraine,… tham nhũng xảy ra rất nghiêm trọng. Ngay cả Nghị viện châu Âu (EP) cũng vừa vướng vào bê bối tham nhũng, cụ thể: giới chức Bỉ ngày 11/12/2022 đã bắt 04 cá nhân với cáo buộc nhận tiền và quà từ một quốc gia vùng Vịnh. Trong số 04 người này có nghị sĩ Hy Lạp Evakaili là một trong 14 Phó Chủ tịch EP và Francisco Giogi, cố vấn của EP. Vừa qua, cựu nghị sĩ Ukraine Kostiantyn Zhevago bị bắt ở Pháp vì bị cáo buộc tham ô gần 200 triệu USD ở quê nhà; tháng 7/2022, Thủ tướng Anh Boris Johnson buộc phải từ chức vì bê bối về nhân cách,...[3].
Thứ ba, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta được thực hiện đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tạo ra sự chuyển biến quyết liệt, tích cực, hiệu quả cao theo đúng tinh thần “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt!”. Bên cạnh đó, quy trình xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm liên quan đến tham nhũng cũng ngày càng hoàn thiện, được thực hiện nghiêm túc, khoa học, khẩn trương, nhanh chóng. Ngoài ra, công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta có những bước phát triển mới với nhiều biện pháp như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng; thực hiện kê khai tài sản thường niên, kê khai thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; xây dựng và hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng, tham nhũng vặt, thực hiện nghiêm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Như vậy, với những luận cứ trên có thể khẳng định rằng: tham nhũng là hiện tượng mang tính chất xã hội, tồn tại ở các quốc gia, không phân biệt chế độ, thể chế chính trị nào, chế độ một đảng hay đa đảng, chế độ một đảng cầm quyền không phải là nguyên nhân sinh ra tệ nạn tham nhũng. Chính vì vậy, luận điệu xuyên tạc cho rằng “chế độ một đảng là cha đẻ của tham nhũng” là luận điệu sai lầm, phản khoa học, là cách nhìn cố tình làm sai lệch cả về lý luận và thực tiễn.
Hiện nay, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt trong điều hành của Nhà nước, sự quyết tâm nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, chúng ta tin tưởng rằng Đảng và Nhà nước ta đã, đang và sẽ chuẩn bị đầy đủ những điều kiện cần thiết cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, Đảng ta cũng không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo để tiếp tục nâng cấp hệ thống “miễn dịch” cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; kịp thời thanh lọc bộ máy, dập tắt các nguy cơ tiềm ẩn có thể gây nguy hại cho bộ máy Nhà nước. Qua đó, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước và không ngừng phát huy vai trò làm chủ của các tầng lớp Nhân dân, cùng đồng lòng xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.
Nguyễn Thị Hoài Thu