Trụ sở xã Ea Tiêu - một trong hai địa điểm là hiện trường của vụ việc. Ảnh: Internet.
Sáng sớm ngày 11/6 vừa qua ở Tây Nguyên đã xảy ra một vụ việc rất nghiêm trọng và đau lòng. Một nhóm người sử dụng súng và hung khí tấn công trụ sở công an ở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, dẫn đến một số đồng chí Công an xã, cán bộ xã, người dân tử vong và trọng thương... Ngay trong ngày 11/6, Bộ Công an đã họp báo, thông tin bước đầu về sự việc. Trong quá trình điều tra, truy bắt những kẻ tham gia vụ tấn công, chính quyền và cơ quan công an yêu cầu người dân trong vùng bình tĩnh, nghe theo thông tin chính thống từ cơ quan có trách nhiệm và tuân thủ yêu cầu của cơ quan chức năng. Đấy là những việc làm cần thiết trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc mà bất cứ ở nước nào, cơ quan có trách nhiệm cũng làm, để người dân không rơi vào rối loạn thông tin, hoang mang không đáng có, và cũng là cách giúp cơ quan chức năng tập trung điều tra, sớm làm rõ nguyên nhân sự việc.
Ấy vậy mà sau khi vụ việc xảy ra, hầu như ngay lập tức trên mạng xã hội đã xuất hiện một số bài viết với nhận định, suy diễn chủ quan. Có người nhận định đây là một vụ “xung đột sắc tộc ở Tây Nguyên” và cho rằng nó có nguồn gốc từ hàng trăm năm trước vì đây vốn là lãnh thổ của các tộc người thiểu số mà nay thuộc về Việt Nam (?!). Có người thì yêu cầu phải minh bạch thông tin và chê trách “Báo chí chính thống đang đưa tin rất vắn tắt và nhỏ giọt theo Bộ Công an mà không có các nguồn tin độc lập từ các nhân chứng và người dân, khiến dư luận không có bức tranh đầy đủ về vụ việc” (?!). Hơn thế, có luận điệu còn vội quy chụp “Các nghi phạm bị bắt trong vụ việc này rất có khả năng sẽ bị tra tấn nặng nề để ép cung nhằm phục vụ mục tiêu phá án nhanh của cơ quan điều tra” và suy diễn rằng “ Việc này có thể biến các hội nhóm tôn giáo ở huyện Cư Kuin và tỉnh Đắk Lắk nói chung trở thành “dê tế thần”, đặc biệt là các hội nhóm Tin Lành và một số nhóm mà chính quyền gọi là “tà đạo”(?!).
Trước những luận điệu chống phá, xuyên tạc vô căn cứ của các đối tượng thù địch, phản động, cơ hội chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần tỉnh táo và nhận thức đúng về sự việc.
Thứ nhất, phải nói rằng dù một số cá nhân đã bị bắt, song nguyên nhân, động cơ phạm tội chưa được làm rõ, thì không được suy diễn, lại càng không nên có ý quy kết vội vàng nguyên nhân vụ việc từ chính sách dân tộc, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam bởi chính sách dân tộc, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam hiện nay là những chính sách rất rõ ràng, tiến bộ, được đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số, các tổ chức, chức sắc và tín đồ các tôn giáo trong cả nước thừa nhận. Hãy tin rằng ở đâu đó, nếu có cá nhân nào đó thực hiện sai các chính sách trên và vi phạm lợi ích chính đáng của đồng bào dân tộc và tôn giáo, trước sau sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm minh như kết quả và thực tiễn chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay đang chứng tỏ.
Tổ quốc Việt Nam là thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ trong đó bao gồm cả Tây Nguyên. Không thể chấp nhận bất cứ lý do dân tộc hoặc tôn giáo nào để công khai hoặc ngấm ngầm đòi tự trị, hơn nữa chia tách Tây Nguyên thành một nhà nước với tên gọi này hay tên gọi khác. Gợi lại lịch sử theo quan điểm cá nhân, là tiếp tay cho âm mưu reo rắc sự chia rẽ, phá hoại, làm suy yếu đất nước và rút cục chỉ gây hại cho đồng bào các dân tộc thiểu số mà thôi.
Tính đến 20h00 ngày 13/6/2023, lực lượng chức năng đã bắt được 45 đối tượng có liên quan đến vụ việc ở Đắk Lắk. Ảnh: Internet.
Thứ hai, sự việc mới xảy ra, mà lại xảy ra tại một thời điểm ít người dân có thể chứng kiến, ở địa bàn xa, điều kiện đi lại, tiếp cận hiện trường, thông tin rất hạn chế, nhưng chỉ ít giờ sau sự việc xảy ra, qua báo chí chính thống, xã hội đã có ngay thông tin bước đầu từ Bộ Công an. Đây là một cố gắng đáng ghi nhận trong việc thông tin kịp thời, minh bạch, có trách nhiệm về vụ việc. Hơn thế sự việc gây ra bởi nhóm người có vũ trang, lại lẩn trốn trong địa bàn rừng núi rộng lớn, chắc chắn sẽ chống lại sự truy lùng bằng hành vi nguy hiểm chết người mà ngay cả cơ quan an ninh còn vất vả, khó khăn khi đối phó thì đòi hỏi phải có ngay nguồn tin độc lập để dư luận đối chiếu, so sánh nhằm có bức tranh đầy đủ thì quả là không hợp lý và chỉ làm cho dư luận thêm phức tạp.
Thứ ba, dự báo rằng “những người bị bắt sẽ bị tra tấn nặng nề để ép cung” thì không những là thiên kiến nặng nề mà còn là ác ý đối với lực lượng an ninh của đất nước. Họ không hiểu rằng với bản chất của người chiến sĩ công an nhân dân, ra đời từ nhân dân, được nhân dân che chở, đùm bọc, giúp đỡ, từ bao năm nay lực lượng công an luôn sống, chiến đấu vì nhân dân, là công cụ bảo vệ an ninh, an toàn cho nhân dân, cho đất nước, cho Đảng. Có thể đây đó có hành vi cá biệt không đúng chuẩn mực, tư cách của người chiến sỹ công an, vi phạm pháp luật trong điều tra tội phạm song không thể gắn kết hiển nhiên công an nhân dân Việt Nam với những hành vi vô nhân đạo, vi phạm quyền con người như vậy. Trong vụ việc mới xảy ra, chắc chắn một điều là chính quần chúng nhân dân với ý thức trách nhiệm và sự tin yêu người chiến sĩ công an sẽ là người giúp cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra, truy bắt tội phạm, làm rõ động cơ của tội ác.
Thứ tư, vội vàng dự báo một số hội nhóm tôn giáo sẽ có thể trở thành “dê tế thần” của chính quyền nhân vụ việc vừa xảy ra là một cách nhìn rất không mạch lạc, có thể gọi là “lập lờ đánh lận con đen”. Chính sách tôn giáo của Việt Nam hiện nay rất rõ ràng, bất kể tổ chức và cá nhân nào lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo để tiến hành những hoạt động mê tín, dị đoan, buôn thần, bán thánh, vụ lợi cá nhân hoặc gây mất ổn định chính trị, đi ngược thuần phong, mỹ tục, đạo đức xã hội… thì đều là vi phạm pháp luật và đáng bị xử lý theo pháp luật.
Trong thời gian qua, ở một số nơi trong cả nước và trên địa bàn Tây Nguyên đã xảy ra một số hiện tượng như đã nói ở trên và khi có đủ căn cứ pháp lý, những đối tượng đó sẽ bị xử lý theo pháp luật, chứ không phải vì vụ việc trên mà chính quyền mới “nhân tiện” xử lý. Trong vụ việc vừa xảy ra và trong mọi vụ việc phạm tội khác, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước là xử lý “đúng người, đúng tội, không bỏ sót tội phạm song cũng không làm oan người vô tội”. Như vậy, bất kể người nào, tổ chức nào không liên quan tới vụ tấn công tội ác vừa xảy ra thì sẽ không có gì phải lo lắng. Các tổ chức và cá nhân theo mọi tôn giáo, nếu chấp hành đúng pháp luật thì đều được nhà nước bảo hộ, đối xử bình đẳng, tạo điều kiện hoạt động theo đúng niềm tin tôn giáo của mình. Ngược lại trong vụ việc vừa qua, bất kể ai với động cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự thích đáng.
Chí Công