Chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời vào những năm 40 của thế kỷ XIX xuất phát từ tiền đề trực tiếp là những mâu thuẫn đối kháng không thể điều hòa được trong lòng xã hội tư bản lúc bấy giờ. C.Mác và Ph.Ăngghen viết: “Những vũ khí mà giai cấp tư sản đã dùng để đánh đổ chế độ phong kiến thì ngày nay quay lại đập vào chính giai cấp tư sản. Nhưng giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình; nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những người công nhân hiện đại, những người vô sản”[1].
Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân chống giai cấp tư sản và chế độ tư bản chủ nghĩa đã đặt ra yêu cầu cần phải có học thuyết khoa học, cách mạng để soi đường, chỉ lối, đưa phong trào công nhân từ đấu tranh tự phát lên trình độ đấu tranh tự giác. Chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời đáp ứng kịp thời yêu cầu lịch sử tất yếu đó.
Cùng với điều kiện kinh tế - xã hội, các thành tựu khoa học tự nhiên cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX cũng là những tiền đề khách quan, cần thiết cho sự ra đời chủ nghĩa Mác-Lênin, tiêu biểu đó là: Định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng của G.R.Mayơ; Thuyết tiến hóa của S.R.Đácuyn; Thuyết tế bàocủa M.G.Sleđen và T.Svanơ… Những phát minh mang tính chất “vạch thời đại” là căn cứ khoa học vững chắc góp phần khắc phục, bác bỏ phương pháp tư duy siêu hình để hoàn thiện phương pháp tư duy biện chứng và quan niệm duy vật biện chứng về thế giới. Đề cập vai trò, ý nghĩa của ba phát minh khoa học kể trên đối với sự ra đời, phát triển của phương pháp tư duy biện chứng, Ph.Ăngghen viết: “Quan niệm mới về giới tự nhiên đã được hoàn thành trên những nét cơ bản: tất cả cái gì cứng nhắc điều bị tan ra, tất cả cái gì là cố định đều biến thành mây khói, và tất cả những gì đặc biệt mà người ta cho là tồn tại vĩnh cửu thì đã trở thành nhất thời; và người ta đã chứng minh rằng toàn bộ thế giới tự nhiên đều vận động theo một dòng và một tuần hoàn vĩnh cửu”[2].
Sự ra đời của chủ nghĩa Mác- Lênin còn dựa trên việc kế thừa có phê phán và chọn lọc những tinh hoa trong lịch sử tư tưởng của nhân loại. Trong đó, có ba tiền đề lý luận trực tiếp nhất, đó là Triết học cổ điển Đức, Kinh tế chính trị cổ điển Anh và Chủ nghĩa xã hội không tưởng. V.I.Lênin từng nhận xét về sự nảy sinh, hình thành của triết học Mác như sau: “Học thuyết của ông ra đời là sự thừa kế thẳng và trực tiếp những học thuyết của các đại biểu xuất sắc nhất trong triết học, kinh tế chính trị học và trong chủ nghĩa xã hội”[3].
Như vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ thống quan điểm và học thuyết khoa học do C.Mác, Ph.Ăngghen xác lập và được V.I.Lênin tiếp tục bổ sung, phát triển; là sự kế thừa và phát triển những giá trị của lịch sử tư tưởng nhân loại, trên cơ sở thực tiễn của thời đại; là “vũ khí lý luận” cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, với mục đích xoá bỏ một cách toàn diện chế độ người bóc lột người. Chính vì thế, ngày nay có thể có nhiều học thuyết với lý tưởng nhân đạo về giải phóng giai cấp, giải phóng nhân dân lao động và giải phóng con người khỏi ách áp bức nhưng chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin mới là học thuyết khoa học nhất, chắc chắn nhất và chân chính nhất để thực hiện lý tưởng ấy đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[4].
Chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng định rõ vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Điều đó đem lại cho loài người, đặc biệt là giai cấp công nhân, nhân dân lao động công cụ nhận thức và cải tạo thế giới. Chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết duy nhất được coi là “vũ khí lý luận” để giải phóng giai cấp vô sản và toàn xã hội và thực tiễn phát triển của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XIX đã chứng minh điều đó. Đó chính là tính cách mạng, tiến bộ không thể phủ nhận của chủ nghĩa Mác - Lênin.
V.I. Lênin vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác vào xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực trong điều kiện cụ thể của nước Nga.
Chủ nghĩa Mác - Lênin còn chỉ ra quy luật của sự vận động và phát triển xã hội loài người. Đó là quy luật về sự phù hợp giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng và đặc biệt là sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên. C.Mác viết: “Trong sự sản xuất xã hội ra đời sống của mình, con người có những quan hệ nhất định, tất yếu, không tùy thuộc vào ý muốn của họ - tức những quan hệ sản xuất, những quan hệ này phù hợp với một trình độ phát triển nhất định của các lực lượng sản xuất vật chất của họ. Toàn bộ những quan hệ sản xuất ấy hợp thành cơ cấu kinh tế của xã hội, tức là cái cơ sở hiện thực trên đó dựng lên trên một kiến trúc thượng tầng pháp lý và chính trị và những hình thái ý thức xã hội nhất định tương ứng với cơ sở hiện thực đó. Phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định các quá trình sinh hoạt xã hội, chính trị và tinh thần nói chung”[5]. Từ việc chỉ ra những quy luật đó, C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin đã vận dụng để nghiên cứu sự vận động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, tìm ra quy luật về sự diệt vong của chủ nghĩa tư bản cũng như thắng lợi của chủ nghĩa xã hội như một tất yếu khách quan thông qua cuộc cách mạng xã hội.
Thực tiễn lịch sử phát triển của nhân loại đã chứng tỏ ý nghĩa nhân văn to lớn của mục tiêu giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đây là ước mơ ngàn đời của nhân loại, không chỉ trong xã hội đương đại mà còn cho đến tận ngày nay và mai sau.
Với bản chất khoa học, cách mạng, chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là một hệ thống các nguyên lý giáo điều, bất biến mà gắn liền với quá trình phát triển của tri thức nhân loại và phong trào cách mạng trên thế giới. Chính C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin luôn cho rằng hệ thống lý luận do các ông xác lập là một hệ thống lý luận mở, luôn cần được bổ sung, phát triển.
Trong quá trình nghiên cứu và hoạt động trong phong trào công nhân, bản thân các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác -Lênin cũng đã điều chỉnh một số luận điểm của mình. V.I.Lênin chỉ rõ: “Học thuyết của chúng tôi (…) không phải là một giáo điều mà là một kim chỉ nam cho hành động. Luận điểm kinh điển ấy nhấn mạnh một cách đặc biệt rõ rệt và nổi bật một phương diện của chủ nghĩa Mác mà người ta rất hay quên không nhìn tới. Mà quên không nhìn tới phương diện ấy thì chúng ta sẽ làm cho chủ nghĩa Mác trở thành phiến diện, quái dị, chết cứng, sẽ vứt bỏ linh hồn sống của nó, sẽ phá hủy cơ sở lý luận cơ bản của nó…; như thế chúng ta sẽ phá hủy sự liên hệ giữa chủ nghĩa Mác với những nhiệm vụ thực tiễn nhất định của thời đại, những nhiệm vụ có thể biến đổi ở mỗi bước ngoặt mới của lịch sử”[6].
Do đó, chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là liều thuốc vạn năng, cũng không phải là cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm mà cần được bổ sung, phát triển cho phù hợp với thực tiễn. Thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin cùng với tính khoa học, tính cách mạng, tính nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin luôn có những giá trị bền vững, đã, đang và sẽ là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói riêng và sự nghiệp cách mạng của những nước luôn lấy con người là mục tiêu cao nhất cho mọi sự phát triển nói chung.
Hiện nay, trong điều kiện mới, các thế lực thù địch vẫn không ngừng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc hòng xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, vì vậy, chúng ta phải có lập trường vững vàng, kiên định, không ngừng bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế của thời đại. Có như thế, chúng ta mới tiếp tục khẳng định, lan tỏa giá trị bền vững, ý nghĩa to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay.
Linh Ngọc