Một số kết quả của Cuộc vận động
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các mô hình, kinh nghiệm làm ăn hiệu quả, vận động hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo; chú trọng hỗ trợ điều kiện phù hợp để hộ nghèo có phương tiện sản xuất thoát nghèo bền vững. Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên, các đơn vị, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã trao tặng các đối tượng chính sách, gia đình có công, các hộ nghèo trên 72.000 suất quà với tổng giá trị gần 27 tỷ đồng.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hỗ trợ, phối hợp làm mới, sửa chữa 738 nhà đại đoàn kết, nhà ở cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc; thực hiện các chương trình an sinh xã hội khác với trị giá trên 59 tỷ đồng. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) tỉnh xây dựng Đề án số 01/ĐA-MT-BTT ngày 04-02-2021 về việc“Hỗ trợ trồng cây Giổi ghép lấy hạt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị thiệt hại do thiên tai giúp nhân dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống, giảm nghèo bền vững với hơn 24.000 cây giống và phân bón, trị giá gần 2 tỷ đồng; chỉ đạo triển khai có hiệu quả Đề án 85/ĐA-MTTQ-BTT về “Hỗ trợ bò giống sinh sản cho hộ nghèo bị thiệt hại do lũ lụt năm 2016 và vùng thường xuyên bị thiên tai để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2017 - 2018”. Đến nay, đã có gần 1.500 bò sinh bê con, 1.491 hộ nghèo được hỗ trợ bò đã thoát nghèo...
Ban Công tác Mặt trận, các đoàn thể và tổ tự quản thôn Tân Phú (xã Quang Phú, Đồng Hới) ký cam kết xây dựng “Khu dân cư tham gia bảo vệ tài nguyên, môi trường biển” năm 2020
(Ảnh: internet)
Phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá” và “Khu dân cư văn hóa” tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực vào kết quả chung của phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đã có nhiều tiến bộ. Trong việc tang, tình trạng trống kèn âm thanh quá giờ, để người chết quá giờ quy định đã giảm rõ rệt. Trong việc cưới, đa số các hộ dân đã chú ý đến tiết kiệm, không phô trương, lãng phí…
Đã kêu gọi hỗ trợ 01 nhà cộng đồng tránh lũ kết hợp trường học ở Bản Sắt (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh) trị giá hơn 3,5 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng tránh lũ, … khắc phục thiệt hại do thiên tai, nhà sinh hoạt cộng đồng thuộc xã khó khăn với số tiền 6,16 tỷ đồng.
Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường, Ban Trị sự - Giáo hội Phật giáo tỉnh và Uỷ ban Đoàn kết công giáo tỉnh về phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát huy vai trò các tổ liên gia để nhân rộng phong trào “Thắp sáng đường quê”, đường làng, ngõ xóm phong quang “Sáng - xanh - sạch - đẹp”; xây dựng và duy trì được 34 mô hình điểm về “Khu dân cư thực hiện hài hoà xoá đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu”, “Khu dân cư bảo vệ môi trường”. Nhờ đó góp phần thay đổi hành vi và thói quen bảo vệ môi trường của người dân, góp phần rất lớn vào việc hoàn thành tiêu chí về môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Khánh thành và bàn giao công trình thanh niên “Thắp sáng đường quê” tại thôn Hậu Thành, xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch.
(Ảnh: internet)
Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận các cấp củng cố, duy trì 1.515 “Nhóm nòng cốt” tuyên truyền pháp luật ở khu dân cư và 261 “Điểm sáng chấp hành pháp luật”; 1.786 tổ hoà giải với 8.535 hoà giải viên (trong đó 1.215 hòa giải viên là cán bộ Mặt trận) nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các tầng lớp Nhân dân; duy trì hoạt động của 6.131 tổ quần chúng bảo vệ an ninh trật tự đang hoạt động có hiệu quả. Các tổ hòa giải ở cơ sở đã hoạt động tích cực và hòa giải thành công 3.235 vụ việc, góp phần vào việc ổn định tình hình, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn khu dân cư.
Mặt trận các cấp đã phối hợp với Công an tuyên truyền, thực hiện Đề án “Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”; đẩy mạnh công tác phối hợp thực hiện Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, tuyên truyền, vận động Nhân dân phòng chống các loại tội phạm, các hoạt động khai thác trái phép lâm sản, săn bắt động vật trong danh sách cấm, buôn bán pháo nổ…; xây dựng các mô hình “Tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản khu vực biên giới”; “Tổ tự quản đường biên, mốc Quốc giới”; “Khu dân cư, thôn, bản không có tội phạm, không có ma túy, không có mua bán người”…
Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả góp phần đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, như mô hình: “Khu dân cư đảm bảo an toàn giao thông”, “Trường học an toàn”, “Nhóm liên gia tự quản”; “Khu dân cư bảo đảm về an ninh trật tự và không có tệ nạn xã hội”; mô hình Tổ “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ”; mô hình “Camera giám sát an ninh trật tự”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự”, “Tổ an ninh tự quản ngõ xóm”...
Để Cuộc vận động thực sự trở thành phong trào có sức lan tỏa
Một là, tập trung tổ chức tốt và hiệu quả “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư hằng năm. Chú trọng công tác biểu dương, khen thưởng tập thể và cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động.
Hai là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua ‘‘Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; phối hợp thực hiện tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội.
Ba là, phối hợp xây dựng kế hoạch liên tịch với các ngành liên quan, các tổ chức thành viên để huy động được nguồn lực, sức mạnh tổng hợp và triển khai một cách đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động. Sơ kết, nhân rộng các mô hình điểm hiệu quả liên quan đến Cuộc vận động, đặc biệt là “Đề án xây dựng mô hình khu dân cư nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu và đô thị văn minh kiểu mẫu giai đoạn 2020-2025”.
Bốn là, thường xuyên củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư đáp ứng yêu cầu, nội dung của Cuộc vận động trong giai đoạn mới; tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu công tác Mặt trận.
Năm là, tăng cường giám sát và phản biện xã hội, nhất là các nội dung liên quan đến Cuộc vận động, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững./.
Ngọc Cảnh