Dinh Vạn Thủy Tú tọa lạc ở số 54 đường Ngư Ông, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết gắn với tín ngưỡng ngư nghiệp - đây cũng là dinh Vạn ra đời sớm nhất ở Bình Thuận và được xem là Vạn gốc, trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần và tâm linh của loại hình tín ngưỡng thờ cá Voi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Điểm đặc biệt, Dinh Vạn Thủy Tú đang lưu giữ và trưng bày bộ xương cá Voi lớn nhất ở Việt Nam và Ðông Nam Á. Theo các nhà khoa học, đây là một "Ông" cá voi lưng xám khổng lồ dài 22m và nặng khoảng 65 tấn. Người dân Vạn Thủy Tú phải xây riêng một ngôi nhà dài mới vừa để đặt cốt "Ông". Cùng với "Ông" lớn nhất, ở đây còn có hài cốt của hơn một trăm "Ông" khác được đặt trong hậu điện.
Dinh Vạn Thủy Tú, nơi diễn ra lễ hội Cầu Ngư ở Phan Thiết
Ảnh:internet
Lễ hội Cầu Ngư ở Vạn Thủy Tú còn được gọi là lễ tế cá Ông (thần Nam Hải) thường diễn ra vào ngày 19/6 - 22/6 âm lịch hằng năm và đã trở thành một trong 6 lễ hội truyền thống tiêu biểu, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của ngư dân ven biển Bình Thuận. Ngoài lễ hội Cầu ngư chính mùa được coi là nghi thức chính trong năm, một số nghi thức lễ khác cũng thường xuyên được tổ chức tại Vạn hằng năm: Lễ Cầu Ngư đầu năm (hay gọi là lễ tế Xuân) diễn ra vào ngày 20/2 âm lịch, lễ Hạ nghệ xuống vụ cá Nam (lễ Cầu Ngư đầu mùa) diễn ra vào ngày 20/4 âm lịch, lễ Cầu Ngư chính mùa diễn ra trong tháng Sáu âm lịch và cứ định kỳ 3 năm đáo lệ một lần, Lễ Mãn mùa diễn ra vào tháng Tám âm lịch (23/8). Lễ hội chính thường diễn ra trong 2 ngày liên tiếp và cách thức tổ chức tương đồng nhau; nhưng theo tập tục lâu đời, lễ hội Cầu Ngư chính mùa ở Vạn Thuỷ Tú theo trình tự thời gian cứ 2 năm cúng mặn liên tiếp thì có 1 năm đáo lệ làm chay; những năm Đại lễ có quy mô, trang trọng và dài ngày hơn. Các cụ ông cao niên có uy tín, đạo đức và không phạm tang chế sẽ đại diện cho dân làng dâng lễ tế thần Nam Hải để tỏ lòng biết ơn với công đức của Ngài.1
Từ khi mở đầu đến kết thúc, lễ hội đều theo một chương trình nghiêm ngặt bao gồm nhiều lễ nghi, trong đó đáng chú ý là lễ Nghệ sắc (Ban lâm tế cúng vái thần, đưa sắc phong xuống các hương án, báo cáo lễ tết chính thức bắt đầu và mời các thần về chứng giám). Lễ Nghinh Ông Sanh, Khai kinh thỉnh chư vị thủy thần và tiền hiền, Thỉnh thập điện và cầu siêu cho chư vị hương linh, phóng sanh, phóng đăng, Cầu quốc thái dân an, Khai xá thuyền rồng, Khai đàn chẩn tế âm linh, Khai diên hát bội, Thả thuyền rồng trên biển, Chánh lễ tế thần và tế tiền hiền, Nghệ sắc hoàn mãn.2
Lễ Nghinh Ông Sanh là lễ nghi quan trọng nhất mang tính cộng đồng rõ nét - đây cũng là điểm nhấn của lễ Cầu Ngư. Hội Vạn tổ chức đoàn thuyền lễ ra khơi nghênh đón thần Nam Hải; các tàu, thuyền đều được trang trí cờ hoa rực rỡ. Đoàn rước gồm nhiều người tham gia, trong đó có: đoàn lễ, đoàn nhạc lễ, đoàn chèo Bả Trạo, các nhà sư… và đông đảo ngư dân trong cộng đồng tham gia cùng các điệu hò chèo Bả Trạo diễn ra hàng giờ trên biển (cách bờ khoảng 2 - 3km, ở vùng biển lặng, sóng êm) để nghênh Thần từ biển khơi xa về. Về đến Vạn, tiếp tục hát chèo mời các vị thần vào ngự trong Vạn. Lúc này, ở chính điện có Chánh bái, Bồi bái, Đông Tây hiến đứng chầu. Khi Tư lễ xướng lệnh thì Chánh bái, Bồi bái quỳ lạy, các lễ sinh mang hia đội mão bưng rượu và lễ vật hiến tế. Sau lễ cúng, tại võ ca của dinh trình diễn màn múa hát Bả Trạo.3
Lễ hội Cầu Ngư diễn ra ngay trên biển.
Ảnh:internet
Như vậy, bên cạnh phần lễ với sự thành kính, trang nghiêm là phần hội với chèo Bả Trạo, hát Bội đan xen trong lễ. Ngoài ra, còn có các trò chơi dân gian của ngư dân miền biển như hát bài chòi, thi đua thuyền, lắc thúng giữa các Vạn với nhau như câu ca xưa còn truyền lại:
Dưới sông sắp đặt ghe đua
Trên bờ sửa soạn Miếu Chìa Trạo ca4
(Hát chèo Bả Trạo)
Có thể nói, Lễ hội Cầu Ngư ở Phan Thiết là nơi lưu giữ nhiều giá trị đẹp về tín ngưỡng dân gian, phong tục truyền thống của ngư dân vùng biển; trong đó chứa đựng cả giá trị văn hóa tâm linh, những bài học về cách thức ứng xử với môi trường biển. Lễ hội còn thể hiện tấm lòng biết ơn của ngư dân đối với cá Ông đã phù trợ, giúp đỡ ngư dân bình an trong những lần gặp hiểm nguy trên biển; cũng như giúp đỡ ngư dân có một mùa biển bội thu. Lễ hội cũng là nơi cố kết cộng đồng, tinh thần hòa hợp và niềm tin tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ cá Ông; nơi biểu hiện mạnh mẽ ý thức về tinh thần đoàn kết, để mọi người trong cộng đồng hướng về cội nguồn lịch sử, văn hóa truyền thống, tổ tiên, tưởng nhớ công ơn những người đã có công khai phá đất đai, lập làng và xây dựng lăng Vạn.
Hằng năm, Vạn Thủy Tú đón gần 30.000 lượt khách đến tham quan; góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội của làng chài. Ngư dân đã tận dụng lợi thế từ sản phẩm lễ hội để phát triển du lịch văn hóa, ổn định tình hình xã hội, đem lại cuộc sống sung túc hơn và góp phần thúc đẩy du lịch văn hóa tại địa phương phát triển.
Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Cầu Ngư ở Vạn Thủy Tú được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4614/QĐ-BVHTTDL ngày 20/12/2019. Điều đó vừa tạo điều kiện thuận lợi trong việc bảo tồn Lễ hội Cầu Ngư tại Vạn Thủy Tú và tiếp tục phát huy các giá trị văn hoá truyền thống ở dinh Vạn; vừa tạo thêm những nét thú vị hấp dẫn du khách khi đến du lịch tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận./.
1 Sở VH -TT Bình Thuận : Địa chí Bình Thuận, Công ty cổ phần In và Bao bì Bình Thuận, 2006, tr714.
2 Sở VHTT tỉnh Bình Thuận: Địa chí Bình Thuận, Công ty cổ phần In và Bao bì Bình Thuận, 2006, tr621.
3 Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận: Di tích, danh thắng và lễ hội văn hóa tỉnh Bình Thuận, NXB Đà Nẵng, 2019, tr225.
4 Sở VH -TT tỉnh Bình Thuận: Địa chí Bình Thuận, Công ty cổ phần In và Bao bì Bình Thuận, 2006, tr621
Trí Huỳnh