Nguồn gốc, bản chất và những thủ đoạn của tổ chức FULRO đối với Tây Nguyên
Tây Nguyên gồm 5 đơn vị hành chính cấp tỉnh, với diện tích 54.451,5km2, có đường biên giới với Lào và Campuchia, có 54 dân tộc cùng sinh sống với số dân khoảng 5,7 triệu người, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 33%. Trên địa bàn hiện có các tôn giáo chính: Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài với gần 1.800.000 tín đồ, 3.500 chức sắc, nhà tu hành và khoảng 840 cơ sở thờ tự. Là nơi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng và an ninh, do vậy các thế lực thù địch xác định Tây Nguyên là một trọng điểm để chống phá cách mạng, mà lực lượng FULRO chính là những thành phần điên cuồng nhất, đã xuất hiện từ khá lâu.
Khởi đầu của lực lượng FULRO là "Phong trào BaJaRaKa” (Bahnar, Jarai, Rhadé (Ê-đê) và Kaho), được khởi xướng từ năm 1957 và chính thức thành lập tháng 9/1958. Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, chính quyền Việt Nam Cộng hòa do Ngô Đình Diệm đứng đầu đã thay đổi hàng loạt chính sách đối với Tây Nguyên: Xóa bỏ quy chế “hoàng triều cương thổ”, “tòa án phong tục”, sáp nhập những đơn vị người Thượng vào quân đội quốc gia và đưa đi phân tán... Từ đó đã phát sinh mâu thuẫn trong quan hệ dân tộc và phản ứng với chính sách, âm mưu “Đồng hóa", “Diệt chủng” của Diệm.
Mục tiêu của phong trào BaJaRaKa là đòi thành lập quốc gia riêng cho các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm, nhưng nhanh chóng bị chính quyền Diệm bắt, bỏ tù. Tháng 3/1964, sau khi được trả tự do, các thủ lĩnh phong trào này tiếp tục thành lập “Mặt trận dân tộc giải phóng dân tộc cao nguyên” (Front de Liberation des Hauts Plateaux Montagnards - FLHPM) và xin nhận viện trợ trực tiếp từ Mỹ. Chính quyền Sài Gòn đưa quân đàn áp, lực lượng FLHPM chạy sang Campuchia. Những năm 1960, ở Campuchia xuất hiện “Mặt trận giải phóng Miên hạ” (Front de Liberation du Kampuchia Krom - FLKK) và “Mặt trận giải phóng xứ Chăm” (Front de Liberation du Chăm - FLC). Ngày 25/6/1965, tại Phnôm Pênh, FLHPM, FLC và FLKK đã mở cái gọi là "Hội nghị nhân dân Đông Dương lần thứ nhất” và sáp nhập ba “mặt trận” này thành "Mặt trận thống nhất giải phóng các dân tộc bị áp bức" (Front Unifié de Libération des Races Opprimées - FULRO, lấy ngày 20/9 làm ngày kỷ niệm) với mục tiêu tiếp tục thực hiện các hành động đòi yêu sách cho vùng Tây Nguyên.
Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai mở phiên tòa xét xử lưu động đối với các đối tượng tham gia hoạt động tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia nhằm tập hợp thành lập cái gọi là “Nhà nước Đê-ga”, năm 2016. Ảnh: Internet
Sau năm 1975, khi đất nước thống nhất, FULRO tiếp tục thể hiện là một tổ chức phản động do những thế lực thù địch giật dây, mưu đồ chống phá chính quyền cách mạng Việt Nam. Từ năm 1975 đến năm 1985 là thời kỳ FULRO hoạt động phức tạp và tàn bạo nhất với các hành động như: Tấn công vũ trang, bắn phá, đốt nhà, cướp bóc, bắt cóc và giết hại dân lành, từ đó gây căm phẫn trong nhân dân các tỉnh Tây Nguyên. Năm 1985, lực lượng FULRO cơ bản bị đánh bại và tan rã, số còn lại chạy sang Campuchia. Khi Cơ quan chuyển tiếp Liên Hiệp Quốc tại Campuchia (UNTAC) vào Campuchia, tháng 12/1992 toàn bộ FULRO còn lại gồm 407 tên ra hàng UNTAC và nộp vũ khí để được đi định cư ở Colorado - Mỹ, sau đó chúng tiếp tục hoạt động với hình thức tuyên truyền, vận động thành lập tổ chức mới của người Thượng ở nước ngoài.
Cuối năm 1999, Ksor Kơk tuyên bố thành lập "Nhà nước Đê Ga", tự xưng là “Tổng thống Nhà Nước Đề Ga độc lập”. Trong giai đoạn này, thế lực thù địch, phản động ở nước ngoài đã tài trợ, chỉ đạo thúc đẩy các hoạt động chống phá cách mạng việt Nam, kích động, lừa gạt, cưỡng ép đồng bào biểu tình, gây rối. Cuộc bạo loạn tháng 2-2001 xảy ra tại 3 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Kon Tum. Tiếp đó, cuộc bạo loạn tháng 4-2004 diễn ra ở một số địa phương của 3 tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông. So với cuộc bạo loạn năm 2001, cuộc bạo loạn năm 2004 có số người tham gia đông hơn và tính chất nghiêm trọng, manh động hơn; thậm chí, một số phần tử đã có những hành động quá khích như gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, phá hoại công trình công cộng và tài sản nhà nước…
Trước tình hình phức tạp đó, các Đảng bộ, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã xác định công tác phòng chống biểu tình, bạo loạn và vượt biên trái phép là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Các tỉnh có biểu tình, bạo loạn xảy ra đã kịp thời ban hành các chỉ thị, nghị quyết về công tác này như: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai ra Chỉ thị số 01-CT/TU, ngày 07-02-2001 về phòng và chống bạo loạn; Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 07-10-2002 về việc lãnh đạo địa phương sang tình trạng khẩn cấp và chống bạo loạn lật đổ; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk ra Chỉ thị số 01-CT/TU, ngày 27-02-2001về tăng cường công tác đảm bảo an ninh - trật tự… Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 01-5-2004 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh xóa bỏ tổ chức phản động FULRO trên địa bàn Tây Nguyên, các bộ, ngành chức năng phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên tăng cường, bố trí lại lực lượng, lập các tổ chuyên trách phòng, chống FULRO.
Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, các địa phương đã dẹp tan được lực lượng cầm đầu, hầu hết các cuộc biểu tình, bạo loạn đã bị phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hóa, từ đó nhanh chóng ổn định tình hình. Lực lượng chức năng đã lập nhiều chuyên án, liên tục tổ chức truy bắt, vận động, gọi hàng. Đến giữa năm 2009 đã giải quyết xong số FULRO lẩn trốn trong rừng; ngăn chặn ý đồ hình thành lực lượng vũ trang, gây nổ, khủng bố; đã phát hiện, đấu tranh xóa 395 khung tổ chức FULRO và 299 khung tổ chức "Tin lành Đê Ga" các cấp; bóc gỡ, xử lý gần 14.200 đối tượng tham gia hoạt động FULRO.
Hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên có bước phát triển khá. Trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng bình quân của vùng đạt trên 6%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt trên 50 triệu đồng/người; tình hình quốc phòng, an ninh cơ bản được chú trọng, giữ vững. Tuy vậy, trên địa bàn vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; đặc biệt, sau khi bị thất bại, các phần tử còn lại của tổ chức FULRO bỏ chạy ra các quốc gia lánh nạn, tiếp tục lôi kéo, kích động một bộ phận đồng bào chống phá cách mạng; triệt để lợi dụng những vấn đề về dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên để chống phá Đảng và Nhà nước,lợi dụng sự phát triển của Internet, mạng xã hội để liên lạc, tuyên truyền lừa bịp gây chia rẽ đoàn kết dân tộc...
Trên cơ sở nhận diện một cách đầy đủ âm mưu, thủ đoạn của các lực lượng phản động, thù địch, chúng ta phải có các giải pháp để phòng ngừa và kịp thời đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả.
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động.
Cán bộ, đảng viên cần sát dân, tìm hiểu và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; kết hợp giữa tuyên truyền vận động tập trung với phân tán; tăng thời lượng các buổi phát thanh bằng tiếng dân tộc với nội dung đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tiếp thu phù hợp với trình độ của đồng bào dân tộc thiểu số. Đa dạng hóa các cách thức vận động, thuyết phục đồng bào các dân tộc có đạo nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; đồng thời, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Bộ đội biên phòng tham gia công tác tuyên truyền,vận động đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Ảnh: Internet
Hai là, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc, tôn giáo.
Các cấp, các ngành cần triển khai có hiệu quả các chủ trương, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xóa nạn mù chữ; giải quyết tốt tình trạng tranh chấp đất đai, đẩy nhanh tiến độ giao đất, khoán rừng, tổ chức lại sản xuất cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên, tạo việc làm ổn định, giúp đồng bào an cư lạc nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh cuộc vận động định canh, định cư, tăng cường cán bộ khuyến nông, khuyến lâm hướng dẫn đồng bào áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, chuyển đổi ngành nghề, phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống để đồng bào yên tâm xây dựng cuộc sống lâu dài, nhất là ở các huyện miền núi, biên giới.
Ba là, tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về dân tộc, tôn giáo. Thường xuyên chủ động, nắm chắc tình hình hoạt động của các tôn giáo, tạo điều kiện cho các chức sắc, tín đồ hoạt động tôn giáo theo khuôn khổ pháp luật. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện ở các cấp, ban, ngành, đoàn thể để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các biểu hiện vi phạm pháp luật trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo.
Bốn là, củng cố và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân vận.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số tại chỗ; đồng thời tăng cường cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức cho cơ sở vùng dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo, nhất là ở những địa bàn trọng điểm,... Cán bộ công tác ở vùng dân tộc, tôn giáo phải biết tiếng dân tộc, am hiểu phong tục, tập quán, tôn giáo của đồng bào; thực hiện tốt phong cách dân vận “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”; không quan liêu, tham nhũng. Quan tâm phát huy vai trò tích cực của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các dân tộc, các chức sắc tôn giáo; đổi mới công tác dân vận ở vùng dân tộc, tôn giáo theo phương châm: chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc.
Năm là, thường xuyên chăm lo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn Tây Nguyên.
Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; chủ động phòng, chống có hiệu quả các hoạt động tình báo, gián điệp của địch, giữ vững ổn định chính trị. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong hệ thống chính trị phát huy vai trò, luôn sâu sát, nắm chắc tư tưởng của quần chúng, vận động họ tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, nâng cao trách nhiệm công dân trong xây dựng và phát triển Tây Nguyên ngày càng giàu, mạnh.
Đinh Tuyến