Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, tham nhũng là sự lạm dụng quyền lực được giao để thu lợi riêng. Tham nhũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như làm xói mòn lòng tin, làm suy yếu nền dân chủ, cản trở sự phát triển kinh tế và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, nghèo đói, phân hóa xã hội và khủng hoảng môi trường[1]. Theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 của Việt Nam, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.
Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Ảnh: Internet.
Về nguồn gốc của tham nhũng, theo V.I.Lênin, gắn với quyền lực và quyền lực bị tha hóa nên quan liêu, tham nhũng, tham ô, hối lộ là người bạn đồng hành, là cơ sở, tiền đề cho nhau tồn tại và phát triển trong bộ máy nhà nước. Chúng đều có chung bản chất là lợi dụng chức quyền, vị trí công tác để tư lợi cá nhân, sống ích kỷ, “ăn bám”, trên sức lao động của người khác[2].
Như vậy, có thể nhận thấy, tham nhũng gắn với quyền lực và lòng tham, sự ích kỷ của cá nhân. Tham nhũng không chỉ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội mà còn gây ra hậu quả nghiêm trọng cho chính cá nhân có hành vi tham nhũng.
Trong Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII, Đảng ta đã chỉ ra tham nhũng là một trong những biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống: “Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực”. Có thể nói, hành vi tham nhũng cũng chính là việc làm hủy hoại đạo đức, lối sống của cá nhân. Do đó, việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không chỉ nhằm mục tiêu làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước, mà đây còn là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”. Thứ “giặc nội xâm” ở đây chính là sự tham lam, ích kỷ và chủ nghĩa cá nhân.
Trong những năm gần đây, với sự quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và sự đồng lòng, nhất trí của toàn dân, Đảng ta đang đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hàng loạt các vụ tham ô, tham nhũng, nhận hối lộ và các hành vi tiêu cực khác đã được đưa ra ánh sáng và được xử lý nghiêm minh theo các quy định của pháp luật. Điều này một mặt cho thấy tình trạng tham nhũng, tiêu cực đã và đang xảy ra phổ biến ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và ở nhiều cấp độ khác nhau; mặt khác, tình trạng tham nhũng, tiêu cực cũng đang hủy hoại đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong đó có nhiều cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì một số cá nhân thiếu hiểu biết, thậm chí là các thế lực thù địch, phản động cố tình xuyên tạc khi đưa ra luận điệu rằng chống tham nhũng là “cuộc đấu tranh thanh trừng nội bộ giữa các phe phái và các lợi ích nhóm”, là “đấu đá nội bộ”. Để đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc đó, một trong những việc chúng ta cần phải thực hiện là làm rõ mục tiêu của việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta cần nhìn ở góc độ bảo vệ cán bộ và coi đó là việc làm để bảo vệ tài sản của Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh “cán bộ” là vấn đề con người. Cán bộ tốt, giỏi thì cách mạng thắng lợi. Cán bộ hư hỏng, thoái hóa thì cách mạng gặp khó khăn và thất bại. Vì vậy, Người đặc biệt chú trọng vấn đề “trồng người”. Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh còn là người có tư tưởng tiến bộ khi nói “cán bộ là tiền vốn của đoàn thể, là tài sản của Đảng và Nhà nước”.
Nhiều cán bộ lãnh đạo vi phạm pháp luật, bị khởi tố trong vụ án Việt Á
Ở góc độ bảo vệ cán bộ, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực mà Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện chính là các biện pháp bảo vệ cán bộ khỏi nguy cơ vi phạm pháp luật. Việc xử lý các cán bộ có hành vi tham nhũng, tiêu cực hiện nay có thể nói là nỗi đau của Đảng. Tuy nhiên, để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, Đảng và Nhà nước ta vẫn quyết tâm xử lý nghiêm minh đối với các cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Việc xử lý các cán bộ có hành vi tham nhũng, tiêu cực không chỉ là thanh lọc và loại bỏ những nhân tố tha hóa, biến chất để làm trong sạch Đảng mà việc xử lý đó còn mang tính răn đe và giáo dục cán bộ - đó cũng là giải pháp nâng cao khả năng đề kháng của cán bộ trước những cám dỗ vật chất. Chính vì vậy, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta một mặt nhằm làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị; mặt khác, còn mang tính nhân văn sâu sắc.
Thực tế những vụ việc tham ô, tham nhũng, đưa và nhận hối lộ, cùng các hành vi tiêu cực khác đã và đang được đưa ra xét xử cho thấy, rất nhiều cán bộ giỏi của Đảng và Nhà nước đã không cưỡng lại được những cám dỗ vật chất và sa vào lưới pháp luật. Việc xử lý các cán bộ này cũng đồng nghĩa với việc Đảng, Nhà nước, xã hội và gia đình mất đi hoặc lãng phí một nguồn lực khá lớn. Để đào tạo được một cán bộ giỏi thì xã hội phải huy động rất nhiều nguồn lực ở nhiều cấp độ khác nhau. Trước hết, ở cấp độ cá nhân đó là sự nỗ lực, cố gắng học tập của mỗi người để có được một chỗ đứng, một vị trí trong xã hội. Ở cấp độ gia đình đó là tiền của, công sức và tâm huyết để nuôi cán bộ ăn học. Ở cấp độ xã hội, thì Đảng và Nhà nước đã phải tốn nhiều công sức để đào tạo, bồi dưỡng cả chuyên môn và nghiệp vụ cho cán bộ. Do đó, khi cán bộ vi phạm pháp luật thì đó là một tổn thất lớn. Với cá nhân đó là sự đánh mất chính bản thân mình, gia đình mất đi sự kỳ vọng, mất đi chỗ dựa và xã hội mất tương lai.
Từ đó, có thể khẳng định rằng công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta hiện nay không chỉ nhằm mục tiêu làm trong sạch Đảng, bộ máy nhà nước và phát triển đất nước, mà đó còn là một việc làm đầy tính nhân văn nhằm bảo vệ cán bộ của Đảng. Và như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định nhiều lần rằng đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ”, như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu[3].
Dona Đoàn