Phát biểu của Thủ tướng đã nói trúng ý Đảng, lòng dân về một đàn chim Việt "vào mây thiết tha, lưu luyến một trời xa" trong ca khúc cùng tên của cố nhạc sĩ Văn Cao.
Để có đàn chim như thế, trong hơn 3 thập kỷ Đổi Mới vừa qua, Đảng và Nhà nước đã có những quốc sách để trước hết làm cho những con ở cuối "Đàn chim Việt" thoát ra được những yếu thế đeo bám từ nhiều thập kỷ. Đấy là hình ảnh của hàng chục triệu người dân đã thoát được những yếu thế về đói, nghèo, đưa đất nước đứng vào hàng ngũ các quốc gia có thu nhập trung bình trên thế giới.
Thế nhưng, đất nước chúng ta cần tiếp tục bay bay cao lên những nấc mới từ chuẩn trung bình. Ước mơ về một quốc gia cất cánh "vào mây thiết tha" đã có từ lâu, nay vẫn chưa thành. Yếu thế về đói đã được xóa, yếu thế về nghèo đã được giảm tới mức tối thiểu, chỉ còn trên 4%, nhưng vẫn còn đó những người dân bị yếu thế về làm giầu, đang tạo thành một đám đông ở cuối đàn chim Việt.
Đã đến lúc nền pháp quyền XHCN của chúng ta cần trao công cụ pháp lý cho những người đang bị yếu thế về làm giầu để họ không tiếp tục bị để lại phía sau. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Dân là gốc. Đất nước sẽ cất cánh tới hùng cường nếu những yếu thế về làm giầu của người dân được giảm thiểu, rồi tiến tới được xóa bỏ tương tự như đã làm được với yếu thế về đói nghèo. Vậy những người yếu thế về làm giầu, họ là ai?
Đó là 5 triệu hộ kinh tế gia đình. Họ đang ngày đêm đối diện với những bản qui hoạch sai. Qui hoạch là một công cụ quan trọng hàng đầu của quản lý nhà nước; thành tựu của công cụ này là một sự thật không thể bác bỏ, kể mãi không hết từ tầm quốc gia cho đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương.
Đã có những qui hoạch sai gây ra những hậu quả tai hại cho hàng triệu người như giao thông tắc nghẽn, đô thị ngập lụt, được mùa mất giá, biến sân bay thành sân golf, biến tuyến phố đang thẳng thành cong mềm mại… Những qui hoạch sai như vậy cần được điều chỉnh.
Nhưng có những qui hoạch sai, gây hậu họa ở qui mô hộ gia đình thì người dân chỉ có một công cụ để bảo vệ mình, đó là gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo lên chỉ lên cấp trên là quận, huyện, thị xã thay vì các cấp cao hơn.
Trong những qui hoạch sai đó, có thứ sai do dân không được biết, không được bàn, rồi bị thu hồi đất, bị định giá thấp rất xa so với giá thị trường, được đền bù và hỗ trợ không thỏa đáng, thậm chí bị cưỡng chế, buộc phải thực thi.
Những thứ sai đó đã làm thất cơ lỡ vận cho bao hộ gia đình trong tất cả các vùng miền của cả nước. Thông báo hàng năm của cơ quan chức năng cho biết loại đơn thư khiếu tố của dân về những sai phạm trên đây luôn chiếm tới trên 70% tổng đơn thư khiếu tố trong toàn xã hội.
Những hộ gia đình đó đã không thể làm giầu, thậm chí bị nghèo đi vì qui hoạch sai.
Đó là hơn 750 nghìn Doanh nghiệp tư nhân bị cản trở, bị hành bởi những "Giấy phép con", mà Chính phủ đang quyết tâm tháo gỡ.
Mặc dù đã thoát ra được những khó khăn để được cấp phép thành lập doanh nghiệp, nhưng khi triển khai hoạt động, số doanh nghiệp trên lại gặp phải một rừng giấy phép con để gây khó cho họ được làm theo Hiến pháp vốn đã cho phép người dân được làm những gì luật pháp không cấm.
Cho tới nay, mặc dù các loại giấy phép này đã cắt giảm được 50%, nhưng vẫn còn đó những chồng giấy phép dầy cộp, mà để có đất sống, doanh nghiệp phải dùng tới "phong bao". Doanh nghiệp đã bị yếu thế không phải vì đói nghèo mà là vì sự nghiệp làm giầu.
Điều ngạc nhiên là không một tổ chức, cán bộ công quyền nào bị xét xử vì đã ban hành những giấy phép con, cháu, chắt để đẩy sự nghiệp làm giầu của người dân về phía sau với qui mô lớn đến như vậy.
Doanh nghiệp còn là những người thua cuộc trong các vụ "kiện quan". Quan ở đây là những người tuy được làm cán bộ nhà nước nhưng không chịu làm công bộc thật trung thành của nhân dân. Hệ thống Tư pháp đã đặt ra tòa hành chính, nơi được đánh giá là ít việc nhất bởi các tổ chức, cán bộ nhà nước rất ít khi đưa nhau ra Tòa; Còn nhân dân thì cực chẳng đã mới kiện quan.
Trong những vụ dân kiện quan thì khi tòa gọi, quan không đến cũng chẳng sao… và vẫn được bỏ qua. Kiện như thế thì thà không kiện còn hơn. Tòa hành chính ít việc là một thực cảnh của một nền tư pháp không xét xử tổ chức, cán bộ công quyền có sai phạm trong thi hành công vụ gây tổn hại cho dân.
Người dân bị yếu thế về đói nghèo đã có hàng loạt quốc sách để thực hiện thành công việc không để ai bị bỏ lại phía sau. Nhưng những người dân bị yếu thế về làm giầu đang thiết tha chờ mong có quốc sách để không ai trong số họ tiếp tục bị bỏ lại phía sau như những năm qua.
Kỳ vọng này không hề xa vời trong bối cảnh về một Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân đã được xây dựng và hoàn thiện liên tục trong nhiều thập kỷ qua của nước ta.
Việc chạy chức chạy quyền đã bị nghiêm cấm; Quyền lực đã được đưa vào “lồng thể chế, luật pháp” để được kiểm soát chặt chẽ; Nhân dân đã được giao quyền giám sát thông qua các đại diện của mình là các cấp Hội đồng nhân dân, các cấp Mặt trận Tổ quốc.
Tuy vậy, nhiều tổ chức và cán bộ công quyền vẫn mắc những sai lầm trong thi hành công vụ như làm qui hoạch sai, ban hành giấy phép con trái luật, xét xử dân thua quan không công bằng…
Đã đến lúc nền pháp quyền XHCN của chúng ta cần trao công cụ pháp lý cho những người đang bị yếu thế về làm giầu để họ không tiếp tục bị để lại phía sau. Công cụ pháp lý này không cao siêu như quyền giám sát được giao cho Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, mà thật đơn giản. Đó là việc người dân có quyền đưa đơn tới Tòa hành chính để đòi hỏi được sửa một "Quy hoạch sai", một "Giấy phép con" trái pháp luật, một án xử "dân thua quan" thiếu công bằng.
Để không một ai bị bỏ lại phía sau trong sự nghiệp làm giầu, thì công cụ đó, qui trình đó, tòa án đó không gì là không thể. "Đàn chim Việt" sẽ được bổ sung bằng những cá thể giầu mạnh thì việc bay cao, bay xa trong nền kinh tế toàn cầu sẽ trở thành hiện thực chỉ trong một tương lai gần.