Hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng khá đồng bộ. Đến nay, 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã; 88,23% xã có điện lưới quốc gia; 100% xã có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; 100% xã có trạm y tế; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân.
Đời sống vật chất và tinh thần của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện và nâng cao. Một bộ phận đồng bào bước đầu biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm với cải tạo vườn đồi, vườn rừng, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp có năng suất, tạo ra các mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, đa dạng; biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả cao.
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn đồng bào dân tộc Vân Kiều xã Trường Xuân (Quảng Ninh, Quảng Bình) cách trồng và chăm sóc lạc
(ảnh: internet)
Toàn tỉnh hiện có trên 750 hộ đồng bào làm ăn khá, giỏi. Trong đó, có 540 hộ có thu nhập 30 triệu đồng/hộ/năm trở lên, hơn 200 hộ có thu nhập 70 triệu đồng/hộ/năm trở lên.
Người Khùa, Mày ở dưới chân núi Giăng Màn (huyện Minh Hoá) thu hoạch lúa
Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng; các thiết chế văn hóa ở cơ sở được duy trì và phát triển; nhiều gia đình, thôn, bản, khu dân cư ở vùng dân tộc và miền núi được công nhận là gia đình văn hóa, đơn vị văn hóa. Công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân được quan tâm.
Hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được củng cố. Toàn tỉnh hiện có trên 1.200 đảng viên người dân tộc thiểu số, không còn bản “trắng” về chi bộ và đảng viên. Sau Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, có 82 đảng viên là người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy cơ sở và 02 đảng viên tham gia cấp ủy trên cơ sở. Có 133 người dân tộc thiểu số trúng cử Hội đồng Nhân dân các cấp (cấp tỉnh 01 người, cấp huyện 05 người); 226 người tham gia ủy ban mặt trận ba cấp (cấp tỉnh 07 người, cấp huyện 17 người).
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số, biên giới ổn định; khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, đồng bào dân tộc thiểu số tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền.
Thời gian tới, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Bình tiếp tục vận dụng sáng tạo, cụ thể các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào tình hình thực tiễn của địa phương. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, địa phương; lồng ghép tất cả các nguồn lực của Trung ương và địa phương để tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật và các chương trình, chính sách trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành và thực hiện tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Hải Hà