Đấu tranh chống âm mưu đánh tráo khái niệm quốc gia dân tộc và dân tộc tộc người trong thực hiện quyền dân tộc tự quyết
Trong Cương lĩnh dân tộc,V.I.Lênin đã đưa ra định nghĩa về quyền dân tộc tự quyết của các dân tộc chính là quyền tự quyết về chính trị: “Quyền dân tộc tự quyết có nghĩa là quyền phân lập về mặt Nhà nước của các dân tộc đó ra khỏi tập thể dân tộc khác, có nghĩa là sự thành lập một quốc gia dân tộc độc lập”[1]. Như vậy, quyền dân tộc tự quyết là quyền của một dân tộc có thể tách ra trở thành một quốc gia dân tộc độc lập với việc tự quyết định thể chế chính trị của mình.
Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch đã đánh tráo khái niệm, rêu rao trong đồng bào dân tộc thiểu số rằng, V.I.Lênin đã nói đến quyền tự quyết dân tộc, đó là quyền tự do phân lập thành các quốc gia riêng, vì vậy, đồng bào dân tộc thiểu số cũng có quyền phân lập để thành lập nhà nước riêng, quốc gia riêng. Từ đó, chúng kích động một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam đấu tranh đòi thành lập quốc gia riêng như: kích động một bộ phận đồng bào Khmer ở vùng Tây Nam Bộ đòi thành lập “Nhà nước Khmer Krôm”, kích động một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên đòi thành lập “Nhà nước Đềga”, kích động một bộ phận đồng bào Chăm đòi thành lập “Vương quốc Chămpa”, kích động một bộ phận đồng bào Mông ở vùng Tây Bắc đòi thành lập “Vương quốc Mông”, với ý đồ gây mất ổn định chính trị - xã hội, chia rẽ dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, từng bước tiến tới phá vỡ sự toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước.
Thực chất, khái niệm “dân tộc”mà Lênin nói đến được tiếp cận với giác độ quốc gia dân tộc. Quốc gia dân tộc mới có quyền tự quyết, chứ không phải một tộc người trong một quốc gia có quyền tự quyết, phân lập thành quốc gia riêng. Vì vậy, không được đồng nhất quyền tự quyết của quốc gia dân tộc với quyền của cộng đồng dân tộc thiểu số.
Pháp luật quốc tế đã đề cập nhiều đến quyền của người dân tộc thiểu số trong một quốc gia. Hai văn kiện quốc tế nền tảng ghi nhận các quyền của con người là: Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội (năm 1966) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (năm 1976) đều khẳng định: Người dân tộc thiểu số có đầy đủ các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa như những người thuộc dân tộc đa số trong xã hội, hoàn toàn bình đẳng và không có sự phân biệt đối xử.
Trong Tuyên bố về quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ (năm 1992) cũng ghi nhận: “Các quốc gia sẽ bảo vệ sự tồn tại và bản sắc dân tộc hay sắc tộc, văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ của người thiểu số trong phạm vi lãnh thổ thuộc sự quản lý của họ và khuyến khích những điều kiện để thúc đẩy bản sắc đó” (Điều 1). Như vậy, có nhiều văn bản pháp luật quốc tế thừa nhận quyền của người dân tộc thiểu số trên tất cả các mặt tương đương như người dân tộc đa số trong quốc gia đó, nhưng không có bất cứ một quy định của pháp luật quốc tế nào cho rằng một nhóm dân tộc thiểu số ở một quốc gia nào đó có quyền được ly khai, được thành lập một quốc gia độc lập.
Đấu tranh chống luận điệu vu khống Việt Nam đàn áp các dân tộc thiểu số để kích động đồng bào dân tộc thiểu số đòi ly khai, tự trị
Mặc dù đưa ra quyền dân tộc tự quyết nhưng theo Lênin, không phải lúc nào cũng nói đến quyền dân tộc tự quyết, quyền này chỉ được đặt ra khi có điều kiện. Điều kiện đó chính là khi sự áp bức dân tộc đang diễn ra và người dân không thể chịu đựng được cuộc sống đó,“chỉ quyết định phân lập ra khi nào sự áp bức dân tộc và những xung đột dân tộc làm cho cuộc sống chung tuyệt đối không thể chịu được, làm cho mọi thứ quan hệ kinh tế bị trở ngại”[2].
Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II (12-2020). Ảnh: Internet
Lênin đưa ra vấn đề quyền dân tộc tự quyết trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản đã trở thành chủ nghĩa đế quốc, đi xâm lược các quốc gia dân tộc nhỏ yếu hơn mình ở Á, Phi, Mỹ Latinh, tức là đang có tình trạng nô dịch dân tộc bằng bạo lực không thể chấp nhận được. Lênin cho rằng trong bối cảnh đó mà không nói đến tự quyết dân tộc chính là đang ủng hộ cho tình trạng nô dịch dân tộc. Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch tìm cách vu khống, xuyên tạc đường lối, chính sách dân tộc của Việt Nam là đàn áp các dân tộc thiểu số, làm cho đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đói, khó khăn hơn rất nhiều người Kinh, cố tình làm mai một bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số để đồng hóa, “Kinh hóa” văn hóa các dân tộc thiểu số... Từ đó kích động tư tưởng ly khai, tự trị trong đồng bào.
Tuy nhiên, trong suốt tiến trình cách mạng, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán với chủ trương các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Điều này được khẳng định rõ trong Điều 5 Hiến pháp của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013) và thể chế hóa trong toàn bộ hệ thống pháp luật của Nhà nước. Hiện nay, có một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta đời sống còn thấp hơn so với mặt bằng chung, đó là do lịch sử để lại với sự chênh lệch về trình độ, nhận thức đã tồn tại từ khá lâu. Cũng chính vì vậy, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã, đang và tiếp tục thực thi nhiều chính sách, chương trình, đề án trên mọi lĩnh vực để dần thu hẹp sự chênh lệch này. Nhờ đó, trong những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số đã có chuyển biến mạnh mẽ; đồng thời, ở Việt Nam không có cái gọi là “đàn áp các dân tộc thiểu số” như luận điệu của các thế lực phản động rêu rao.
Đấu tranh chống lại âm mưu lợi dụng Việt nam ký Tuyên ngôn Liên hợp quốc về quyền của các dân tộc bản địa (năm 2007) để đòi Việt Nam công nhận một số dân tộc ở Việt Nam là dân tộc bản địa, từ đó đòi quyền tự quyết cho các dân tộc này.
Trong Tuyên ngôn này, có một số điều mà các thế lực phản động lợi dụng khai thác, đó là Tuyên ngôn cho rằng “các dân tộc bản địa có quyền tự quyết”, “các dân tộc bản địa có quyền duy trì và tăng cường những thiết chế chính trị, luật pháp,kinh tế, xã hội và văn hóa riêng”. Từ đó, các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài đòi Việt Nam phải công nhận các dân tộc Chăm, Khmer, các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên là dân tộc bản địa, từ đó tiến tới đòi thành lập nhà nước riêng cho các dân tộc này.
Tuy nhiên, Việt Nam tham gia Tuyên ngôn Liên hợp quốc về quyền của các dân tộc bản địa vì Việt Nam tôn trọng các quốc gia có người bản địa và các quốc gia thực hiện tuyên ngôn là cần thiết. Ở Việt Nam không có dân tộc bản địa. Thuật ngữ “dân tộc bản địa” và “người bản xứ” dùng để chỉ tất cả cộng đồng các dân tộc Việt Nam cả người Kinh và các dân tộc thiểu số khác để phân biệt với những kẻ thù xâm lược từ bên ngoài. Sau khi Việt Nam giành được độc lập (năm 1945) thì thuật ngữ này chỉ còn trong các văn bản lịch sử.
Như vậy, việc đòi quyền tự quyết cho một số dân tộc thiểu số ở Việt Nam chỉ là âm mưu và hành động thâm độc của các thế lực thù địch, phản động nhằm kích động những tư tưởng ly khai, tự trị, phá vỡ khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
[1]V.I.Lênin: Toàn tập, t.25, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr.303.
[2]V.I.Lênin: Những vấn đề chính sách dân tộc và chủ nghĩa quốc tế vô sản, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, tr.83.
Hà Dương