Du lịch Đà Nẵng trên đà phục hồi
Du lịch Đà Nẵng là ngành kinh tế mũi nhọn, làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm gián đoạn, ngừng trệ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch Đà Nẵng. Năm 2020, thiệt hại tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp vào hoạt động du lịch khoảng 3,2 tỷ USD; số lao động du lịch nghỉ việc/thất nghiệp từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay là 38.717 người.
Năm 2021, mặc dù chính quyền từ Trung ương đến địa phương thực hiện nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ nhưng dịch bệnh tiếp tục gây ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch. Khoảng 42.000 lao động bị mất việc hoặc phải nghỉ việc, chuyển việc làm; tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ giảm 55%, doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành giảm 37,7% so với năm 2020.
Thực hiện Chương trình phát động khôi phục và phát triển du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, những tháng đầu năm 2022, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đã có khoảng 35.000 lượt khách đến với Đà Nẵng, tăng hơn 16% so với 2021, hiện có 45% số cơ sở lưu trú mở cửa phục vụ khách và 150 đơn vị lữ hành đang hoạt động trở lại với nhiều khu, điểm du lịch mở cửa cùng nhiều sản phẩm du lịch mới, đa dạng, phong phú.
Các cơ sở lưu trú, điểm tham quan, du lịch, các công ty lữ hành đã và đang tiếp tục xây dựng nhiều chuyến du lịch (tour) ngắn ngày nội thành Đà Nẵng đi về trong ngày, hay tour giữa Đà Nẵng - Quảng Nam, Đà Nẵng - Huế - Quảng Nam với hình thức kỳ nghỉ gần nhà (staycation) tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng (resort) 5 sao. Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú trên địa bàn Đà Nẵng chủ động xây dựng chính sách giảm giá phòng từ 30-50%, giảm giá dịch vụ, sự kiện, tổ chức các gói staycation để thu hút khách, tổ chức sự kiện nhằm thu hút khách du lịch.
Các điểm du lịch: Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Mỹ Thuật tiếp tục mở cửa tham quan miễn phí... Dự kiến tháng 6/2022, thành phố Đà Nẵng đăng cai tổ chức Diễn đàn phát triển đường bay châu Á năm 2022, góp phần kết nối Đà Nẵng với cộng đồng doanh nghiệp hàng không - du lịch và mạng đường bay quốc tế tại khu vực châu Á và trên thế giới.
Phát triển du lịch nhằm thích ứng - đón thời cơ
Sau khi ngăn chặn và dần đẩy lùi được đại dịch, nhiều quốc gia đã điều chỉnh quan điểm chống dịch bệnh COVID-19 từ “không COVID” chuyển sang “thích ứng, chung sống với COVID”, xác định COVID-19 là một loại bệnh đặc hữu hoặc bệnh lưu hành. Ở Việt Nam, việc tiêm vắc xin và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 vẫn được Chính phủ thực hiện quyết liệt, nhờ đó, số ca chuyển nặng, tử vong duy trì ở mức thấp và dần kiểm soát được mặc dù số ca nhiễm tăng cao.
Tính đến đầu tháng 3/2022, tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên đang sinh sống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được tiêm đủ hai mũi vắc xin ngừa COVID-19 đạt 99,3%, tỷ lệ tiêm nhắc lại (mũi 3) đạt gần 50% và chuẩn bị triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 - 12 tuổi. Trong đó, 100% nhân lực ngành du lịch đã tiêm 3 mũi vắc xin. Đây là cơ hội và điều kiện thuận lợi để Đà Nẵng khởi động, mở cửa hoạt động du lịch, trở lại bình thường trong bối cảnh mới.
Để thích ứng, tận dụng được cơ hội mở cửa khôi phục phát triển du lịch, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng phối hợp với các doanh nghiệp du lịch chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, kế hoạch tổ chức các hoạt động, chương trình kích cầu du lịch. Xây dựng đa dạng, phong phú các sản phẩm du lịch, các chương trình sự kiện, hội nghị, tri ân, các chương trình du lịch mới để tăng điểm trải nghiệm và thời gian tham quan, vui chơi, lưu trú của khách: du lịch đô thị gắn với kinh tế đêm; du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch đường thủy; du lịch vui chơi giải trí, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác (MICE)...
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng là sự kiện hấp dẫn, được tổ chức thường niên, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến Đà Nẵng
(ảnh: internet)
Đồng thời, nâng cao chất lượng, hình thức dịch vụ du lịch phù hợp với thời kỳ hậu COVID-19 như sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, phục hồi và chăm sóc sức khỏe; du lịch gắn với văn hóa truyền thống (các sự kiện, lễ hội văn hóa đặc sắc), du lịch trở về với thiên nhiên, môi trường trong lành, yên tĩnh (sinh thái rừng, nông nghiệp, nông thôn); du lịch thông qua thực tế ảo, du lịch trải nghiệm.
Để ngành du lịch Đà Nẵng về đích
Năm 2022, ngành du lịch thực hiện khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh theo phương châm “chủ động - thích ứng - linh hoạt” với mục tiêu đón 3,5 triệu lượt khách, tăng 3 lần so với ước thực hiện năm 2021 (đạt 1,3 lần so với năm 2020) khách quốc tế đạt 180 ngàn lượt (tăng 1,6 lần so với năm 2021) và khách nội địa ước đạt hơn 3,32 triệu lượt (tăng 3 lần so với năm 2020); số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ tăng từ 20 - 22%/năm với doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt trên 6,7 ngàn tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với năm 2021. Để đạt được mục tiêu đó, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:
Một là, Sở Du lịch thành phố phối hợp liên ngành nhằm tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn mở cửa lại hoạt động du lịch và thực hiện nghiêm quy định phòng, chống và kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho du khách đến với thành phố.
Hai là, tiếp tục thực hiện chính sách chính hỗ trợ từ truyền thông, miễn vé tham quan và tư vấn, hỗ trợ tổ chức sự kiện (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện); tiếp tục hỗ trợ, tư vấn khuyến khích, thu hút người lao động du lịch làm việc trở lại; cung cấp các thông tin và các chương trình dự án để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch nâng cao chất lượng phục vụ, làm hài lòng cũng như bảo đảm an toàn cho du khách.
Ba là, khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở lưu trú, các điểm du lịch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động chuyển đổi số trong hoạt động, phục vụ khách nhanh, tiện lợi, tiết kiệm chi phí và an toàn.
Bốn là, xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng mềm bảo đảm thích ứng với sự thay đổi của thiên tai, dịch bệnh... nhất là đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch và thực hiện số hóa các chương trình đào tạo, bồi dưỡng.
Lê Huyền