Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ mạnh mẽ, cơ hội nắm bắt thông tin chưa bao giờ lại trở nên dễ dàng như thế, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, cả thế giới đều nằm trong lòng bàn tay. Một bài đăng ý nghĩa đủ để một tấm gương “người tốt việc tốt” được cả xã hội tung hô, một bức hình cảm động đủ để thay đổi số phận một con người. Rõ ràng, không thể nào phủ nhận được tốc độ lan truyền và mức độ ảnh hưởng của công nghệ số đến đời sống xã hội hiện nay.
Tuy nhiên, có thể nói rằng đó cũng chính là mặt trái mà sự phát triển của công nghệ mang lại. Đôi khi, chỉ là một vấn đề nhỏ, một câu chuyện bé chưa xác thực được đăng tải, bằng những lời lẽ thuyết phục vô căn cứ, những luận điệu thiếu cơ sở, đã đủ thêu dệt thành một câu chuyện “bóp méo” sự thật, thậm chí là xuyên tạc cả lịch sử. Tất cả đều nhằm mục đích lôi kéo được sự đồng cảm của người đọc, người xem, gây mất niềm tin rồi kích động con người ta quay ra chỉ trích, chê trách phê phán và chối bỏ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tiến tới lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Khi mà ai ai cũng có thể tự mình đăng tải, chia sẻ những thông tin, những bài viết trên các blog, diễn đàn, website, hay trên các ứng dụng mạng xã hội: zalo, facebook, youtube,… đều tràn ngập và đầy rẫy những thông tin trái chiều, thì thật khó để phân định thông tin.
Vậy vấn đề đặt ra đối với chúng ta - những người trẻ, là phải làm thế nào đủ thông minh để phân biệt phải - trái, đúng - sai, đủ bản lĩnh để bảo vệ và giữ vững được lịch sử hào hùng của dân tộc ta trước những thông tin xuyên tạc, bịa đặt.
Trước hết, phải xác định được sự nguy hiểm của những luận điệu xuyên tạc lịch sử!
Các thế lực thù địch lợi dụng những hạn chế, những điều còn chưa rõ ràng để tung ra hàng loạt cácloạt tin, bài, hình ảnh bịa đặt, được cắt ghép, chỉnh sửa để lan truyền trên không gian mạng với tốc độ chóng mặt; chúng mạo danh tư tưởng tự do nhân đạo, dùng lăng kính chủ quan, lấy thực tại làm thước đo, làm tiêu chuẩn chân lý duy nhất để phê phán quá khứ với thái độ bực tức, gay gắt, hằn học; nhằm chỉ trích, ném đá chế độ rồi ngụy biện đó là nghiêm khắc đánh giá lại những hạn chế, khiếm khuyết trong lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước ta.
Điều đáng nói là ranh giới giữa sự khách quan trong tự đánh giá ưu điểm, khuyết điểm, những điều làm được và chưa làm được với giọng điệu phủ định sạch trơn của kè thù vừa rất mỏng manh lại vừa hết sức rõ rệt, nó nằm ở động cơ phê phán. Động cơ của chúng là thực hiện mục tiêu từng bước phá hoại tư tưởng, chuyển hóa nhận thức trong quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, về một xã hội Việt Nam nhuộm màu tiêu cực, gây mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước.
Nếu không thực sự bình tĩnh và tỉnh táo, không biết chắt lọc thông tin, thì chỉ cần một cú kích chuột, bình luận (comment), thích (like), chia sẻ (share),… hay thậm chí là thái độ thờ ơ, mặc kệ, bỏ qua, đã vô tình tự mình mở toang cánh cửa đón gió độc ập vào, nhanh chóng trở thành dịch bệnh, lây lan với tốc độ khủng khiếp. Đây là cơ hội “ngàn vàng” để kẻ thù hiên ngang xông thẳng vào phá hoại, rồi tô son trát phấn lên bản mặt xấu xa của chúng. Đó sẽ là một cái giá của sự tổn thất khó có thể bù đắp nổi.
Do đó, cần phải nhìn nhận đúng lịch sử!
Đứng trước những thông tin xuyên tạc lịch sử, khoan đừng vội phán xét, quy chụp, kết luận rồi phủ định quá khứ, mà hãy bình tĩnh đánh giá đúng lịch sử. Cần phải xem xét lịch sử ở cả hai góc độ: tính thực tiễn và tính nhân văn của con người.
Về mặt thực tiễn, lịch sử luôn là quá trình vận động và phát triển của chuỗi các sự kiện tiếp nối liên tục trong quá khứ. Tiêu chuẩn đầu tiên để đánh giá chính là phải đặt nó vào đúng hệ quy chiếu của từng thời điểm lịch sử cụ thể; tách nó biệt lập khỏi sự vận động của đương đại, lấy quan điểm hiện tại để nhận xét, phê phán sẽ không tránh khỏi chủ quan phiến diện một chiều, trái với quy luật phát triển của lịch sử.
Xét trên góc độ nhân văn, tự thân mỗi con người phải luôn phải biết trân trọng quá khứ, biết phê phán, chọn lọc và tiếp thu, nhất là đối với quá khứ vừa mới đi qua, thuộc về bản chất chế độ, là thành quả của thế hệ cha ông phải đánh đổi, hy sinh mới có được. Vì vậy, nhìn nhận và đánh giá đúng lịch sử, là cách để thế hệ trẻ khẳng định năng lực và phẩm chất con người mình.
Hãy dùng chính lịch sử để chứng minh!
Sẽ chẳng thể có chứng cứ nào thuyết phục hơn chính sự thật đã diễn ra. Chúng ta hoàn toàn có thể minh chứng bằng thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đó là bản thiên hùng ca bất hủ mà mãi mãi chúng ta có quyền tự hào.
Chỉ xét trong một giai đoạn lịch sử hơn hai mươi năm, từ năm 1954 đến năm 1975, dân tộc Việt Nam đã phải ở trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, đất nước tạm thời bị chia cắt thành hai miền.Ở miền Nam, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai tiến hành những bước phiêu lưu quân sự với quy mô ngày càng rộng lớn và khốc liệt. Miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng, vừa phải khôi phục kinh tế, xoá bỏ tàn dư của chế độ cũ và khắc phục hậu quả chiến tranh của cuộc kháng chiến chống Pháp để lại, vừa phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh phá hoại mang tính hủy diệt bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ.
Lúc bấy giờ, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc cũng chính là xây dựng hậu phương để phục vụ cho tiền tuyến đánh giặc. Trong hơn 20 năm ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo quân và dân ta, dồn toàn bộ sức lực và trí tuệ vào mục tiêu đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Để rồi vào hồi 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ đỏ sao vàng chính thức tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Chiến thắng vang dội mùa xuân năm 1975 đã khiến cho cả thế giới phải nể phục trước một dân tộc bé nhỏ nhưng đầy sự quả cảm và quyết tâm thống nhất đất nước.
Bốn chiến sĩ Binh đoàn Hương Giang mang cờ tiến thẳng vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu
Rồi khi đất nước thống nhất, hòa bình được lập lại, nhận thấy nền kinh tế tập trung, tự cung tự cấp đã không còn phù hợp nữa, Đảng ta đã quyết định tiến hành đổi mới đất nước, đó là một quyết định mang tính lịch sử. Từ một đất nước gần như kiệt quệ vì chiến tranh triền miên, rơi vào tình trạng khủng hoảng, thì giờ đây, trở thành một nước đang phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; mọi mặt của đời sống xã hội được củng cố và tăng cường, nhân dân ngày càng có cuộc sống ấm no hơn, hạnh phúc hơn; thế hệ trẻ được sống trong hòa bình, được tự do học tập, làm việc theo mong muốn của mình,…
Có thể thấy rằng, từ xuất phát điểm vô cùng khó khăn ấy, thì mỗi thành tựu dù nhỏ, mỗi một bước tháo gỡ được khó khăn trên con đường đổi mới đã là một điều đáng khích lệ, đáng biểu dương; huống hồ chúng ta lại đạt được những thành tựu hết sức to lớn như hiện nay thì đó được coi là kỳ tích đáng tự hào. Nếu không có tính ưu việt thuộc về bản chất và không có sự năng động đầy sáng tạo của Đảng thì thật khó có thể đạt được. Đến bây giờ, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về Đảng ta, về bước đi đúng đắn, về con đường mà chúng ta đã lựa chọn.
Chình vì vậy, thế hệ trẻ - những con người sẽ làm chủ vận mệnh của quốc gia, của dân tộc, khi đứng trước những lời lẽ xuyên tạc và bịa đặt kia, phải tỉnh táo và bản lĩnh, phải biết ơn và dùng thái độ trân trọng quá khứ để tiếp thu và phê phán có chọn lọc, phảiphát huy tinh thần tự lực tự cường, cần cù sáng tạo; sẵn sàngđáp trả những thủ đoạn và bẻ cong mũi tiến công nguy hiểm trên mặt trận tư tưởng của kẻ thù. Đặc biệt, phải thực sự nhìn nhận quá khứ với thái độ của lương tri, của thế hệ tiếp nối lịch sử, tiếp nối truyền thống hào hùng của cha anh.
Đừng vội phủ định quá khứ, rồi biến mình trở thành kẻ vong ân với quá khứ. Hãy dùng tuổi trẻ và lòng nhiệt thành để cảm nhận quá khứ, rồi hào hùng mà bước tiếp!
Lam Giang