Những ngày này, theo dõi thông tin quốc tế và trong nước, ngoại trừ những ai không chút quan tâm, mọi thành viên trong xã hội đều thấy có hai sự thật:
Sự thật thứ nhất, hàng loạt quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới hoặc đang trở nên lúng túng, hoặc có chiều hướng rơi vào trạng thái hết sức khó khăn, thậm chí có chủ trương thử nghiệm sự buông xuôi để cho đại dịch Covid- 19 hoành hành dưới dạng thuyết miễn dịch cộng đồng.
Sự thật thứ hai, dù đất mẹ Việt Nam còn nghèo, còn thiếu thốn nhiều bề, trình độ phát triển của công nghệ y tế chưa hẳn là cao, song lại đang rộng mở vòng tay ấm đón hàng vạn con em, kiều bào ta từ các nền kinh tế thị trường trình độ phát triển cao trở về bảo vệ sức khoẻ cùng với việc tích cực chăm lo sức khoẻ cho toàn dân trong nước. Quê hương Việt Nam vẫn vậy, người dân Việt Nam vốn luôn thuần hậu, thương yêu đồng bào mình, nhất là trong gian khó. Đảng và Chính phủ cùng toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành đã và đang không kể ngày đêm, không tiếc công sức và trí tuệ để cùng với nhân dân một lần nữa khẳng định nỗ lực của mình trước cơn đại dịch.
Để hiểu được sự khác biệt trong hai sự thật trên đây không thể quan sát một cách giản đơn, cần có một sự sáng suốt.
Với sự thật thứ nhất, sâu xa trong lòng các nền kinh thế thị trường phát triển nhất thế giới, ở các nước tư bản phát triển nhất thế giới (có lúc hết sức hào nhoáng bề ngoài) là bài toán chi phí và lợi nhuận. Không thể khác được, kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa không thể thiếu động lực lợi nhuận. Lợi nhuận là máu thịt, là xương tuỷ. Điều này không có gì sai, vì cơ chế thị trường đòi hỏi thế. Chỉ có điều, trước bài toán cứu vớt con người trong cơn dịch bệnh đòi hỏi quá nhiều chi phí, trong khi lợi nhuận lại không ai đảm bảo. Vậy là, cơ chế thị trường thuần tuý hiện nguyên hình của nó. Không có lợi nhuận, ở đó không có động lực. Chính bởi vậy, sau hàng tháng các quốc gia có nền kinh tế thị trường tư bản phát triển phải đương đầu với dịch bệnh, một số quốc gia đang rơi vào tình trạng khẩn cấp, thế giới tư bản chưa có vinh hạnh được chứng kiến ông chủ tập đoàn tư bản kếch xù nào tuyên bố thành lập bệnh viện dã chiến, xây thêm cơ sở khám chữa bệnh, quyên góp nguồn lực để giúp nhân dân chống chọi với bệnh dịch. Tình thế xã hội ở nhiều nước tư bản đang đẩy mạng sống của người dân rơi vào trạng thái mong manh hơn bao giờ hết. Các tập đoàn tư bản mặc nhiên coi việc chống dịch là của Chính quyền. Không có lợi nhuận, các tập đoàn tư bản luôn nhún vai một cách khẳng khái: không phải việc của chúng tôi. Bản chất sâu xa này vẫn là như vậy hằng mấy trăm năm nay. Chưa có gì thay đổi. Tình thế làm cho nhiều chính phủ tư bản phát triển nhất rơi vào trạng thái đơn thương độc mã đương đầu với đại dịch, đương đầu với cuộc chiến vô hình Covid- 19. Trước khó khăn, có chính phủ của quốc gia đã tuyên bố thực hiện phương án miễn dịch cộng đồng. Nghĩa là để cho con người tự thích nghi. Ai thoát được thì sống. Ai không thoát được thì thôi! Điều này có phải là tự thanh lọc để tồn tại không?! Nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa là vậy, chưa thay đổi gì về bản chất, cho dù biểu hiện bề ngoài có muôn hồng ngàn tía làm nhiều người có khi lóa mắt. Kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa luôn là vậy, không có lợi nhuận, không phải việc của tập đoàn tư bản. Trong khi một số lượng nhỏ các tập đoàn tư bản lại đang nắm giữ phần lớn lượng của cải mà loài người cộng lại!
Trái ngược với sự thật trần trụi trong nền kinh tế thị trường tư bản nêu trên, trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, văn minh vật chất chưa hẳn đã đủ đầy, các loại thị trường cũng như các yếu tố thị trường chưa đồng bộ, còn nhiều khiếm khuyết trên con đường hoàn thiện. Song trước nguy cơ bệnh dịch đe doạ, trước sự khắc nghiệt giữa sự sống và cái chết của người dân, Đảng Cộng sản Việt Nam, hệ thống chính trị và các cấp các ngành của Việt Nam đã và đang không tiếc thời gian và trí tuệ, sức lực và của cải để tìm kiếm các phương thức hữu hiệu nhất nhằm bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân, bảo vệ tính mạng của con người. Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp không mảy may tính toán thiệt hơn trong việc tham gia vào đại cuộc chống lại bệnh dịch. Mọi người dân, mọi ngõ ngách đang có sự kết hợp chặt chẽ nhà nước và nhân dân để bảo vệ sức khoẻ mặc dù có thể phải hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt. Còn người, còn của. Đây là trí tuệ ngàn đời của nhân dân ta đã đúc kết. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng khẳng định, trong gầm trời, không có gì quý bằng nhân dân. Với tinh thần đó, toàn xã hội tham gia chống dịch, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát huy giá trị của mình một cách tự nhiên vào mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Hàng ngàn người đang được chăm lo chu đáo, hàng trăm bệnh nhân không may nhiễm dịch đang được cả hệ thống nhà nước, thị trường chăm lo không tính toán. Sự quan tâm này là thành thật. Chính bởi sự thành thật này mà hàng vạn con em, kiều bào ta vốn đang học tập, cư trú tại các nền kinh tế thị trường tư bản phát triển nhất đã sốt sắng trở về Việt Nam để bảo toàn sức khoẻ. Thậm chí có cả nhiều người nước ngoài cũng mong muốn đến Việt Nam để bảo toàn mạng sống. Đây cũng là sự thật! Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang thực hiện nhiệm vụ to lớn là bảo vệ sức khoẻ của người dân một cách quy củ nhất, khoa học nhất có thể thay vì chỉ là lợi nhuận trần trụi với lối tiền trao, cháo múc không tình không nghĩa! Điều này chính là sự giải thích thực tế nhất, không màu mè, tô vẽ rằng tại sao kiều bào ta (thậm chí nhiều người có rất nhiều tiền) đang ở trong những nền kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới, những nền y tế trình độ cao nhất thế giới lại nôn nóng trở về Việt Nam với một trình độ phát triển của hệ thống y tế chưa thực sự phát triển cao để được bảo vệ sức khoẻ. Người dân biết chắc chắn rằng, về Việt Nam sẽ được chăm lo, Đất mẹ, quê hương, Đảng và hệ thống chính trị chăm lo với một thành tâm không phải vì động cơ lợi nhuận!. Giá trị xã hội chủ nghĩa vì con người và do con người được thể hiện chân thật trong những ngày này ở đất nước ta. Thực tế nhiều chuyên gia của WHO, của các tổ chức quốc tế và công dân nước ngoài đã ghi nhận. Đó là gì nếu không phải là giá trị của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đang là sự thật, đang trở thành sự thật của một kiểu kinh tế thị trường phù hợp với con đường phát triển và bản sắc con người Việt Nam./.
Bảo Nghi