Trong số vô vàn tư tưởng minh triết của Hồ Chí Minh hàm chứa giá trị lớn lao mang tầm thời đại trên lĩnh vực quyền con người ấy trước hết phải kể đến tư tưởng về độc lập, tự do và quyền dân tộc tự quyết. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người và quyền tự quyết dân tộc phản ánh sâu đậm chủ nghĩa nhân văn chân chính và cao cả, là sự cô đọng của văn hóa Hồ Chí Minh
Giá trị xuyên thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người được thể hiện cô đọng trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945. Bản Tuyên ngôn đã đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của lý luận về quyền con người cũng như của luật quốc tế về quyền con người khi lần đầu tiên trong lịch sử khái niệm quyền sống, quyền tự do của các dân tộc đã được đồng nhất với quyền sống, quyền tự do của con người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đầu bản Tuyên ngôn bằng những luận đề hiển nhiên được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"(1); đồng thời, Người đưa ra sự khẳng định đầy tinh tế và sâu sắc: "Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do"(2). Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn tiếp bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền 1789 của Pháp: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi"(3). Từ hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng trên, Người đi đến một kết luận bất hủ: "Đó là lẽ phải không ai chối cãi được" (4).
Bằng sự mở rộng quyền con ngườichỉ với tính cách cá nhân lên quyền con ngườivới tính cách là dân tộc, quốc gia - dân tộc, Hồ Chí Minh đã nâng vấn đề quyền tự nhiên của con người lên một tầm cao mới về chất, trên tinh thần thế giới quan khoa học của chủ nghĩa duy vật biện chứng về lịch sử và xã hội loài người, phản ánh chân thực quá trình lịch sử và thực tiễn tồn tại, phát triển của dân tộc Việt Nam cũng như của các dân tộc bị nô dịch và áp bức trên toàn thế giới.
Sự mở rộng chủ thể quyền với nội hàm được sống, được tự do, được mưu cầu hạnh phúc của cá nhân thành của quốc gia - dân tộc là một bước tiến nhảy vọt về lý luận. Nhất là vào cái thời đại mà người ta thậm chí còn cố tình hạ thấp, chà đạp và tước bỏ phẩm giá của cả một dân tộc để tôn vinh phẩm giá của kẻ đi bóc lột và nô dịch.
Vì thế, ý nghĩa của “sự suy rộng ra” và cùng với việc khẳng định quyền được sống của quốc gia-dân tộc, Hồ Chí Minh xứng đáng được tôn vinh là nhà tư tưởng vượt thời đại về quyền con người. Người đã đem lại một quan niệm hết sức đúng đắn về mối quan hệ biện chứng giữa tự do cá nhân và tự do của cộng đồng, giữa giải phóng cá nhân và giải phóng toàn xã hội. Đó là sự thống nhất biện chứng giữa giải phóng con người về mặt xã hội, giai cấp và cá nhân.
Với tư tưởng về quyền con người, Hồ Chí Minh tiếp tục lan tỏa sức sống mãnh liệt của hệ tư tưởng mác-xít về con người và giải phóng con người, giải phóng giai cấp, dân tộc và nhân loại. Đồng thời, góp phần quan trọng vào sự phát triển lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa xã hội nói chung và sự phát triển quyền con người và hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người nói riêng.
Tư tưởng của Hồ Chí Minh về quyền con người được thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong quá trình hoạt động cách mạng của Người, được thể hiện cô đọng qua những danh ngôn nổi tiếng của Người như: “một dân tộc nô lệ không thể có con người tự do” và “nước độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập chẳng có nghĩa lý gì”. Giải phóng dân tộc, đưa lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành,... luôn là lý tưởng và lẽ sống của Người. Đó cũng chính là lý tưởng và lẽ sống của dân tộc và cộng đồng nhân loại.
Tuyên ngôn độc lập - một sự kết tinh sâu sắc nhất tư tưởng của Hồ Chí Minh về quyền con người, đã được cả cộng đồng quốc tế đánh giá cao không chỉ về tính nhân văn sâu sắc, giá trị đạo lý và chính trị to lớn đối với các dân tộc thuộc địa và nhân dân lao động trên toàn thế giới, mà còn ở tính khoa học pháp lý chặt chẽ và đầy sáng tạo.
Những tư tưởng đó còn là sự kết tinh sâu sắc phương pháp luận của Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc và giải phóng con người, hiện thực hóa các quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người. Tư tưởng ấy đã, đang và sẽ còn tiếp tục soi đường cho sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng dân tộc và giải phóng nhân loại trong bối cảnh thế giới đương đại, đặc biệt là đối với Việt Nam- một quốc gia đang trong quá trình xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân và phát triển vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Trong bối cảnh mới, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người gắn liền với quyền dân tộc tự quyết tiếp tục được Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, vận dụng sáng tạo và không ngừng phát triển. Bảo đảm về quyền con người thuộc bản chất của chế độ ta, là động lực và mục tiêu của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, đồng thời kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng và mất dân chủ trong bộ máy nhà nước… đang là những yêu cầu bức thiết đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đòi hỏi chúng ta phả tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, vận dụng và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.
Những tư tưởng vượt thời đại của Hồ Chí Minh về quyền con người và quyền dân tộc tự quyết trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 dù đã trải qua ¾ thế kỷ, vẫn còn nguyên giá trị đối với ngày hôm nay, tiếp tục là kim chỉ nam và nguồn cảm hứng bất tận cho nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới và toàn nhân loại.
(1), (2), (3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.1
Hoàng Nam