1. Những kết quả bước đầu
Những năm gần đây, do các ngành kinh tế ngày càng phát triển, hoạt động tư vấn và giới thiệu việc làm như tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ tại trung tâm và phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện được tổ chức thường xuyên. Nhờ vậy, tổng số người lao động được giải quyết việc làm từ năm 2016 đến năm 2021 là 229.645 người. Trong đó, số lao động được giải quyết việc làm mới là 107.605 người, 4.968 lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài và 117.072 người được giải quyết việc làm thêm, đưa tỷ lệ thất nghiệp chung xuống còn 1,8%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 60.000.000 đồng/năm. Số lao động được giải quyết việc làm mới, việc làm thêm là chủ yếu và ngày càng tăng. Đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nam cơ bản được kiểm soát tốt. Vì thế, mặc dù doanh nghiệp, người lao động phải đứng trước rất nhiều khó khăn song thị trường lao động cơ bản vẫn bảo đảm ổn định. Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 10.920 người (đạt 62,4% kế hoạch năm).
Kết quả giải quyết việc làm đã tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, phù hợp: tăng tỷ trọng lao động trong ngành công nghiệp và ngành dịch vụ, giảm tỷ trọng lao động trong ngành nông nghiệp, cụ thể: hiện nay, lao động trong khu vực nông, lâm, nghiệp và thủy sản chiếm 25,6%; công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 74,4%, từ đó, tạo sự gắn kết giữa quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế với quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động.
Tuy nhiên, vì những lý do cả khách quan và chủ quan, nhất là tác động của dịch bệnh COVID-19, công tác giải quyết việc làm cho người lao động tại tỉnh Hà Nam trong thời gian vừa qua vẫn còn những hạn chế nhất định.
Mặc dù giải quyết được nhiều việc làm nhưng thu nhập của người lao động còn thấp. Số lao động được giải quyết việc làm ở ngành công nghiệp và dịch vụ có xu hướng tăng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Trong khi đó, hằng năm, tỷ lệ người lao động đi xuất khẩu chưa cao, chỉ đạt khoảng 0,5 % so với số người lao động được giải quyết việc làm mới. Đặc biệt, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới thì tỷ lệ lao động Hà Nam đi làm việc ở nước ngoài tiếp tục giảm xuống.
2. Giải quyết việc làm đồng thời nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân
Thời gian tới, để thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống nhân dân, góp phần xây dựng Hà Nam giàu đẹp, văn minh, cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân, khôi phục, duy trì hoạt động của các doanh nghiệp.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, về phát triển cách ngành kinh tế; bổ sung những chính sách mới đủ mạnh để thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho người lao động.
Thứ ba, nâng cao chất lượng đào tạo nghề và hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về sự cần thiết của hoạt động đào tạo nghề; chấn chỉnh, kiện toàn hệ thống cơ sở dạy nghề; thực hiện xã hội hóa hoạt động đào tạo nghề; nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn và giới thiệu việc làm của các cơ quan đoàn thể, trong đó có vai trò to lớn của trung tâm tư vấn và giới thiệu việc làm.
Đào tạo nghề ở Trường Cao đẳng nghề Hà Nam
Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động; thực hiện công khai, minh bạch về số lượng, thời gian, tiêu chuẩn tuyển chọn, điều kiện lao động, các chi phí đóng nộp, mức lương và quyền lợi được hưởng, phổ biến pháp luật về lao động của thị trường lao động từng nước để người lao động tìm hiểu và có kế hoạch lựa chọn tham gia xuất khẩu lao động. Quan tâm nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề. Cần lập quỹ xuất khẩu lao động để có nguồn hỗ trợ kinh phí đào tạo cho người nghèo, nhất là người lao động thuộc diện chính sách để họ có đủ điều kiện đi xuất khẩu lao động.
Thứ năm, có chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề cho người lao động đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Ở khu vực nông thôn, tạo điều kiện và khích lệ người lao động học hỏi nhiều hơn, từ đó, giúp họ nhanh chóng tìm được việc làm, tăng được thu nhập.
Thứ sáu, có chính sách thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao chất lượng của lực lượng lao động trong nông nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; tăng cường mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn phục vụ sản xuất và đời sống.
Như Mây