Sự lớn mạnh của kinh tế làng nghề
Toàn tỉnh hiện có 163 làng nghề truyền thống (LNTT), làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và làng có nghề, trong đó có 52 làng LNTT, làng nghề TTCN, được chia thành bốn nhóm cơ bản: làng nghề thủ công mỹ nghệ; làng nghề dệt, nhuộm; làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm; làng nghề chế biến gỗ.
Các làng nghề trên địa bàn tỉnh là trung tâm kỹ thuật chế tác sản phẩm thủ công; là hội tụ tinh hoa, trung tâm văn hóa và cũng là địa điểm buôn bán, giao lưu văn hóa của vùng, khu vực; là nơi quy tụ những nghệ nhân, thợ thủ công có tay nghề cao mà danh tiếng của họ đã gắn liền với sản phẩm của làng nghề.
Nhắc đến các sản phẩm OCOP tại Hà Nam đi lên từ làng nghề, không thể bỏ qua những cái tên như: Gốm Quyết Thành, bánh đa nem làng Chều, mây tre đan Ngọc Động, cá kho Hoà Hậu hay rượu làng Vọc, ... với các loại hình sản phẩm phong phú, đa dạng, không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trong vùng mà còn đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của nhân dân các khu vực lân cận và xuất khẩu. Doanh thu từ các làng nghề có những đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng GDP toàn tỉnh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người lao động. Chỉ tính riêng năm 2021, tổng doanh thu từ các làng nghề trên địa bàn tỉnh đạt trên 1773 tỷ đồng. Sự phát triển của làng nghề đã tác động không nhỏ đến chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Phơi lụa thủ công tại làng nghề dệt lụa Nha Xá (Duy Tiên, Hà Nam)
(Ảnh: internet)
Để làng nghề phát triển bền vững
Bên cạnh những biến đổi và phát triển theo hướng tích cực, hiện nay, tình trạng xả thải bừa bãi ra hệ thống tiêu nước chung gây ô nhiễm nghiêm trọng đến không khí và các nguồn nước mặt, nước ngầm tại các đơn vị cơ sở, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe cộng đồng, gây tổn thất kinh tế, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự ngay tại các làng nghề. Để giải quyết bài toán này, phát triển các làng nghề theo hướng "xanh", bền vững, chính quyền và các cơ quan ban ngành liên quan trên địa bàn tỉnh Hà Nam cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức đối với các cấp ủy, chính quyền, các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động tại các làng nghề về ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. Thực hiện nhất quán quan điểm sản xuất kinh doanh phải gắn với bảo vệ môi trường, tuyệt đối không hy sinh lợi ích môi trường để đạt một số lợi ích kinh tế trước mắt.
Hai là, các đơn vị cấp cơ sở, cơ quan chuyên môn cần làm tốt công tác tham mưu với chính quyền cấp tỉnh trong quy hoạch làng nghề gắn với bảo đảm an ninh môi trường; nghiên cứu, xây dựng các quy trình, biện pháp xử lý ô nhiễm theo đúng quy định; chú trọng việc lưu giữ, bảo tồn khung cảnh sản xuất mang tính cổ truyền của làng nghề để kết hợp với phát triển các loại hình du lịch văn hóa, cộng đồng.
Chế tác đồ thủ công mỹ nghệ tại làng nghề sừng mỹ nghệ Đô Hai (Bình Lục, Hà Nam)
(Ảnh: internet)
Ba là, rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật có liên quan đến bảo vệ môi trường tại các làng nghề thông qua các nội quy, quy định, hương ước, cam kết bảo vệ môi trường, tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý môi trường bảo đảm tính khoa học, toàn diện và thượng tôn pháp luật. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các tiêu chí “Làng nghề xanh” phù hợp với tiêu chuẩn bảo vệ môi trường trong điều kiện mới; lấy đó làm căn cứ xếp loại làng nghề theo hướng phát triển bền vững, bảo đảm khoa học, đồng bộ, chặt chẽ, chính xác và khách quan. Tích cực chia sẻ những kinh nghiệm hay, phương pháp và cách làm sáng tạo của các làng nghề tiêu biểu trong công tác bảo vệ môi trường, đồng thời, xem xét hạn chế, thậm chí nghiêm cấm phát triển một số làng nghề tác động, ảnh hướng xấu đến môi trường và sức khỏe của con người.
Bốn là, tăng cường các nguồn lực đầu tư bảo vệ môi trường làng nghề; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng; quan tâm hỗ trợ bằng chính sách cho vay ưu đãi hoặc giảm thuế, khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư kinh phí, công nghệ tiên tiến, hiện đại để xử lý chất thải, nước thải, khí thải theo quy định. Có chính sách và kế hoạch đầu tư các nguồn lực đúng mức để bảo vệ, xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề; tăng cường tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các làng nghề; thử nghiệm, áp dụng phương thức sản xuất mới sạch hơn cho các chủ cơ sở sản xuất tại làng nghề.
Năm là, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa cơ quan chuyên môn với các cơ sở, cá nhân sản xuất kinh doanh, quy định rõ trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ môi trường; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hoạt động gây ô nhiễm môi trường tại các làng nghề.
Nguyệt Nguyễn