Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp tạo đột phá trong xây dựng nông thôn mới
Nhất quán chủ trương gắn ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ hiện đại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, tỉnh đã chủ động nghiên cứu, triển khai chuyển đổi từ nền sản xuất nhỏ, lẻ sang sản xuất tập trung, quy mô lớn; thực hiện hiệu quả mô hình tích tụ ruộng đất; tăng cường chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao; mở rộng quy mô, xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi hàng hóa nông sản sạch; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh rau, củ, quả chủ lực gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát huy lợi thế vùng, miền; triển khai thực hiện có hiệu quả đề án "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP).
Cùng với đó, tỉnh đã từng bước hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ kịp thời cho nông dân; phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp tổ chức nhiều đợt tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; tăng cường và phát huy việc ứng dụng công nghệ tiến bộ vào sản xuất nông nghiệp nhằm gia tăng giá trị kinh tế và nâng cao thu nhập cho người sản xuất, giúp nông dân có cơ hội vươn lên làm giàu trên chính đồng đất quê hương, tạo sự đổi thay mạnh mẽ cho diện mạo các vùng nông thôn của Hà Nam.
Giai đoạn 2016 - 2022, nhiều khu nông nghiệp công nghệ cao đã được hình thành trên địa bàn tỉnh, như Khu nông nghiệp công nghệ cao ở một số xã của huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam (xã Xuân Khê và Nhân Bình với diện tích 180 ha, xã Nhân Khang diện tích 21,6 ha). Giá trị sản xuất trong các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất ngoài trời đạt trung bình từ 1,2 - 1,4 tỷ đồng/ha/năm; trong khu trong nhà kính đạt từ 3 - 4 tỷ đồng/ha/năm, tạo việc làm ổn định cho từ 200 đến 300 lao động địa phương với thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Mô hình đa canh, chuyên canh hoa của xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục và xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý, Hà Nam cho thu nhập từ 350 - 400 triệu đồng/ha/năm. Trên địa bàn Huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam có 16 mô hình nhà kính, nhà màng trồng dưa vân lưới, trồng nho, rau, củ, quả sạch liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với diện tích 3ha, giá trị thu nhập bình quân 1,2 tỷ đồng/ha/năm.
Mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà kính công nghệ cao tại huyện Lý Nhân (Hà Nam)
(Nguồn: nhandan.vn)
Nhiều địa phương của tỉnh Hà Nam đã tiến hành dự án: “Xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại Hà Nam” với tổng diện tích là 6.000 m2, “Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn - nấm dược liệu theo hướng công nghiệp”. Toàn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện đề án 1.000 hộ nông dân trồng nấm tập trung quy mô 2.500 m2, công suất đạt 500 tấn nguyên liệu/năm; hiệu quả sản xuất rau trong nhà lưới đạt từ 420 triệu đồng - 550 triệu đồng/ha/năm. Giai đoạn 2017 - 2022, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh được duy trì và phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả kinh tế, tạo được sức lan tỏa rộng khắp, thu hút đông đảo hội viên tham gia; đã có hơn 300.000 lượt hộ nông dân được công nhận sản xuất kinh doanh giỏi.
Hướng tới phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp
Hiện nay, tỉnh Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, trong đó có nông nghiệp tuần hoàn; phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn dựa trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan của khu vực nông thôn nhằm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới. Đây là hướng đi tăng sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Mô hình nuôi cá sông trong ao bằng ứng dụng công nghệ hiện đại tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam
(Nguồn: kinhtenongthon.vn)
Để tiếp tục duy trì phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp và Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, thời gian tới, các cấp chính quyền cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức của nhân dân về yêu cầu cấp thiết của việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Phát huy tốt hơn nữa công tác quy hoạch, định hướng sản xuất nông nghiệp; kịp thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thực hiện tốt công tác khuyến nông, thông tin, dự báo thị trường; mở rộng và tạo điều kiện để các loại hình thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vận hành hiệu quả.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ việc tích tụ ruộng đất; thu hút cán bộ quản lý, kỹ thuật giỏi về cơ sở phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; đẩy nhanh việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa sạch, năng suất, hiệu quả cao, chất lượng tốt. Quan tâm thực hiện hiệu quả liên kết "4 nhà": Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.; chú trọng củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, khuyến khích phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại. Phát huy vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thông qua việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản phẩm, bảo đảm sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi liên kết. Quan tâm đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn, tạo điều kiện ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập của người dân.
Nguyệt Nguyễn