Tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Hà Nam
Được tạo hóa ưu ái ban tặng nhiều tài nguyên tự nhiên khá phong phú, tương đối đặc thù, Hà Nam có nhiều đồi núi với cảnh quan đẹp như: Núi Cấm tọa lạc tại thôn Quyển Sơn (xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng), nhiều cảnh quan đặc sắc dạng Karst đẹp nổi tiếng của Hà Nam đã đi vào thơ ca như: Hồ Tam Chúc, Ngũ động sơn, ao Dong - hang Luồn, đầm Ngũ Nhạc, Bát cảnh tiên, dốc Cổng Trời, động Phúc Long, Kẽm Trống, hang Gióng Lở, Hồ Ba Hang... Hệ thống sông hồ dày đặc với vẻ đẹp thơ mộng của sông Hồng, sông Đáy, sông Châu... cùng với hệ sinh thái nông nghiệp vùng chiêm trũng điển hình là những nét độc đáo, có khả năng phát triển nhiều loại hình du lịch phong phú, hấp dẫn.
Hà Nam hiện có 1.784 di tích, trong đó, 65 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 39 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Hà Nam rất đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa, thể hiện ở các loại hình: văn hóa luật tục, văn hóa cư trú, kiến trúc, lễ hội và các loại nhạc cụ dân tộc, nghệ thuật dân gian, ẩm thực,...
Cụ thể như: Quần thể di tích lịch sử văn hóa Đền Trần Thương (thôn Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, Hà Nam); Đền Lảnh Giang (thôn Yên Lạc huyện Duy Tiên); Đền Trúc; Đình đá Tiên Phong; Chùa Long Đọi Sơn - một biểu tượng văn hóa của trấn Sơn Nam xưa; Núi Chùa (Thôn Châu huyệnThanh Liêm); Chùa Tiên, khu di tích Đinh Lê, khu văn hoá Liễu Đôi (Thanh Liêm); Nhà từ đường Nguyễn Khuyến, đình Cổ Viễn, đình Bồ Đề (Bình Lục)... Đặc biệt, khu du lịch trọng điểm Chùa Tam Chúc, là ngôi chùa lớn nhất thế giới đã vinh dự được lựa chọn làm nơi tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak của Liên Hợp Quốc năm 2019, với sự tham gia của hàng nghìn tín đồ Phật giáo từ khắp nơi trên thế giới.
Hơn 100 lễ hội ở Hà Nam phản ánh tín ngưỡng cổ xưa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, mang đậm bản sắc dân tộc. Các nghi thức tế lễ, rước, trò chơi dân gian, sinh hoạt nghệ thuật dân gian được tổ chức long trọng, sinh động, đậm nét tính cộng đồng, cộng cảm của làng xã như: Lễ hội đền Trần Thương; Lễ hội đền Trúc - Ngũ Động Sơn; Lễ hội chùa Đọi; Lễ hội vật võ Liễu Đôi...
Lễ hội đền Trần Thương
Là một trong những chiếc nôi của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đậm bản sắc dân tộc đang được lưu giữ, kế thừa và phát huy, Hà Nam đang có Chiếu chèo làng Thọ Chương, chiếu chèo làng Ngò (huyện Lý Nhân); chiếu chèo Châu Giang (huyện Duy Tiên); chiếu chèo làng Hoà Ngãi (huyệnThanh Liêm), chiếu chèo Đồng Hoá (huyện Kim Bảng); hát tuồng An Thái (Bình Lục), Bạch Thượng (Duy Tiên); Dân ca giao duyên vùng ngã ba sông Móng; múa hát Lải Lèn, Lý Nhân; múa hát dậm Quyển Sơn, Kim Bảng…
Một buổi giao lưu của Câu lạc bộ chèo Sông Đáy Thi Sơn (xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam)
Hà Nam cũng là quê hương của hơn 40 làng nghề truyền thống, trong đó, có nhiều làng nghề lâu năm nổi tiếng như: Trống Đọi Tam (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên); lụa Nha Xá (xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên); thêu ren An Hoà, Hoà Ngãi (xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm); mây tre đan Ngọc Động; mộc Cao Đà; gốm Đanh Xá, Quyết Thành; rũa cưa Đại Phu - An Đổ; sừng Mỹ nghệ Đô Hai... Nhiều làng nghề nổi tiếng có sản phẩm gắn liền với nông nghiệp như: Bánh đa nem Chều (xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân); rượu Vọc (huyện Bình Lục); bánh trưng làng Đầm (xã Liêm Tuyền, thành phố Phủ Lý); cá kho Nhân Hậu (xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân)...
Làng kho cá Vũ Đại (Hà Nam)
Để du lịch Hà Nam ngày càng phát triển
Nhằm khai thác ngày một tốt hơn tiềm năng du lịch, đạt mục tiêu đến 2025, thu hút từ 4-5 triệu lượt khách, trong đó, có 490 nghìn lượt khách du lịch quốc tế, doanh thu du lịch đạt 5.900 tỷ đồng, tỉnh Hà Nam cần tập trung vào một số giải pháp quan trọng sau:
Một là, xây dựng và thực hiện chiến lược, các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch phù hợp, tăng cường đầu tư vào giải pháp truyền thông số thay thế các kênh truyền thông cũ để lan tỏa đến khách du lịch trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh tổ chức các chương trình liên kết, hợp tác xúc tiến du lịch với các địa phương trọng điểm du lịch trên toàn quốc, mở rộng liên kết hợp tác trong nước và quốc tế về du lịch; xây dựng mô hình tổ chức liên kết, quản lý, đăng ký kinh doanh du lịch.
Hai là, có cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch. Nâng cao chất lượng dịch vụ; làm tốt công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho du khách; tăng thêm dịch vụ bổ sung nhưng không tăng giá; giảm giá các dịch vụ...
Ba là, bảo tồn và khai thác tốt các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các di sản văn hóa; hoàn thiện và nâng cao hoạt động của các thiết chế văn hóa gắn với phát triển du lịch; bảo tồn, phục dựng và phát triển một số hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống; biểu diễn văn hóa dân gian; trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội theo đúng hướng bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch.
Ba là, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch làng nghề kiểu mẫu hoặc điểm đến du lịch làng nghề truyền thống với hệ thống các sản phẩm OCOP chất lượng để các làng nghề phát huy tiềm năng, lợi thế gắn với phát triển du lịch. Nghiên cứu cho ra đời những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng riêng của địa phương dựa trên tài nguyên sinh thái bản địa.
Bốn là, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ và kiến thức kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng cho cán bộ và nhân dân địa phương, nhất là giới trẻ, đáp ứng yêu cầu về du lịch. Đẩy mạnh các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu phát triển thực chất và nâng lên một tầm cao mới, bảo đảm sự hài hòa giữa giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, ứng xử văn hóa với phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.
Năm là, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như: hệ thống đường giao thông, phương tiện di chuyển, nhà vệ sinh, nguồn cung cấp nước uống sạch tại vòi, hệ thống nhà nghỉ, khách sạn...
Nguyệt Nguyễn