Đại dịch Covid-19 khởi nguồn từ Thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) từ cuối năm 2019 và nhanh chóng lan rộng sang các nước châu Âu như Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Anh vào tháng 3-2020. Sau đó, tâm dịch chuyển sang Ấn Độ, Iran ở châu Á, rồi đến Mỹ, Brazil ở châu Mỹ và đến nay dịch bệnh đã tấn công ở tất cả các quốc gia và châu lục trên toàn thế giới. Hiện nay, thế giới đang đối mặt với làn sóng bùng phát dịch Covid-19 mới với sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm trên phạm vi toàn cầu. Thống kê mới nhất cho thấy, tổng số người nhiễm bệnh trên thế giới đến nay là 198.905.983, trong đó có 4.238.566 người tử vong, cụ thể số người nhiễm bệnh ở các châu lục: Châu Á: 62.273.770; Châu Âu: 51.584.509; Bắc Mỹ: 42.607.425; Nam Mỹ 35.539.924; Châu Phi: 6.793.591[1]. Đại dịch này không chỉ đẩy hệ thống y tế thế giới rơi vào khủng hoảng mà còn kéo theo cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu.
Ở Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng từ cuối tháng 1/2020 với ca nhiễm bệnh đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh và nhanh chóng lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước. Đến nay, Việt Nam đang đối mặt với làn sóng bùng phát dịch thứ tư với số người nhiễm bệnh là 154.253, trong đó một số tỉnh thành phố có tỷ lệ người nhiễm bệnh cao như: thành phố Hồ Chí Minh: 94.295; Bình Dương: 16.858; Long An: 6.012; Bắc Giang: 5.735; Đồng Nai: 4.551; Đồng Tháp: 3.187; Tiền Giang: 2.220...[2].
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta nước ngoài đoàn kết cùng chống dịch Covid-19, ngày 30/3/2020
Trước tình hình đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, ngay từ đầu năm 2020, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã dự báo sự ảnh hưởng của dịch bệnh đối với Việt Nam và đưa ra các chiến lược, chính sách để ứng phó một cách phù hợp với sự lây lan của dịch bệnh với phương châm “chống dịch như chống giặc”. Nhằm huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân vào cuộc chiến chống dịch, ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta nước ngoài đoàn kết cùng chống dịch Covid-19. Trong Lời kêu gọi ngày 30/3/2020, người đứng đầu Đảng, Nhà nước nhấn mạnh: “Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”. Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã huy động sức mạnh của toàn dân tộc cùng chung sức để đối phó đại dịch với những kết quả quan trọng mà dư luận thế giới đánh giá rất cao. Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng do đại dịch Covid-19 thì Việt Nam được ghi nhận là một trong số ít các quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương với mức tăng trưởng GDP thực tế khoảng 3% trong năm 2020, đồng thời, về cơ bản ngăn chặn thành công 3 đợt bùng phát dịch với tỷ lệ người nhiễm bệnh và tử vong thấp với 2.910 ca mắc Covid-19 và 35 ca tử vong tính đến ngày 29/4/2021.
Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư có tốc độ lây lan nhanh chóng do biến thể Delta gây ra. Trong một thời gian ngắn từ cuối tháng 4/2021 đến nay, tỷ lệ người nhiễm bệnh gia tăng rất nhanh với nhiều điểm nóng tại các địa phương từ Bắc Giang, Bắc Ninh và hiện nay là các tỉnh phía Nam nhất là thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương. Trước tình hình đó, rất nhiều các biện pháp chống dịch được triển khai nhằm huy động tất cả các nguồn lực với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Mặc dù vậy, sự nguy hiểm của biến thể Delta đang là thách thức rất lớn cho hệ thống y tế của Việt Nam.
Toàn văn Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 29/7/2021.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, ngày 29/7/2021, một lần nữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra. Trong lời kêu gọi lần thứ hai, Tổng Bí thư tiếp tục nhấn mạnh: “Với tinh thần "chống dịch như chống giặc," bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.
Như vậy, trong hơn một năm người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã hai lần ra Lời kêu gọi nhằm hiệu triệu sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng chung sức chống lại sự bùng phát của dịch bệnh Covid -19 ở Việt Nam. Hai lời kêu gọi ở hai thời điểm khác nhau nhưng với một quyết tâm chính trị cao nhất: nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, giữ vững thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh mới. Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức vì sự bùng phát của đại dịch Covid-19 có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp của dân tộc để chiến thắng đại dịch.
Hưởng ứng những Lời kêu gọi của Tổng Bí thư và các biện pháp quyết liệt của Chính phủ, thời gian qua, nhiều hoạt động thiết thực được triển khai mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị, ở các cấp, các ngành và các địa phương để cùng chung sức chống lại dịch bệnh. Đặc biệt, khối đại đoàn kết toàn dân tộc một lần nữa được phát huy và nhân lên trong cuộc chiến chống dịch. Các phong trào ủng hộ quỹ phòng chống dịch Covid-19 được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia tích cực. Nhiều mô hình, hoạt động “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” được triển khai sâu rộng trong nhân dân nhằm chia sẻ với lực lượng tuyến đầu chống dịch, những người có hoàn cảnh khó khăn với mục tiêu mà Đảng, Nhà nước xác định rõ ràng từ những ngày đầu của cuộc chiến là “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở nước ta vẫn còn rất nhiều khó khăn ở phía trước nhưng với truyền thống, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta vững tin đất nước sẽ vượt qua thách thức để tiếp tục thực hiện thành công những mục tiêu mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, thực hiện đúng lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công!”.
[1]https://vnexpress.net/covid-19/covid-19-the-gioi (tính đến 3h01 ngày 2/8/2021)
[2]https://vnexpress.net/covid-19/covid-19-viet-nam (tính đến ngày 1/8/2021)
Nguyễn Công