Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác Hội
Với mục tiêu đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền của Hội, phương châm “Tuyên truyền tập trung, nội dung thiết thực, hành động quyết liệt và hiệu quả thực chất”, từ năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tỉnh tập trung đổi mới công tác tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về các phong trào thi đua; vị trí, vai trò của phụ nữ trong sự phát triển kinh kế... theo hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.
Các cấp Hội đã thành lập các kênh truyền thông, gồm 48 trang fanpage, 76 trang và 776 nhóm trên mạng xã hội từ cấp tỉnh đến chi, tổ Hội để trao đổi thông tin, qua đó tổ chức tuyên truyền cho hơn 402.165 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ, giúp chị em nắm bắt thông tin kịp thời, nâng cao nhận thức.
Tổ chức tuyên truyền đến hội viên, phụ nữ tỉnh về Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 thông qua các kênh truyền thông điện tử của Hội, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt tổ, nhóm, hội nghị, tọa đàm; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh các huyện thực hiện chuyên mục phát sóng hằng quý và các bản tin hằng tuần.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của 960 đại biểu, gồm các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và cán bộ chuyên trách Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp; tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 với 27.568 lượt người dự thi. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh biên soạn và phát hành Sổ tay hỏi đáp về Nghị quyết các đại hội dùng làm tài liệu sinh hoạt chi, tổ hội.
Đa dạng hóa phương thức hỗ trợ sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ tỉnh
Thông qua các kênh truyền thông của Hội, các ý tưởng, sáng tạo khởi nghiệp của phụ nữ được lan toả mạnh mẽ. Các cấp Hội chú trọng nâng cao kiến thức, năng lực cho nữ chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ liên kết sản xuất, mô hình kinh tế về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Ngoài nguồn tự đóng góp của cán bộ, hội viên, phụ nữ Hội còn chủ động phối hợp với ngành Công thương, ngành Nông nghiệp, Ngân hàng Chính sách xã hội... hỗ trợ vốn, kỹ thuật, đăng ký sản phẩm đạt OCOP, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử; tìm đầu ra cho sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ thông qua Hội nghị xúc tiến đầu tư, hội chợ thương mại, ngày hội tam nông.... Đến nay, có 73 xã của 8 đơn vị cấp huyện thực hiện mô hình “Chị khá giúp chị nghèo”; Hội vận động thành lập mới 6 hợp tác xã, nâng tổng số 30 hợp tác xã; 39 mô hình kinh doanh cá thể do phụ nữ làm chủ hoạt động hiệu quả; hỗ trợ 30 phụ nữ khuyết tật phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức trao vốn, kỹ thuật, giới thiệu đào tạo nghề, tạo việc làm.
Thành viên mô hình “Chị khá giúp chị nghèo” ở ấp 3, thị trấn Vĩnh Viễn
Ngoài ra, tiếp tục phát huy hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, các cấp Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ 390 người vay để khởi nghiệp với số tiền hơn 17 tỷ đồng; hỗ trợ sinh kế cho 808 người với số tiền 7 tỷ 470 triệu đồng; hỗ trợ số vốn 380 triệu đồng cho 92 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh; giải ngân 3 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển giúp 41 hộ được vay để phát triển kinh tế, khởi sự kinh doanh; hỗ trợ, tạo điều kiện cho chị em liên kết, từng bước xây dựng thương hiệu vững chắc, an toàn cho sản phẩm, hỗ trợ 17 người đăng ký sản phẩm đạt OCOP năm 2022, nâng tổng số đến nay toàn tỉnh có 49 sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ đạt OCOP, có 2 chủ thể với 2 sản phẩn được vinh danh sản phẩm OCOP tiêu biểu khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.
Tạo diễn đàn “Phụ nữ Hậu Giang thời kỳ công nghệ số” gắn với xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh
Các cấp Hội tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ vun đắp các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam và phong trào thi đua “Phụ nữ Hậu Giang xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh” với hình thức trực tuyến, thu hút 174 tác phẩm dự thi, lan tỏa trên mạng xã hội với 37.727 lượt người tiếp cận. Bên cạnh đó, nhằm để hội viên phụ nữ hiểu hơn về nền kinh tế số, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức Diễn đàn “Phụ nữ Hậu Giang thời kỳ công nghệ số” theo hình thức trực tiếp và truyền trực tiếp trên trang mạng xã hội của Hội. Tại Diễn đàn, chị em phụ nữ trao đổi, chia sẻ với các cấp lãnh đạo, các chuyên gia về vấn đề liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và quá trình hoạt động thực tế, việc ứng dụng công nghệ số và hoạt động của Hội thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.
Những đổi mới trong công tác Hội và phong trào phụ nữ của các cơ sở hội trong thực hiện nhiệm vụ vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế đã tác động tích cực đến chất lượng đời sống hội viên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và nhiều phụ nữ đã vươn lên làm giàu chính đáng. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao do chính chị em phụ nữ làm chủ, góp phần cải thiện đời sống cho gia đình, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Thu Hằng