Tăng trưởng kinh tế đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 13,94%, cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ tư trên cả nước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng rất cao với mức tăng 36,55%; khu vực dịch vụ tăng 8,84%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,33%.
Quy mô nền kinh tế của tỉnh ước đạt 48.062 tỷ đồng (theo giá hiện hành). Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực giữa các khu vực kinh tế so với cùng kỳ: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 24,06%, có mức chuyển dịch giảm 3%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 29,95%, có mức chuyển dịch tăng 6,63%; khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 36,86%, có mức chuyển dịch giảm 2,97%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm tỷ trọng 9,14% và có mức chuyển dịch giảm 0,65%.
GRDP bình quân đầu người cả năm 2022 ước đạt 65,89 triệu đồng/người/năm, tăng 11,63 triệu đồng/người so với năm 2021.
Công nghiệp và xây dựng đóng góp cao nhất vào GRDP của tỉnh
Hầu hết các ngành công nghiệp và xây dựng đều khôi phục và phát triển mạnh mẽ sau dịch COVID-19, bên cạnh đó, rất nhiều dự án lớn mới được đưa vào hoạt động trong năm.
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 15,22% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo là ngành chủ lực của tỉnh và chiếm tỷ trọng lớn, trên 86,25% trong toàn ngành và tăng 11,63% so với cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 1.071% so với cùng kỳ năm trước; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,21% so với cùng kỳ năm trước, nên làm chỉ số sản xuất công nghiệp chung của toàn tỉnh tăng cao so với cùng kỳ.
Năm 2022, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,32% so với cùng kỳ. Trong đó, tăng chủ yếu ở các nhóm hàng như: Chế biến, bảo quản thuỷ sản và các sản phẩm từ thuỷ sản tăng 30,97%; tôm đông lạnh tăng 30,72%; bột mịn, bột thô và bột viên từ cá hay động vật giáp xác tăng 57,41%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản tăng 29,37%; sản xuất trang phục tăng 27,56%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 22,62%... Vì vậy, đã giúp chỉ số ngành này tăng so với cùng kỳ năm trước.
Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A – Một trong những khu công nghiệp đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hậu Giang
Thương mại dịch vụ phát triển nhanh chóng
Hoạt động thương mại dịch vụ trong năm đã hồi phục và phát triển mạnh so với cùng kỳ ở hầu hết các ngành, đặc biệt là ngành thương mại và dịch vụ, lưu trú và ăn uống. Năm 2022, tổng doanh thu hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng thực hiện được 50.748 tỷ đồng, tăng 19,95% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động bán lẻ là ngành hàng chiếm tỷ trọng cao (hơn 75%), đóng góp chủ yếu vào sự tăng trưởng chung của cả ngành thương mại và dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước thực hiện được hơn 38.500 tỷ đồng, tăng 25,57% so với cùng kỳ.
Với nhiều tiềm năng, lợi thế cùng sự đồng thuận từ các cấp uỷ đảng, chính quyền và Nhân dân, thời gian tới, Hậu Giang tập trung các nguồn lực với quyết tâm chính trị cao để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, nhiệm vụ, chương trình đã đề ra. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là một số dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm của tỉnh để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đổi mới bộ máy thực thi để thực hiện tốt hơn công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho phát triển công nghiệp, đô thị và hệ thống đường cao tốc, tuyến quốc lộ qua tỉnh.
Thu Hằng