Không thể phủ nhận tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa được thể hiện qua công tác phòng chống đại dịch
Thay vì thừa nhận nhân tố cốt lõi đã giúp Việt Nam thành công bước đầu trong công tác phòng, chống dịch là tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa và nhà nước Việt Nam thật sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, các đối tượng cố tình xuyên tạc cho rằng “chế độ độc tài là nhân tố giúp Việt Nam thành công trong quản lý khủng hoảng và ứng phó với dịch bệnh Covid-19”; “người dân của chế độ độc tài quen với việc bị áp đặt bởi chính quyền”.
Những luận điệu xuyên tạc trên của các đối tượng được che đậy bằng ngôn ngữ có vẻ “học thuật”, bằng những “dẫn chứng” cố tỏ ra là người am hiểu các mô hình dân chủ thế giới để cho rằng Việt Nam mất dân chủ.
Càng ra vẻ lý luận, các đối tượng càng bộc lộ rõ sự non kém về nhận thức. “Dân chủ” theo cách hiểu của họ chỉ nhấn mạnh trình tự dân chủ với các “tiêu chuẩn” do phương Tây đặt ra, bất chấp đặc thù của từng dân tộc. Hơn nữa, họ quên mất một điều cơ bản: dân chủ còn là một giá trị, cái quan trọng nhất của dân chủ là quyền con người được bảo đảm. Do đó, quy kết Việt Nam thông qua việc thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 để bảo đảm quyền sống, quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân là mất dân chủ và độc tài thì chính họ cần phải học lại những bài học vỡ lòng về dân chủ.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 họp dưới sự chủ trì
của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Internet
Bên cạnh đó, thực tế chứng minh việc người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch là do đã thấy được tính chính đáng của các biện pháp phòng, chống dịch, tính nhân văn, nhân đạo, vì con người trong việc kiểm soát dịch bệnh. Từ đó người dân thấy được trách nhiệm của mình đối với tập thể, cộng đồng và đất nước, hợp tác và đồng hành cùng với Đảng, Nhà nước phòng chống dịch. Đây là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam được thể hiện rõ trong điều kiện khó khăn như chống đại dịch Covid-19.
Vì vậy, những luận điệu cho rằng người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh là do bị chính quyền ép buộc là bóp méo sự thật một cách trắng trợn, cố tình phủ nhận tính ưu việt của chế độ xã hội ở Việt Nam và quay lưng lại với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta.
Tiền là quan trọng, nhưng cũng chỉ là công cụ mà không phải là mục đích
Một số kẻ cố tình xuyên tạc cho rằng Việt Nam đầu tư nhiều nguồn lực để phòng chống đại dịch Covid-19 nhằm đánh bóng hình ảnh “vì nhân dân phục vụ” hòng gieo rắc sự hoài nghi của một bộ phận người dân đối với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trên thực tế, Việt Nam đã phải đầu tư nhiều nguồn lực. Ngoài nguồn lực tài chính phục vụ trực tiếp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, Nhà nước còn cung cấp gói tín dụng 1,1 tỷ USD để hỗ trợ cho nền kinh tế, thực hiện gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh nguồn lực Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội cũng đã có sự đóng góp những nguồn lực cần thiết cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, các đối tượng chống phá đã cố tình xuyên tạc rằng Việt Nam đầu tư nhiều nguồn lực là để đánh bóng hình ảnh “vì nhân dân phục vụ” thay vì phải nhận thấy tất cả sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị là vì mục tiêu “tính mạng và sức khỏe của nhân dân là trên hết”. Trong phòng chống đại dịch, nếu ở nhiều nơi trên thế giới “tiền được coi là mục đích” thì Việt Nam coi “tiền chỉ là công cụ”. Trước việc tính mạng, sức khỏe của người dân bị đe dọa bởi dịch bệnh, dù là nước đang phát triển, nguồn lực còn nhiều hạn chế, nhưng Việt Nam sẵn sàng huy động tối đa các nguồn lực để có thể bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích của người dân. Việt Nam không chấp nhận đánh đổi sức khỏe, tính mạng của nhân dân cho mục tiêu kinh tế.
Do đó, luận điệu cho rằng Việt Nam đầu tư nhiều nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 chỉ nhằm đánh bóng hình ảnh “vì nhân dân phục vụ” là một sự xuyên tạc vô căn cứ, cần lên án, bác bỏ.
Trong điều kiện dịch bệnh, quyền được sống, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được bảo vệ tính mạng là quan trọng nhất
Một số tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cố tình“quy chụp” cho rằng Việt Nam hạn chế một số quyền của người dân như quyền tự do đi lại, tự do hội họp đông người là “vi phạm nhân quyền”, đồng thời họ rêu rao “cần đặt nhân quyền làm trọng tâm trong phòng, chống dịch Covid-19”. Vậy, Việt Nam có vi phạm nhân quyền hay không? Câu hỏi này chỉ có thể trả lời bằng chính thực tiễn công tác phòng, chống đại dịch.
Trong điều kiện thông thường (không có chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai…), bảo đảm thực hiện tốt và cân bằng các quyền con người, quyền công dân (gồm có quyền dân sự và chính trị, quyền kinh tế, văn hóa và xã hội) là trách nhiệm và nghĩa vụ của Nhà nước. Nhưng, trong điều kiện không bình thường, như chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai thì cần xác định xem quyền nào giữ vai trò nền tảng, tiền đề, cơ sở, quyền nào là quan trọng nhất.
Lực lượng y tế tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn Đà Nẵng. Ảnh: Internet
Rõ ràng, trong điều kiện dịch bệnh, quyền được sống, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được bảo vệ tính mạng là những quyền quan trọng nhất. Bởi những quyền này không được bảo đảm thì các quyền khác đều trở nên vô nghĩa. Chính vì vậy, việc thực hiện các biện pháp để bảo đảm tốt hơn những quyền này và hạn chế một số quyền khác vì lợi ích của cộng đồng là lựa chọn duy nhất hợp lý.
Trong thời kỳ dịch bệnh, Việt Nam đã và đang nỗ lực tối đa để bảo đảm tốt nhất quyền con người, như quyền được chăm sóc sức khỏe (tất cả những người nghi nhiễm và nhiễm Covid-19 đều được khám và điều trị kịp thời), quyền được sống, quyền được tiếp cận thông tin về tình hình dịch bệnh và các quyền khác. Hiển nhiên, trong điều kiện dịch bệnh, vì lợi ích công cộng, sức khỏe cộng đồng, một số quyền như quyền tự do đi lại, tự do hội họp đông người cần được hạn chế. Điều này phù hợp với nguyên tắc nêu tại Điều 4 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966: “Trong bối cảnh khẩn cấp đe doạ sự sống còn của đất nước, các quốc gia có thể áp dụng những biện pháp hạn chế việc thực hiện các quyền nêu trong Công ước này trong một thời gian nhất định”.
Do vậy, những cáo buộc Việt Nam vi phạm nhân quyền là vô căn cứ. Việt Nam đã bảo đảm tốt quyền con người, quyền công dân, nhất là quyền được sống, quyền được bảo vệ tính mạng và quyền được chăm sóc sức khỏe cho người dân trong dịch bệnh.
Minh bạch thông tin trong bối cảnh quản trị rủi ro
Một số đối tượng cố tình xuyên tạc cho rằng “Việt Nam bưng bít thông tin về tình hình dịch bệnh, con số mắc Covid-19 ở Việt Nam cao hơn nhiều, con số do nhà chức trách công bố”; “việc để cho Bộ Y tế với tư cách cơ quan duy nhất công bố thông tin về dịch bệnh là khó hiểu”.
Thực ra, ý đồ của những luận điệu trên là cố tình tung hỏa mù nhằm gây xáo trộn trong xã hội, là một sự xuyên tạc đáng lên án.
Những nhận định của các tổ chức quốc tế, báo chí thế giới đã bác bỏ ngay luận điệu của các đối tượng. Chẳng hạn như báo Asia Times ngày 16/4/2020 đã khẳng định “Việt Nam đã minh bạch thông tin” và đây là một trong những nhân tố giúp Việt Nam kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Trên thực tế, trong quá trình phòng, chống dịch các cơ quan chức năng đã và đang công khai đầy đủ và kịp thời thông tin về tình hình dịch bệnh cho người dân nhằm bảo đảm quyền được biết của người dân, cũng như thúc đẩy người dân chia sẻ, đồng hành cùng với nhà nước trong công tác phòng, chống dịch.
Mặt khác, không hẳn nhiều cơ quan thực hiện việc công bố thông tin là tốt. Vấn đề cốt lõi là thông tin có được công bố kịp thời, đầy đủ hay không. Với chức năng được phân công, Bộ Y tế đã thực hiện việc công bố thông tin về tình hình dịch bệnh một cách đầy đủ, kịp thời cho người dân. Mặt khác, việc chỉ một cơ quan là Bộ Y tế cung cấp thông tin cũng có tác dụng ngăn ngừa sự hỗn loạn về thông tin, cũng như tình trạng mâu thuẫn, xung đột về thông tin - vốn là một điều tối kỵ trong bối cảnh quản trị rủi ro.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp trên thế giới và Việt Nam đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, vì vậy đồng hành cùng với Đảng, Nhà nước và dân tộc trong phòng chống dịch Covid-19 là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Những tiếng nói lạc lõng cố tình phủ nhận những thành quả trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, phá hoại khối đoàn kết toàn dân trong bối cảnh dịch bệnh cần phải bị lên án và bác bỏ.
Anh Nguyễn