Mô hình “Tiếng kẻng an ninh” được thực hiện từ năm 2011 trên địa bàn huyện Đức Trọng, địa phương đi tiên phong là xã Bình Thạnh. Toàn xã trang bị 18 chiếc kẻng an ninh treo trên khắp địa bàn thôn, mỗi hộ đều được trang bị một chiếc gậy tầm vông sơn màu đỏ - trắng làm dụng cụ hỗ trợ cho tổ tự quản khi có sự cố xảy ra, kết hợp với 9 tổ tự quản tuần tra được nhân dân thành lập ở các thôn. Kẻng an ninh được đặt theo cụm dân cư, cứ khoảng 30-50 hộ thì đặt 1 chiếc kẻng. Hộ được chọn đặt kẻng sẽ cho người dân ở trong cụm biết số điện thoại của gia đình mình, nếu có chuyện bất trắc xảy ra, người dân sẽ điện báo cho nhà có treo kẻng đánh báo động. Khi tiếng kẻng đầu tiên được đánh lên thì những tiếng kẻng còn lại cũng sẽ đồng loạt được vang lên, người dân sẽ cùng tham gia truy bắt tội phạm. Nhờ duy trì tốt mô hình này, số vụ việc trộm cắp, tệ nạn xã hội như hút chích, tai nạn giao thông… của địa phương đã giảm hẳn. Hiện mô hình “Tiếng kẻng an ninh” đã được nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh, được đông đảo nhân dân hưởng ứng và tích cực tham gia.
Lễ ra mắt mô hình "Tiếng kẻng an ninh" của thôn Phú Ao, xã Tà Hine, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng
(ảnh: internet)
Góp phần hiệu quả vào việc bảo vệ an ninh, truy quét tội phạm, trên địa bàn huyện Di Linh có mô hình “Cổng an ninh văn hóa” tại xã Gung Ré - một xã vùng đồng bào dân tộc. Tất cả 6 thôn của xã có địa hình đặc biệt: đường vào các thôn đều là độc đạo, thông thoáng. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, các hộ dân của cả 6 thôn trong xã đã tự nguyện đóng góp để xây dựng 20 cổng ra vào kiên cố, có chốt kiểm tra, vừa đẹp thôn bản, vừa là chốt chặn vững chắc để truy bắt tội phạm. Kể từ khi xây dựng và duy trì hoạt động mô hình “Cổng an ninh văn hóa”, người dân và lực lượng Công an xã Gung Ré đã bắt được nhiều đối tượng vi phạm pháp luật. Các địa phương trên toàn tỉnh có địa hình tương tự cũng đều chú trọng phát huy mô hình này, góp phần biến các khu dân cư thành “pháo đài” bảo vệ trật tự, an ninh.
Cổng an ninh xóm 6 thôn Hàng Hải xã Gung Ré, huyện Di Linh tỉnh Lâm Đồng
(ảnh: internet)
Là một tỉnh có đông đồng bào theo đạo, do vậy công tác vận động các địa bàn có đông tín đồ theo đạo cùng tham gia phòng, chống tội phạm cũng hết sức quan trọng. Điểm sáng trong việc các tổ chức tôn giáo cùng chung tay với chính quyền đó là mô hình “Giáo họ không có tội phạm và tệ nạn xã hội” ở giáo họ Mỹ Thanh, nơi có đông đồng bào công giáo ở xã Lộc Thanh, thành phố Bảo Lộc. Hằng năm, giáo họ Mỹ Thanh đều ký kết với chính quyền bản cam kết về việc chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật, không để xảy ra vi phạm pháp luật trong giáo họ. Giáo họ đã tích tực tuyên truyền, động viên con em các gia đình nghiêm chỉnh học tập, làm ăn, tham gia tốt các hoạt động của địa phương. Qua đó, đã góp phần tạo nên môi trường an toàn, hạn chế các loại tội phạm xảy ra trên địa bàn, là điển hình để nhiều giáo họ khác học tập, tham gia cam kết và duy trì tốt an ninh, trật tự.
Một trong những mô hình đã và đang có nhiều hiệu quả, được nhân rộng trên địa bàn tỉnh là mô hình “Camera an ninh”. Việc lắp đặt máy quay (camera) trên các tuyến đường đã được thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc đi tiên phong triển khai với nguồn kinh phí của nhân dân đóng góp và các doanh nghiệp hỗ trợ. Để camera giám sát phát huy hiệu quả, lực lượng Công an luôn phân công lực lượng trực 24/24 giờ. Thông qua màn hình quan sát, người trực ban dễ dàng nắm bắt thông tin và thông báo qua bộ đàm để lực lượng tuần tra kịp thời ngăn chặn, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Ngoài ra, hệ thống camera còn ghi lại nhiều hình ảnh quan trọng giúp Công an kịp thời phát hiện và xử lý, ngăn chặn nhiều vụ vi phạm pháp luật như trộm cắp tài sản, ghi số đề, gây rối trật tự công cộng, tụ tập đua xe trái phép... Chính nhờ hiệu quả thiết thực của mô hình này nên hiện camera an ninh đã được đầu tư, lắp đặt đến tận các cơ sở, địa bàn vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, một số địa phương đã làm tốt các mô hình như: "Giáo xứ bình yên" tại xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương; "Thôn, dòng họ, gia đình không có tội phạm, tệ nạn" tại xã Đinh Lạc, huyện Di Linh; "Tiếng loa an ninh" tại huyện Lạc Dương; "Tổ dân phố không có tội phạm" tại thành phố Đà Lạt, chương trình “Đổi lương thực lấy vũ khí” tại huyện Đức Trọng... Các mô hình bảo đảm an ninh trong nhân dân đã phát huy tác dụng, khẳng định vai trò nòng cốt trong phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" và giữ gìn an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở, góp phần đưa Lâm Đồng vừa đạt mục tiêu phát triển về kinh tế, vừa đảm bảo được an ninh, trật tự, hướng đến phát triển bền vững. Hiệu quả của các mô hình đã góp phần giúp cho lực lượng Công an tỉnh có tỉ lệ điều tra phá án đạt gần 92%, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 98,73%, tội phạm về xã hội giảm tới 23,34% trong năm 2020, gần như giảm cao nhất cả nước, giữ được sự bình yên cho nhân dân. Giai đoạn 2015-2020, trọng án giảm 53,9%, tỷ lệ điều tra khám phá án lớn đạt 86,1%, trọng án khám phá đạt 100%
Tuy nhiên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nguy cơ mất ổn định. Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, tội phạm ma túy có xu hướng gia tăng. Xuất hiện tội phạm băng nhóm có tổ chức; một số vụ khiếu kiện kéo dài chưa được xử lý dứt điểm... Để các mô hình bảo đảm an ninh trật tự trong nhân dân tiếp tục phát huy hiệu quả, cần thực hiện tốt các giải pháp:
Thứ nhất, tiếp tục phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Xây dựng nông thôn mới”. Đẩy mạnh công tác rà soát, xây dựng, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo về bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở theo hướng "tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải".
Thứ hai, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác an ninh, trật tự, tham gia các mô hình tại cơ sở đảm bảo đủ khả năng giải quyết tốt những vấn đề mâu thuẫn, bức xúc, làm giảm nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm. Các kiến thức tập huấn không chỉ về hiểu biết pháp luật, mà còn về những kỹ năng phát hiện, truy bắt tội phạm, kỹ năng hòa giải, kỹ năng xử lý các tình huống phức tạp trên địa bàn dân cư có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo…
Thứ ba, thường xuyên kiểm tra các hoạt động của các mô hình nhằm kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, tạo khí thế mạnh mẽ đối với phong trào toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm. Xây dựng thực hiện chế độ, chính sách đặc thù cho các lực lượng tham gia công tác tại các mô hình phòng, chống tội phạm.Kịp thời phát hiện, tiếp tục củng cố, xây dựng hoạt động hiệu quả hơn đối với những mô hình phù hợp, những mô hình kém tác dụng thì nhanh chóng điều chỉnh cho phù hợp./.
Công Tuyến