Những kết quả tích cực từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
Qua thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân sống gần rừng, mà chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã miền núi. Mặc dù mức đóng góp vào tổng thu nhập còn thấp (khoảng 20 đến 25% tổng thu nhập của hộ gia đình) nhưng cũng đã nâng cao thu nhập cho người dân để cải thiện cuộc sống và ổn định sinh kế lâu dài, tạo điều kiện để họ có thêm động lực, tích cực bảo vệ rừng ở địa phương. Qua đó, hạn chế được vấn nạn chặt phá rừng trái phép, góp phần duy trì ổn định diện tích rừng được giao khoán; tiết kiệm ngân sách đầu tư cho công tác bảo vệ rừng tại cơ sở. Ngoài ra, từ những khu vực rừng được nhận khoán, người dân đã kết hợp với việc phát triển kinh tế bằng các hình thức chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng một số loại cây dược liệu ngắn ngày dưới tán rừng mà không làm ảnh hưởng đến rừng, có nơi đem lại nguồn thu nhập khá cho hộ gia đình.
Đối với các đơn vị chủ rừng là các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và các tổ chức được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng, việc được hưởng khoản kinh phí cung ứng dịch vụ môi trường rừng từ số diện tích rừng do đơn vị tự quản lý đã góp phần vào việc bổ sung nguồn thu, tăng cường năng lực cho các đơn vị chủ rừng cùng với các hộ dân được giao khoán rừng để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao.
Hiện nay, Bình Thuận có 150.000 ha rừng đủ điều kiện để thực hiện chính sách cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Việc 70.000 ha rừng (khoảng 50% diện tích) được giao khoán bảo vệ đã góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh. Nguồn thu từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được tái đầu tư cho công tác bảo vệ rừng, trồng lại diện tích rừng bị mất... đã hạn chế, ngăn chặn tình trạng phá rừng và suy giảm do mất rừng trong điều kiện hiện nay.
Lực lượng bảo vệ rừng Ca Pét (khu vực rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) trao đổi trong lúc tuần tra bảo vệ rừng
(Ảnh: internet)
Một số khó khăn trong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
Thứ nhất, Bình Thuận là tỉnh có khí hậu khô hạn, nguy cơ cháy rừng cao. Đồng thời, có vùng giáp ranh với Lâm Đồng khá dài, nên tình hình phá rừng lấy đất sản xuất, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật bằng các phương tiện xe hoán cải, xe độ chế tại vùng giáp ranh luôn tiềm ẩn nhiều phức tạp.
Thứ hai, trong cơ cấu nguồn kinh phí thu dịch vụ môi trường rừng của Bình Thuận, phần lớn do Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Trung ương điều phối (tỷ lệ khoảng hơn 80%), nguồn kinh phí của tỉnh chỉ thu từ các nhà máy thủy điện, các nhà máy nước sinh hoạt nhưng không nhiều. Vì vậy, tỉnh chưa chủ động được về nguồn kinh phí dành cho chính sách này.
Thứ ba, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành với các địa phương trong tỉnh về chi trả dịch vụ môi trường rừng đôi lúc chưa thật sự chặt chẽ. Biên chế của lực lượng Kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng còn thiếu; đội ngũ cán bộ nông lâm nghiệp và kinh phí ở cấp xã để thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp vừa không ổn định, vừa không được đầu tư từ ngân sách nhà nước gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng ở cơ sở. Các địa phương, đơn vị chưa làm tốt công tác dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình trên địa bàn để chủ động đề ra giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng phá và lấn chiếm đất rừng...
Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong thời gian tới cần làm tốt các giải pháp cấp thiết sau:
Một là, các Ban quản lý rừng phối hợp với UBND các xã có công dân xâm canh xác định diện tích, cho ký cam kết không mở rộng diện tích xâm canh; trường hợp lấn, chiếm mới kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật. Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh tham mưu cân đối nguồn kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng của các đơn vị chủ rừng để tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp trong thời gian tiếp theo nhằm tăng cường thêm lực lượng quân đội, công an tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Hai là, tranh thủ đa dạng các kênh vốn đầu tư cho công tác bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp về công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh. Tranh thủ các nguồn hỗ trợ, vốn vay ưu đãi để tập trung vào phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tiếp tục triển khai tốt dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ.
Ba là, ứng dụng và đưa vào vận hành, sử dụng hệ thống ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh trong quản lý, giám sát tài nguyên rừng, đồng thời ban hành quy chế quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh trong quản lý, giám sát tài nguyên rừng tỉnh Bình Thuận. Triển khai xây dựng bổ sung tính năng khoanh vẽ các khu vực bị mất rừng bằng điện thoại thông minh và kiểm soát hoạt động tuần tra bảo vệ rừng của công chức Kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng vào phần mềm cảnh báo mất rừng của tỉnh.
Vị trí khoanh tròn chỉ nơi Rừng bị phá để trồng cần sa trên núi Mây Tào (Bình Thuận) được phát hiện nhờ phần mềm quản lý rừng bằng ảnh viễn thám (Ảnh: internet)
Bốn là, tập trung triển khai thực hiện phương án bảo vệ rừng, chống phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; ban hành quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa Bình Thuận và Lâm Đồng, quy chế phối hợp giữa các sở, ban ngành về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong công tác bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên. Đẩy mạnh các biện pháp kiểm tra, truy quét chống phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại những vùng trọng điểm giáp ranh và nội tỉnh.
Năm là, triển khai công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; công tác kiểm tra việc quản lý, truy xuất nguồn gốc các loại cây cảnh có nguồn gốc từ rừng tự nhiên. Tăng cường công tác phối hợp với các địa phương giáp ranh để tổ chức kiểm tra, truy quét, xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển, kinh doanh, mua bán trái phép cây rừng tự nhiên để làm cây cảnh.
Sáu là, tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng đối với các Ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh. Tu sửa đường băng cản lửa, các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng ở các diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao, đảm bảo an toàn cho công tác phòng, chống cháy rừng.
Trọng Thưởng