Nâng cao thu nhập cho nông dân
Giai đoạn 2015 – 2020, toàn tỉnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 10.649 ha, trong đó chuyển sang trồng cây hằng năm là 3.833 ha; chuyển sang trồng cây lâu năm là 5.936 ha; chuyển sang nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn thả gia cầm, thủy cầm và trồng cây ăn quả trên bờ là 880 ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa, ngô, đậu đỗ từ 2 – 3 lần, một số mô hình cho hiệu quả tăng từ 8 – 10 lần, năm 2019, giá trị thu nhập trên 01 ha là 202 triệu đồng/ha.
Một số mô hình tiêu biểu như: Mô hình trồng cây dược liệu tại các huyện Khoái Châu, Văn Lâm, Kim Động (chủ yếu là nghệ, địa liền, cúc dược liệu) cho giá trị thu nhập từ 300 – 500 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với trồng lúa từ 3 – 5 lần; Mô hình hoa cây cảnh, sản xuất cây giống tại các huyện Văn Giang, Văn Lâm, Khoái Châu, Yên Mỹ cho giá trị thu được từ 500 – 800 triệu đồng/ha/năm. Những mô hình chuyển sang trồng cây cảnh, hoa trồng chậu, sản xuất cây giống cho thu nhập từ 1,2 – 2 tỷ đồng/ha/năm; Mô hình trồng cây ăn quả tại các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Phù Cừ... với những loại cây ăn quả là thế mạnh của địa phương như nhãn, cây có múi (cam, bưởi), ổi, mít, táo, đu đủ, thanh long... cho thu nhập trung bình từ 300 – 500 triệu đồng/ha/năm.
Chuyển đổi cây trồng và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân
Một số vùng trồng cây ăn quả xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu, tích cực đầu tư vào thâm canh, sản xuất an toàn đạt tiêu chuẩn VIETGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất thông thường từ 1,5 – 2 lần... Ngoài ra, một số huyện còn phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản, nuôi thả thủy cầm kết hợp trồng cây ăn quả trên bờ cho thu nhập từ 250 – 300 triệu đồng/ha/năm. Một số mô hình đầu tư xây dựng, áp dụng biện pháp nuôi thả thủy sản kiểu mới như: ao bán nổi, sông trong ao nước tĩnh... giúp tăng năng suất, sản lượng trên một đơn vị diện tích, qua đó nâng cao thu nhập so với mô hình nuôi ao truyền thống từ 1,2 – 2 lần...
Những trở lực từ thói quen bao cấp
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vẫn gặp những trở lực nhất định, như: Một bộ phận cán bộ quản lý cấp xã, thôn ở cơ sở chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoặc có tâm lý lo ngại nông dân xây dựng trái phép các công trình trên đất chuyển đổi nên chậm làm thủ tục chuyển đổi cho nông dân. Ngược lại, nông dân tại một số địa phương trông chờ việc thu hồi đất để phục vụ cho các mục đích phi nông nghiệp; chờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước do vậy hiệu quả của chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn thấp.
Công tác tổ chức lại sản xuất (thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác..) còn chậm hoặc hoạt động chưa thực sự hiệu quả; liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quảng bá để tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế; nông sản chế biến còn ít và ở quy mô nhỏ, không đủ đáp ứng nhu cầu.
Việc tích tụ, tập trung ruộng đất còn chậm; tư duy của một bộ phận cán bộ và nông dân chậm đổi mới, còn có tâm lý giữ đất, chưa tạo điều kiện thuận lợi để thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Công tác tuyên truyền, hướng dẫn trình tự, thủ tục và kỹ thuật chuyển đổi ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu; việc báo cáo kết quả chuyển đổi ở hầu hết các địa phương còn chậm, nội dung còn sơ sài, chưa phản ánh được đúng thực trạng, thiếu giải pháp về chuyển đổi ở địa phương...
Để nông dân làm giàu trên đất của mình
Thứ nhất, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tổ chức thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo qui định. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học, kỹ thuật mới để thâm canh cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất; vận động người dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất từ quy mô hộ sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất; lấy hiệu quả của sản xuất làm mục tiêu, sản xuất theo quy hoạch và yêu cầu của thị trường để tăng hiệu quả sản xuất.
Thứ hai, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về pháp luật đất đai nói chung và đất nông nghiệp nói riêng trên địa bàn tỉnh. Tổ chức quán triệt, giao trách nhiệm đối với các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, nhất là trách nhiệm của lãnh đạo cấp thôn trong việc quản lý, vận động, hướng dẫn nông dân tại địa phương về công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bảo đảm hoàn thành tốt kế hoạch.
Thứ ba, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật. Phối hợp với các cơ quan nghiên cứu (Viện nghiên cứu, Trường, Học viện, Trung tâm….) và các doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu được sâu bệnh và có khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu để phục vụ chuyển đổi. Đẩy mạnh việc ứng dụng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong bảo quản, chế biến nông sản.
Đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng đối với một số cây trồng thế mạnh, chủ lực của tỉnh như: nhãn đặc sản, vải trứng Hưng Yên, bưởi các loại, hoa cây cảnh...; mở rộng diện tích nuôi, trồng thủy sản áp dụng tiến bộ mới như: nuôi cá ao bán nổi, nuôi cá sông trong ao nước tĩnh... để nông dân ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất.
Thứ tư, tăng cường cơ chế chính sách và thu hút đầu tư. Tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; huy động, gắn kết các nguồn lực, lồng ghép các kế hoạch, chương trình, dự án để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn; tạo điều kiện thuận lợi cho tư nhân đầu tư hoặc tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Thứ năm, thúc đẩy liên kết, xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Duy trì, đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá, công khai các nông sản chủ lực của tỉnh có tính cạnh tranh cao trên các phương tiện thông tin, đặc biệt là trên hệ thống thông tin điện tử (hy.check.net.vn) để các doanh nghiệp, thương lái, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh nắm được, phục vụ liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, truy xuất nguồn gốc... từng bước tiếp cận với thị trường ngoài nước./.
Thanh Vũ