Hồ Chí Minh - Anh hùng Giải phóng dân tộc và nhà văn hoá kiệt xuất, như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh năm 1990 - sinh năm 1890 và mất năm 1969. Cuộc đời 79 mùa xuân rực rỡ của Người trải qua những thời điểm trọng đại nhất của thế kỷ XIX và XX. Đó là thời kỳ chủ nghĩa tư bản chuyển biến thành chủ nghĩa đế quốc; là thắng lợi của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên, mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại; là quá trình sụp đổ của hệ thống thuộc địa toàn cầu; là những cao trào cách mạng giải phóng dân tộc sục sôi khắp Á, Phi và Mỹ La-tinh; là cuộc đối đầu giữa chủ nghĩa tư bản đế quốc và chủ nghĩa xã hội hiện thực, nhiều lần bị đẩy tới đỉnh điểm…
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh
Rõ ràng, đây là thời đại khổng lồ, ắt phải sản sinh ra những nhân vật vĩ đại! Hồ Chí Minh là một trong số đó, như Lê-nin, Hô-xê Mác-ti, Giô-sép Xta-lin, Mao Trạch Đông, Gia-oa-hác-lan Nê-ru, Nen-xơn Man-đê-la, Phi-đen Cát-xtrô... Biết bao danh nhân thế giới đã dành cho lãnh tụ Việt Nam những ngôn từ ngợi ca đẹp đẽ nhất: “Người là hiện thân đích thực nhất của nền văn hóa tương lai” (Ô-xíp Man-đen-xtam); “nhà mácxít, lêninnít khiêm tốn và triệt để nhất trong thời đại chúng ta” (Phi-đen Cát-xtrô); “người duy nhất đã trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống” (Mô-đa-gát Át-met, Giám đốc UNESCO tại châu Á-Thái Bình Dương)…
Lịch sử giao cho Hồ Chí Minh sứ mệnh cao cả là tìm lời giải cho vấn đề thuộc địa, một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại vào đầu thế kỷ XX. Về chủ đề này, ngay cả Lê-nin cũng chỉ có những sơ thảo ban đầu và những nhà cách mạng châu Âu, do thiếu hiểu biết thực tiễn, nên không thật sự quan tâm. Bằng nhãn quan sắc sảo của một con người từng nếm trải cay đắng từ chế độ thực dân, Hồ Chí Minh đã định nghĩa vấn đề thuộc địa chính là một biểu hiện cụ thể của vấn đề dân tộc. Qua đó, Người phát hiện ra rằng, thực chất của vấn đề thuộc địa là giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ thực dân. Hơn nữa, Hồ Chí Minh là chính trị gia đầu tiên nhận định rằng, cuộc cách mạng vô sản ở các nước thuộc địa có thể nổ ra và cần phải thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc.
Với niềm tin dẫn đường như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp, tổ chức toàn dân trẻ, già, nam, nữ, công nhân, nông dân và toàn thể đồng bào ta đứng lên đấu tranh. Chiến thắng thật sự lẫy lừng: chế độ thực dân Pháp bắt đầu cáo chung và ngày 2/9/1945 đã vang lên Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chín năm sau, huyền thoại được lặp lại: quân đội viễn chinh của thực dân Pháp bị đánh bại trên chiến trường Điện Biên Phủ và những người lính Bộ đội Cụ Hồ đã giương cao lá cờ bách chiến bách thắng, để ngay sau đó và trong suốt nửa sau thế kỷ XX, thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng giải phóng thuộc địa ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm chú quan sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến trận Đông Khê, mở màn Chiến dịch Biên giới. (ảnh tư liệu)
Chủ nghĩa đế quốc không chấp nhận thất bại! Từ những năm 60 của thế kỷ trước, quân đội Mỹ với sức mạnh vô song về kinh tế, quân sự và công nghệ đã bắt đầu cuộc phiêu lưu trên đất nước Việt Nam. Nhân dân Việt Nam một lần nữa phải dấn thân vào một cuộc chiến tranh mang ý nghĩa thời đại. Đó không chỉ là cuộc chiến đấu của dân tộc chống đế quốc xâm lược, mà còn là cuộc đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa xã hội trước các cuộc tấn công của chủ nghĩa tư bản; cuộc chiến đấu bảo vệ hòa bình thế giới trước các loại hình chiến tranh; cuộc đấu tranh của văn minh chống bạo tàn trong lịch sử nhân loại...
Lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản cùng toàn thể nhân dân Việt Nam hóa thân thành chiến sĩ đã dốc sức cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Sau hơn 20 năm với muôn vàn hy sinh và mất mát, nhân dân của Người đã giành toàn thắng: buộc quân đội Mỹ phải “cút” năm 1973; đánh cho chế độ bù nhìn Sài Gòn phải “nhào” vào ngày 30 tháng 4 năm 1975; Bắc và Nam sum họp trong một Việt Nam không thể chia cắt! Cho đến hôm nay, quân và dân Việt Nam vẫn là chủ thể duy nhất trên thế giới dám đánh và biết đánh thắng quân lực hùng mạnh của đế quốc siêu cường Mỹ! Vì thế, huyền thoại mang tên Việt Nam - Hồ Chí Minh vẫn thật sự sống động, đương thời!
Mặc dù là một nhân vật có trí tuệ lớn và những chiến công hiển hách, Hồ Chí Minh vẫn là một tấm gương sáng ngời về sự khiêm tốn, lòng vị tha và đức khoan dung. Người không có chút gì riêng: từ gia đình, nhà cửa đến gia tài, vật dụng… Nhân dân Việt Nam rất thân quen với hình ảnh vị Cha già giản dị trong bộ quần áo nâu nông dân, mặc dù đều biết rằng đó là một lãnh tụ chính trị vĩ đại tầm cỡ thời đại, một nhà tư tưởng lỗi lạc, một nhà chiến lược quân sự thiên tài, một nhà thơ xuất chúng, một nhà ngoại giao kiệt xuất thông thạo nhiều ngoại ngữ... Và trên hết, Người là một người bạn thủy chung của nhân dân các dân tộc trên thế giới.
Bác Hồ với các nhà ngoại giao quốc tế tại Thủ đô Hà Nội (ảnh tư liệu).
Dù đã “đi gặp Các Mác, Lênin và các bậc cách mạng đàn anh khác” cách đây hơn nửa thế kỷ, huyền thoại Hồ Chí Minh cùng sự nghiệp cách mạng, di sản chính trị - tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người vẫn còn sống mãi. Đến nay, đã có 35 công trình tượng đài Bác tại 22 quốc gia trên thế giới; cùng bảy đại lộ và nhiều trường học mang tên Người và muôn vàn lời thơ, tiếng hát ca ngợi sự nghiệp bất tử Hồ Chí Minh.
Ở Mỹ La tinh, vùng đất của Xi-môn Bô-li-va, Xan Mác-tín, An-tô-ni-ô Hô-xêđê Xu-cờ-rê, Mi-ghên Hi-đan-gô, Tu-pác A-ma-ru II, Hô-xê Mác-ti, Phi-đen Cát-xtrô và Chê Ghê-va-ra, hình ảnh Hồ Chí Minh đã trở thành thân thuộc. Bác Hồ và những vị anh hùng Mỹ Latinh mãi mãi là những người đương thời đồng hành cùng các dân tộc Việt Nam và Mỹ Latinh trên con đường đi đến tương lai độc lập, chủ quyền, thịnh vượng và bền vững!
Minh Trí