Hòa Bình là tỉnh miền núi phía Tây Bắc của Tổ quốc, nằm trong quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô. Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong phát triển nông nghiệp, từ năm 2013, tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt dự án Quy hoạch tổng thể vùng và khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, trong đó xác định rõ 3 vùng và 11 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Năm 2020, tỉnh Hoà Bình đã có 24 vùng và khu sản xuất trồng trọt ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ tại 11 huyện, thành phố với tổng diện tích là 1.253,5 ha. Các vùng và khu sản xuất tập trung đều bảo đảm quy định về diện tích tối thiểu của cánh đồng lớn[1], một số địa phương bước đầu đã hình thành mô hình liên kết trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm mang lại giá trị cao như huyện Kim Bôi, Yên Thủy, Cao Phong và Lạc Thủy, hệ thống giao thông nội đồng đồng bộ, gần các trục đường chính; đất canh tác hiện nay đã được giao khoán cho hộ gia đình, chủ yếu cấy 01 vụ lúa và canh tác hoa màu ngắn ngày; ngoại trừ huyện Cao Phong đã được quy hoạch trồng cây ăn quả có múi và cây mía.
Có 16 hợp tác xã, doanh nghiệp, hội sản xuất kinh doanh sản phẩm rau, quả có chứng nhận VietGAP với tổng diện tích gần 2.007 ha; 15 hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt/lâm nghiệp: công nghệ vệ tinh viễn thám bằng phần mềm FRMS theo dõi diến biến rừng trên địa bàn toàn tỉnh, công nghệ sinh học trong sản xuất giống, sử lý bọc màng sinh học trong bảo quản sản phẩm, công nghệ tưới tự động...; 03 cơ sở chăn nuôi gà quy mô 41.000 con, sử dụng công nghệ máy uống tự động; 03 cơ sở chăn nuôi lợn quy mô 2.900 con sử dụng công nghệ bán tự động và chăn nuôi theo quy trình VietGap; 10 cơ sở nuôi trồng thủy sản với quy mô 702 lồng cá theo công nghệ lồng sắt, lồng lưới kiên cố, bán kiên cố; 16 dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch được triển khai thực hiện, trong đó có dự án chăn nuôi lợn giống công nghệ cao quy mô 1.200 lợn nái, 2000 lợn thịt tại Lạc Thủy; dự án nuôi bò thịt áp dụng công nghệ cao quy mô 10.000 con; công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm giống trâu lai Murrah... Đa số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý: lắp hệ thống camera có kết nối internet để theo dõi quá trình sản xuất, lập các trang web công ty quảng bá sản phẩm, tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc. Hiện có khoảng 80 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông - lâm - thủy sản với 265 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc và được đăng nhập, quảng bá trên hệ thống truy xuất nguồn gốc xác thực chống giả và kết nối cung cầu tỉnh Hòa Bình (hb.check.net.vn.) giúp tiếp cận thị trường ngày càng dễ dàng, sản phẩm tiêu thụ được thuận lợi, nhanh chóng, số lượng lớn hơn so với cách làm truyền thống.
Trồng dưa lưới bằng công nghệ cao tại Hòa Bình
(Ảnh: internet)
Tỉnh cũng đã triển khai nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong việc tạo ra giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, sản xuất chế phẩm bảo vệ, chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, đã bổ sung được nhiều bộ giống lúa, ngô, cây đầu dòng như bưởi đỏ, bưởi da xanh, cam, quýt, giổi, tai chua, trám đen, ổi ODL1, mía tím... có năng suất, chất lượng cao, ổn định, ít sâu bệnh và thích nghi với điều kiện sinh thái và cơ cấu mùa vụ ở địa phương, giúp tăng năng suất cây trồng, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bảo đảm an ninh lương thực của tỉnh liên tục nhiều năm.
Triển khai trồng thử nghiệm một số loại cây dược liệu, thay thế giống mía Tím bằng giống nuôi cấy mô; bảo tồn được một số giống cây trồng địa phương như mía tím Hòa Bình, ngô nếp Thung Khe, cây giổi ăn hạt, quýt Nam Sơn, lúa nếp cẩm và tỏi tía Hòa Bình. Xây dựng mô hình nuôi thử nghiệm và khẳng định một số giống vật nuôi mới như cá tầm, cá Hồi Vân trên Hồ Hòa Bình; nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống cá Bỗng, cá trắm đen; sản xuất giống lợn hướng nạc Yorkshie, Landrad, Duroc, giống gà, vịt siêu thịt, siêu trứng, dê Bách Thảo và phát triển mô hình các vật nuôi đặc sản của tỉnh như gà đồi Lạc Sơn, gà Lạc Thủy, vịt bầu bến...
Ứng dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc thảo dược và phân bón sinh học vào sản xuất, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý phụ phẩm nông nghiệp như rơm, cỏ, thân ngô, thân lạc... để chế biến thành phân hữu cơ vi sinh góp phần giảm ô nhiễm môi trường và giảm chi phí đầu tư; sử dụng giải pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) mang lại hiệu quả lớn, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm ô nhiễm môi trường.
Việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần quan trọng hình thành vùng sản xuất tập trung, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, làm giảm công lao động, chi phí đầu tư, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích, chuyển đổi tập quán sản xuất hướng đến một nền nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường, nâng cao sức khoẻ cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Hòa Bình trong thời gian tới, cần xây dựng trung tâm nghiên cứu, đầu tư, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, bảo đảm tham mưu, đề xuất với tỉnh hệ thống các cơ chế, chính sách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục rà soát, quy hoạch phát triển tập trung vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến, cung ứng sản phẩm đầu ra, chú trọng lựa chọn các lĩnh vực, sản phẩm mang tính đặc trưng, có giá trị kinh tế và có nhu cầu cao trên thị trường.
Trồng rau sạch bằng công nghệ cao tại Hòa Bình
(Ảnh: internet)
Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp với phát triển, quảng bá du lịch, trọng tâm là khu vực lòng hồ Hoà Bình. Xây dựng và khuyến khích các hộ dân, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cá Sông Đà có giá trị kinh tế cao, được chăm sóc trên cơ sở tiêu chuẩn VietGap nhằm tạo ra các sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, đồng thời gắn với phát triển du lịch...
Tăng cường hoạt động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp xây dựng các mô hình, khu vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về tiếp cận nguồn vốn, tư vấn giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi số. Đẩy mạnh hợp tác, thu hút đầu tư quốc tế để tận dụng nguồn lực và khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghiệp cao trên địa bàn.
[1] Theo Quyết định số 29/2014/QĐ-UBND, ngày 14/10/2014 về việc ban hành tiêu chí quy mô diện tích tối thiểu về cánh đồng lớn trong sản xuất trồng trọt tỉnh Hòa Bình
Nguyễn Trọng Khiêm, Khuất Hồng Thuận - Trường Chính trị tỉnh Hòa Bình