1. Bản sắc văn hoá đất và người Hưng Yên
Hưng Yên được đánh giá là vùng đất cổ với hơn 1.800 di tích và trên 400 lễ hội văn hóa truyền thống, trong đó có 171 di tích quốc gia và di tích cấp quốc gia đặc biệt được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp Quốc gia, đứng thứ 3 cả nước về số lượng di tích cấp Quốc gia. Đặc biệt là quần thể di tích Phố Hiến minh chứng cho một thời kỳ thịnh vượng của Hưng Yên “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.
Hưng Yên là nơi có giống nhãn lồng thơm ngon nổi tiếng trong nước và đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Cây nhãn và những sản phẩm từ quả nhãn do nhân dân địa phương vun trồng, chế biến đã hình thành nên bản sắc văn hoá của miền quê Hưng Yên, là niềm tự hào của người dân nơi đây. Hiện nay, Hưng Yên đã phát triển cây nhãn thành một vùng canh tác, sản xuất hàng hoá lớn với sản lượng hàng chục nghìn tấn mỗi năm, doanh thu bán các sản phẩm từ nhãn đạt hàng nghìn tỷ đồng.
Diện tích trồng nhãn theo mô hình VietGAP tại xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên
(ảnh: internet)
Cùng với cây nhãn, những năm gần đây, cam Hưng Yên đang được người tiêu dùng trong nước biết đến. Toàn tỉnh hiện có gần 2.000 ha trồng cam, trong đó, hơn 1.000 ha được trồng theo quy trình VietGap. Từ năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm cam Hưng Yên, mở ra cơ hội để "cam Hưng Yên" tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.
Với chính sách khuyến khích các hộ dân hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung để góp phần xây dựng nông thôn mới, Hưng Yên đang phát triển vùng trồng hoa, cây cảnh. Hiện nay, với diện tích khoảng 130 ha chuyên trồng hoa, cây cảnh, cây công trình, chiếm 2/3 diện tích đất nông nghiệp của xã, làng hoa Xuân Quan của Hưng Yên đã trở thành vùng trồng hoa, cây cảnh trọng điểm của tỉnh, là nơi cung cấp hoa, cây cảnh với số lượng lớn nổi tiếng toàn miền Bắc. Mỗi năm, làng hoa Xuân Quan thu gần 200 tỷ đồng từ bán hoa, cây cảnh, đem lại nguồn thu nhập cao cho các hộ trồng hoa nơi đây.
Hiện nay, Hưng Yên có 55 làng nghề thủ công truyền thống, trong đó có nhiều làng nghề tham gia xuất khẩu hàng hóa, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần chuyển dịch và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch… Các làng nghề là di sản văn hóa, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống là giữ gìn bản sắc văn hóa của quê hương Hưng Yên.
Những giá trị văn hóa nêu trên đã tạo ra và thể hiện những nét đặc sắc riêng của người dân Hưng Yên gắn liền với những thành tựu to lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên sau 25 năm tái lập tỉnh. Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, độc canh về cây lúa, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, đến nay, tỉnh Hưng Yên đã vươn lên phát triển nhanh và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.
Kinh tế Hưng Yên liên tục tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,38%/năm. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm sau cao hơn năm trước. Năm 2020, GRDP tăng 6,26%, thu nhập bình quân đầu người đạt 78,7 triệu. Năm 2021, GRDP tăng 6,52%, thu nhập bình quân đầu người đạt 87,7 triệu[1]. Từ một tỉnh nằm trong nhóm 3 tỉnh có thu nhập thấp nhất cả nước, đến nay, Hưng Yên đã nằm trong số 16 tỉnh, thành phố tự cân đối thu chi và có điều tiết về Trung ương.
Thành phố Hưng Yên thuộc tỉnh Hưng Yên trên đà phát triển
(Ảnh: internet)
2. Phát triển địa phương trên cơ sở phát huy bản sắc văn hoá Hưng Yên
Việc phát huy bản sắc văn hóa và con người Hưng Yên trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước là một nhu cầu tất yếu. Trong quá trình này, cần gạn đục khơi trong, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại, những tiến bộ của thế giới, phát huy tốt nội lực để tỉnh Hưng Yên ngày càng phát triển, xứng tầm với vị thế, kỳ vọng của nhân dân và tên gọi của vùng đất “Hưng thịnh” và “Yên bình”. Để đạt mục tiêu đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của Tỉnh - các giá trị đặc trưng, mang đậm bản sắc đất và người Hưng Yên. Đây là những giá trị văn hóa tốt đẹp cần được giữ gìn và phát triển. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dặn dò Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên: “Chú trọng nhiệm vụ giữ gìn và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy các giá trị lịch sử văn hoá đặc sắc của quê hương khởi nguồn, cái nôi của phong trào xây dựng Gia đình văn hoá Việt Nam theo đúng tinh thần của Hội nghị Văn hoá toàn quốc mới đây. Phát triển văn hoá thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển". Khơi dậy lòng tự hào của quê ta về truyền thống yêu nước, cách mạng, truyền thống lịch sử văn hoá, con người Hưng Yên, từ đó khơi dậy khát vọng, ý chí quyết tâm xây dựng và phát triển quê hương Hưng Yên phồn vinh, hạnh phúc. …”[2].
Hai là, phát huy bản sắc văn hóa Hưng Yên trên cơ sở phát triển toàn diện và đồng bộ các thiết chế văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo giá trị văn hóa mới, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ cái xấu, cái lạc hậu, cái ác, cái phản văn hóa, bảo vệ, nhân rộng cái tốt, cái đẹp, cái tiến bộ trong xã hội.
Ba là, sớm có kế hoạch nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đúng tiềm năng thế mạnh của tỉnh về lĩnh vực văn hóa và con người Hưng Yên, từ đó khôi phục các giá trị lịch sử, giá trị văn hóa vốn có.
Bốn là, cần huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân vào công cuộc xây dựng văn hóa, con người Hưng Yên trong thời đại mới theo hướng cập nhật, tiếp biến văn hoá, ngày càng năng động, thích ứng được với xu thế phát triển của đất nước và thế giới, nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hoá cốt lõi, tốt đẹp của đất và người Hưng Yên.
[1] Báo cáo số 182/BC-UBND ngày 03/12/2021 của UBND tỉnh Hưng Yên về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022.
[2] Bài phát biểu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi lễ kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh, 80 năm thành lập đảng bộ tỉnh và 25 năm tái lập tỉnh Hưng Yên ngày 19/12/2021.
Mai Yến