Hiệu quả kinh tế từ làng nghề
Tỉnh Hưng Yên hiện có 58 làng nghề và làng có nghề; 37 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận, trong đó có 8 làng nghề truyền thống. Các làng nghề hoạt động theo từng nhóm nghề khác nhau, trong đó: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản (18 làng); sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (4 làng), sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ (23 làng), sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh (06 làng); các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn (01 làng). Một số làng nghề hoạt động hiệu quả, nổi bật như: Làng nghề hoa, cây cảnh Xuân Quan, huyện Văn Giang; làng nghề mộc Thụy Lân xã Thanh Long; làng nghề truyền thống đúc đồng Lộng Thượng, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm...
Làng nghề đan đó ở xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ có truyền thống khoảng 200 năm
(Ảnh: interrnet)
Trong 58 làng nghề, có 15.700 hộ, 315 doanh nghiệp, 14 hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động làm nghề tại các làng nghề đã tạo việc làm cho trên 41.000 lao động thường xuyên và thời vụ với mức thu nhập bình quân đạt 68,5 triệu đồng/người/năm; tổng doanh thu của các cơ sở làm nghề trong làng nghề đạt trên 7.900 tỷ đồng.
Các làng nghề không chỉ phát triển nhanh về số lượng mà còn đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương, tạo ra các sản phẩm hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng xã hội, đồng thời tạo việc làm tại chỗ và nâng cao thu nhập cho các hộ làm nghề, từ đó thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới ở những xã có làng nghề.
Nỗi lo ô nhiễm môi trường
Hiệu quả mang lại từ làng nghề là rất lớn, cùng với đó là công tác bảo vệ môi trường ở các làng nghề bước đầu được quan tâm và chỉ đạo sát sao. Tuy nhiên các làng nghề vẫn phải đối mặt với những bất cập, khó khăn về môi trường, xử lý rác thải như phần lớn lượng rác thải, bã thải từ các làng nghề không thể thu gom và xử lý kịp, nhiều làng nghề rác thải đổ bừa bãi ven đường hoặc tại các khu đất trống. Tình trạng trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cộng đồng, nhất là những người tham gia sản xuất, sinh sống tại các làng nghề và các vùng lân cận.
Nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm làng nghề hiện nay là các cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư gây khó khăn cho việc bố trí xử lý chất thải. Mặt khác, công nghệ sản xuất lạc hậu, chất thải chưa qua xử lý đã thải vào môi trường dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ngày càng trầm trọng.
Bảo vệ môi trường để phát triển làng nghề bền vững
Để phát huy những giá trị, tiềm năng của các làng nghề trong tỉnh gắn với việc xây dựng môi trường xanh, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường làng nghề.
Hai là, tích cực phổ biến công nghệ xử lý môi trường phù hợp với làng nghề để khuyến khích phát triển các ngành nghề sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, hạn chế việc phát sinh chất thải và bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế hình thành và phát triển các loại hình có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao.
Ba là, thực hiện di dời các làng nghề vào khu quy hoạch, cụm công nghiệp sản xuất tập trung.
Nhiều hộ sản xuất ở làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm chuyển ra Cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai làm ăn hiệu quả, mở rộng sản xuất
(Ảnh: internet)
Bốn là, kiểm tra, đánh giá mức độ ô nhiễm đối với các làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường.
Doãn Thị Lý - Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh tỉnh Hưng Yên