Có một câu châm ngôn rất dễ hiểu mang tính phổ quát trên phạm vi thế giới không kể là ở phương Đông hay phương Tây đó là: trong hoạn nạn mới biết rõ tấm lòng của con người. Quả thực, trong cơn đại dịch Covid-19 mà nhân loại đang phải đối diện hiện nay, câu châm ngôn đơn giản kia mới phát huy hết giá trị của nó.
Những ngày này, trước những khó khăn của toàn nhân loại gây ra bởi đại dịch Covid -19, trong khi tại rất nhiều quốc gia phát triển, với nền y tế tối tân, với hệ thống an sinh xã hội đa tầng vốn được xem là hiện đại nhất của thế giới song lại không cứu được mạng sống của hàng nghìn người.
Hẳn những ai có lương tri đều rất buồn khi thấy con số người tử vong bởi dịch bệnh tăng liên tục ở nhiều nơi và chưa có dấu hiệu khả quan nào cho thấy con số người bị thiệt mạng sẽ dừng lại sớm. Các quốc gia trên thế giới đang loay hoay tìm mọi biện pháp làm thế nào để đương đầu với cơn đại dịch. Có nơi người tử vong phải nằm cả ngoài đường!
Rõ ràng, thị trường không cảm thấy hào hứng trong việc bảo đảm an sinh cho những người xấu số bị tác động bởi đại dịch. Nhà nước tại một số quốc gia cũng đã có những động thái hỗ trợ tài chính cho người dân để hy vọng cứu được tính mạng người dân trong lúc đương đầu với dịch bệnh. Tuy vậy, với hệ thống y tế theo cơ chế thị trường có giá dịch vụ đặc biệt cao thì chỉ những ai có nhiều tiền mới hy vọng được chữa trị. Cũng có quốc gia tuyên bố không thể lo được sức khỏe cho những người không mang quốc tịch hoặc đang du học, những người này hãy tự tìm đường mà cứu lấy mình! Văn minh vật chất thật mâu thuẫn!
Trái ngược với những hiện tượng nêu trên, ở Việt Nam, trong lúc khó khăn mới thấy hết giá trị ưu việt của chế độ chính trị do nhân dân xây dựng. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhà nước cùng với doanh nghiệp, rất nhiều doanh nghiệp và người dân đã hào hứng cùng tham gia công cuộc chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Dưới sự lãnh đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ liên tục đưa ra những biện pháp hữu hiệu, được lòng dân, hệ thống chính trị ở tất cả các cấp vào cuộc một cách thực tâm đã đem đến niềm tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân cùng tham gia chống dịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức. Ảnh: Internet
Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng sát sao với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau trong cơn đại dịch. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định không để một người dân nào đói cơm lạt muối trong khi phải ứng phó với dịch bệnh. Thật ấm lòng khi những người dân nghèo, những hộ gia đình chính sách đã và đang được hưởng những khoản kinh phí, cho dù so với nhu cầu thực tế thì còn rất khiêm tốn, song cũng đủ thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với dân, giữa người dân với chế độ xã hội mà mình đang sống.
Tinh thần không để bất cứ ai bị bỏ lại phía sau thực sự được cảm nhận bởi những người dân tại xóm chạy thận Bạch Mai. Ở đây, hằng ngày, theo những giờ đã định, từng chuyến xe đầy nghĩa tình của quân đội đã đến đón người bệnh để đưa tới khoa chạy thận với tinh thần nhiệt tình, vô tư. Thử hỏi, trên thế giới này ở đâu đã làm được như vậy?
Những khó khăn trong cuộc sống đã được chia sẻ bởi cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: Internet
Các nghĩa cử cao đẹp của các tập đoàn kinh tế về việc cung cấp, sản xuất máy thở để cứu chữa người bệnh, giảm giá điện sinh hoạt cho người dân, những chuyến bay đặc biệt đưa công dân Việt Nam về nước… là những hành vi kinh tế mang giá trị xã hội chủ nghĩa thực sự. Cùng với đó, cộng đồng dân cư trên khắp mọi miền, các nhóm xã hội, các hộ gia đình, các cá nhân tích cực thực hiện sẻ cơm nhường áo, chia sẻ những khó khăn với những người thợ đang thiếu việc làm, những em sinh viên đang không có tiền để về quê phải tự cách ly trong khu ký túc xá. Từng chút, từng chút một, công sức của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp cùng với nguồn lực của nhà nước đang phát huy tác dụng cộng hưởng để toàn dân vượt qua những khó khăn trước tác động của dịch bệnh.
Sự kết hợp vai trò của nhà nước - thị trường - xã hội như trên chưa thấy được mô tả trong bất cứ cuốn giáo trình kinh tế nào trên thế giới. Nhưng đó là sự thật ở Việt Nam - một sự thật thể hiện rõ nét cho tính ưu việt của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Bảo Nghi