Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng công tác đối ngoại với các địa phương thuộc nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, tỉnh có 3 địa phương (Bình Liêu, Hải Hà và Móng Cái) tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc. Với tinh thần xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển, tỉnh luôn chú trọng chỉ đạo thực hiện nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân.
Từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc sinh sống trên khu vực biên giới của tỉnh đã có mối quan hệ thân thiết với người dân ở các thôn, bản bên kia biên giới. Hằng năm, mỗi khi có dịp kỷ niệm, được sự nhất trí của cơ quan chức năng hai bên, lãnh đạo các thôn đều tổ chức sang thăm hỏi, chúc mừng lẫn nhau. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn nằm ở khuôn khổ quan hệ nội bộ giữa thôn với thôn mà chưa cósựthống nhất giữa chính quyền hai bên.
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Quảng Ninh về tăng cường phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn biên giới, nhiều năm nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường mở rộng đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân. Đặc biệt là nghiên cứu, khảo sát các thôn, bản giáp biên để tổ chức xây dựng các mô hình điểm về ngoại giao nhân dân. Sau thời gian dài nghiên cứu, đánh giá, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã báo cáo và tham mưu cấp trên chọn bản Phai Lầu, xã Đồng Văn (Bình Liêu) làm mô hình kết nghĩa đầu tiên.
Lãnh đạo bản Phai Lầu, xã Đồng Văn (Việt Nam) và thôn Tràng Nhì, trấn Động Trung (Trung Quốc) ký văn bản kết nghĩa giữa dân cư hai bên biên giới. Ảnh: Internet.
Hai bên đã thống nhất những nội dung hợp tác: Cùng nhau tuyên truyền vận động và giáo dục nhân dân hai thôn, bản xây dựng, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị, truyền thống của hai Đảng, hai Nhà nước và hai địa phương, truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc, thân tộc, dòng họ vốn lâu đời giữa hai bên biên giới; thường xuyên thăm hỏi, động viên nhau trong dịp lễ, tết, lúc ốm đau và giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng thôn, bản giàu đẹp; cùng nhau bảo vệ môi trường sinh thái, giúp nhau khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống cháy rừng và dịch bệnh xảy ra đối với người, vật nuôi, cây trồng; tăng cường và phát huy mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc, thân tộc, dòng họ vốn lâu đời giữa hai bên; thường xuyên giao lưu, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hoá, truyền thống của dân tộc; giao lưu thể dục thể thao, văn hoá, văn nghệ để cùng nhau xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị và phát triển bền vững.
Cùng với đó, hai bên tiến hành tuyên truyền, giáo dục nhân dân hai bên biên giới chấp hành và thực hiện nghiêm ba văn kiện pháp lý về biên giới đất liền được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc; cùng bảo vệ không làm hư hỏng mốc quốc giới, không làm thay đổi đường biên giới, dòng chảy sông, suối biên giới; không tham gia và không tiếp tay cho tội phạm mua bán các chất ma tuý, mua bán người và buôn bán hàng hoá mà Việt Nam và Trung Quốc cấm; thường xuyên trao đổi tình hình liên quan trực tiếp đến an ninh, an toàn, lợi ích của nhân dân hai thôn, bản để cùng nhau phối hợp giải quyết nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Đến nay, khu vực biên giới của tỉnh Quảng Ninh đã ký kết nghĩa giữa 7 cặp thôn - bản, xã - trấn của Việt Nam và Trung Quốc. Thông qua đó, đã góp phần tăng thêm sự đoàn kết, gắn bó, hữu nghị giữa hai bên. Cấp ủy, chính quyền các địa phương biên giới trên đất liền của Quảng Ninh và nước bạn Trung Quốc kịp thời trao đổi thông tin nhằm giải quyết tốt các vấn đề biên giới, đặc biệt là việc triển khai thực hiện văn kiện pháp lý về biên giới, xây dựng hệ thống kè sông biên giới; phối hợp triển khai hiệu quả các hiệp ước, hiệp định, hiệp nghị về biên giới, hợp tác trong quá trình đấu tranh, phòng chống tội phạm và hợp tác trong lĩnh vực thương mại, du lịch, đặc biệt là trong hoạt động phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Đặng Thành Dương