UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo và ban hành các văn bản để triển khai nhiệm vụ hoàn thiện thể chế về xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số gồm các kế hoạch, quyết định về: Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan Nhà nước; phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Hải Dương năm 2022; ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Hải Dương; ban hành Bộ Chỉ số đánh giá chuyển đổi số tỉnh Hải Dương. Tỉnh đã thành lập tổ chỉ đạo triển khai công nghệ số cộng đồng, tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Hải Dương và lấy ngày 26/3 là ngày chuyển đổi số tỉnh Hải Dương.
Hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh được đầu tư nâng cấp, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ công tác quản lý nhà nước trong toàn tỉnh. Hiện nay, 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã đã xây dựng mạng nội bộ kết nối các phòng ban, đơn vị; tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức đạt 100%. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp được triển khai đồng bộ và liên thông 4 cấp gắn với việc sử dụng địa chỉ thư điện tử công vụ và chữ ký số chuyên dùng. Đến nay, tỉnh đã cấp trên 8.000 tài khoản thư điện tử công vụ cho các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ cấp 5.606 chứng thư số cho tổ chức, cá nhân các cơ quan hành chính nhà nước. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được đầu tư nâng cấp, phục vụ tốt các cuộc họp giữa tỉnh với Trung ương và với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh được triển khai sử dụng trong hoạt động của các cơ quan Đảng và đã được kết nối đến tất cả các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã.
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dùng chung cấp tỉnh - LGSP đi vào hoạt động từ ngày 01/10/2019 đã tạo kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung giữa các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, tạo sự đồng bộ và thống nhất trong việc tổ chức, liên thông tác nghiệp nghiệp vụ giữa các đơn vị. Hiện tại, nền tảng LGSP đã kết nối thành công với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP), tạo thuận lợi cho công dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tra cứu và theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tập trung đầu tư, xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, triển khai các ứng dụng chuyên ngành thống nhất trên quy mô toàn tỉnh như: Hệ thống quản lý ngân sách và kho bạc, hệ thống quản lý ngân sách,... Phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức; phần mềm chấm điểm cải cách hành chính của tỉnh. Ngoài các phần mềm dùng chung, phần mềm chuyên ngành nêu trên, các phần mềm như: tài chính - kế toán, quản lý tài sản, giải quyết khiếu nại, tố cáo,... cũng đang được ứng dụng rộng rãi tại các đơn vị trên địa bàn tỉnh, phát huy hiệu quả trong hoạt động quản lý và điều hành.
Cổng thông tin điện tử của tỉnh và 52 trang thông tin điện tử thành phần của các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố được tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh nhằm cung cấp, khai thác và tìm kiếm thông tin. Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh hoạt động trên mạng diện rộng của Đảng phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp.
Bấm nút khai trương Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương giao diện mới ngày 08/6/2023
(Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)
Hệ thống phần mềm quản lý văn bản điều hành được triển khai sử dụng cho 100% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, bảo đảm liên thông 4 cấp (xã - huyện - tỉnh - Trung ương) và thực hiện phát hành văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản Quốc gia. Đến nay, 100% các cơ quan nhà nước đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số để thay thế văn bản giấy. Hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh được triển khai đã đáp ứng đầy đủ chức năng, yêu cầu kỹ thuật theo quy định. Hiện nay, hệ thống đã được kết nối đến Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ để thực hiện cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh hoạt động ổn định và phát huy hiệu quả. 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện, 90% cán bộ, công chức cấp xã thường xuyên sử dụng thư điện tử công vụ trong công việc. Hệ thống chữ ký số chuyên dùng đã được triển khai cấp khoảng 3.000 chữ ký số cho cán bộ, công chức. 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, các đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh, các phòng ban cấp huyện và cấp xã được cấp chứng thư số và sử dụng chứng thư số.
Hệ thống Cổng Dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử đã được liên kết, tạo lập thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, đã được đưa vào sử dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh. Hệ thống đã kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công và nền tảng thanh toán Quốc gia; tích hợp, kết nối với một số cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành, góp phần đồng bộ và thống nhất trong việc tổ chức, liên thông tác nghiệp nghiệp vụ giữa các đơn vị và tránh, giảm tải cho cán bộ, công chức phải sử dụng đồng thời nhiều ứng dụng khác nhau. Hiện nay, trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đang cung cấp 1.950 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 587 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 1.130 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; tích hợp được 574 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Để thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số của tỉnh, thời gian tới, tỉnh Hải Dương tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/3/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương về “Chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, Kế hoạch hành động số 2358/KH-UBND ngày 25/6/2021 của UBND tỉnh Hải Dương về thực hiện Nghị quyết “Chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; tập trung nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, ứng dụng dùng chung, dùng riêng phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số của tỉnh.
Trần Thị Phượng - Trường Chính trị tỉnh Hải Dương