Gắn kết di sản văn hoá với kinh tế du lịch
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển du lịch cộng đồng gắn với khai thác, phát huy các giá trị văn hoá bản địa nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Trong nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khoá XIV, Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã xác định phát huy bản sắc truyền thống gắn với du lịch cộng đồng là một trong những chương trình trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, chuyên đề về “bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”, với tinh thần “giá trị văn hoá đặc sắc các dân tộc phải trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch”.
Nhằm hiện thực hoá các quan điểm chỉ đạo trong khai thác các giá trị văn hoá bản sắc để phát triển du lịch, Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành Đề án "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030" với mục tiêu phấn đấu xây dựng 5 sản phẩm du lịch mang đặc trưng của tỉnh Lai Châu gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, ít nhất 1 sản phẩm du lịch đạt sản phẩm OCOP 4 - 5 sao; xây dựng 1 bản du lịch cộng đồng tiêu biểu quốc gia, tiến tới đề nghị công nhận điểm du lịch cộng đồng ASEAN.
Để hiện thực hoá khát vọng đưa du lịch Lai Châu phát triển, xây dựng môi trường du lịch chuyên nghiệp, bài bản, hiện đại, năm 2021, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Đề án Chuyển đổi số tỉnh Lai Châu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là “Số hóa 3D một số điểm du lịch cộng đồng và truyền thông số du lịch thông minh tỉnh Lai Châu”.
Hiện nay, đã triển khai số hóa 3D một số điểm bản du lịch cộng đồng như Sin Suối Hồ, Sì Thâu Chải và một số đỉnh núi cao. Trong giai đoạn từ nay tới năm 2025, mục tiêu đặt ra là tiếp tục số hóa các điểm du lịch đã được công nhận, góp phần quan trọng mang lại những trải nghiệm thú vị, thông minh và tiện ích cho người thụ hưởng.
Tỉnh Lai Châu đã công nhận 12 điểm bản du lịch cộng đồng. Mỗi điểm bản du lịch cộng đồng là những trải nghiệm thú vị về môi trường văn hoá, cảnh quan thiên nhiên, về các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể đặc trưng, mang đậm hồn cốt văn hoá Lai Châu.
Điểm du lịch Cọn nước Nà Khương (bản Nà Khương)
(Ảnh: báo Lai Châu)
Đó là những lễ hội truyền thống độc đáo, như: Lễ hội Grâuk Taox Cha được tổ chức vào ngày 14 - 15 tháng Giêng hằng năm, Lễ hội Tú Tỉ vào ngày mồng 2 tháng 2 âm lịch, Lễ hội “Lộc xuân” của dân tộc Dao ở xã Sì Lở Lầu vào ngày rằm tháng Giêng; Lễ hội “Nàng Han” tại xã Mường So vào ngày 15 tháng 2 âm lịch; Lễ hội “Then Kin Pang” của dân tộc Thái xã Khổng Lào (ngày 10 tháng 3 âm lịch)...
Đó là trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Giáy, Mông; là các nghề thủ công truyền thống (Nghề làm bánh, nấu rượu, thêu dệt thổ cẩm…) ở thành phố Lai Châu; và những di tích lịch sử như: Đền thờ Nàng Han, Hang kháng chiến Nà Củng, Con Đường Đá Cổ Pavi, Khu sinh thái chè cổ thụ ở huyện Phong Thổ,... những điệu múa, dân ca, dân vũ giao duyên say đắm lòng người, điệu xoè đại đoàn kết thể hiện tấm lòng mến khách của người Lai Châu.
Tất cả những giá trị đó đã định vị một Lai Châu giàu bản sắc, khiến cho bất cứ ai khi đặt chân đến mảnh đất này đều dễ phải lòng với đất và người vùng biên viễn của Tổ quốc.
Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ
(Ảnh: laichau.gov.vn)
Những thành quả bước đầu trong du lịch cộng đồng tỉnh Lai Châu
Trên cơ sở chủ trương, chính sách mang tính kiến tạo, với nhiệt huyết làm du lịch của đồng bào trong tỉnh, du lịch cộng đồng của tỉnh Lai Châu đã có những bước đi bền vững, độc đáo. Du lịch cộng đồng phát triển nhưng bảo đảm giữ vẹn nguyên bản sắc văn hoá và sự mộc mạc, nguyên sơ.
Giai đoạn 2016 - 2020, tổng lượt khách du lịch tăng gấp 2 lần so với giai đoạn trước, với 1.294.378 lượt, trong đó khách quốc tế 129.766 lượt, khách nội địa 1.164.612 lượt. Tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân giai đoạn đạt 17,78 %/năm. Trong hai năm 2020 và 2021, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng du lịch Lai Châu vẫn đón được gần 800 ngàn lượt khách đến tham quan, tập trung chủ yếu là du lịch cộng đồng, trải nghiệm cuộc sống văn hoá bản địa.
Du lịch là ngành công nghiệp không khói, là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương và vùng miền phát triển. Trong đó, phát triển du lịch cộng đồng góp phần thực hiện thành công mục tiêu kép: thay đổi sinh kế, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và bảo tồn, phát huy, lan toả các giá trị văn hoá bản địa Lai Châu.
Để du lịch cộng đồng tỉnh lai Châu phát triển hơn nữa, cần sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Trong đó, với vai trò kiến tạo, hệ thống thể chế, chính sách sẽ là khuôn khổ quan trọng tạo cú hích đột phá; với vai trò chủ thể vận hành, sự nhiệt huyết của những người dân bản địa sẽ quyết định sức sống của các giá trị văn hoá trong cộng đồng bằng du lịch và trở thành nguồn lợi của du lịch.
Nguyễn Thị Hồng