Tiềm năng phát triển kinh tế biển
Biển Khánh Hòa có tiềm năng, thế mạnh rất lớn trong nuôi trồng, khai thác thủy hải sản, đặc biệt thuận lợi cho nghề khai thác cá ngừ đại dương và nghề lưới. Theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, năm 2021, toàn tỉnh có hơn 3.385 tàu cá, từ giai đoạn 2016 - 2020, sản lượng thuỷ sản khai thác bình quân hằng năm của tỉnh đạt gần 96.000 tấn với tỷ lệ tăng trưởng bình quân đạt 0,70%/năm. Toàn tỉnh có 252 trại sản xuất tôm giống với sản lượng đạt hơn 6.281 triệu con giống và diện tích thả nuôi tôm thương phẩm khoảng hơn 2.014ha.
Khánh Hoà sở hữu 3 vịnh nước sâu gồm Nha Trang, Cam Ranh và Vân Phong, là những cửa ngõ thông ra Biển Ðông với điều kiện tự nhiên thuận lợi, được đánh giá tốt nhất Đông Nam Á cho hoạt động ngư nghiệp và vận tải biển. Khánh Hoà nằm trên các trục giao thông quốc gia quan trọng cả về đường sắt, đường bộ, đường thuỷ và hàng không, rất thuận lợi cho việc khai thác, phát triển các lĩnh vực công nghiệp, cảng biển, vận tải biển, khu kinh tế gắn với phát triển các khu đô thị ven biển.
Với nhiều thắng cảnh tự nhiên, nhiều bãi biển đẹp, khí hậu thời tiết ôn hòa, Khánh Hoà đã thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch. Bên cạnh đó, điểm đặc sắc riêng có của Khánh Hòa còn được biết đến là nơi trú ngụ của loài chim yến. Việc bảo tồn và phát triển loài chim này vừa mang đến đặc trưng về du lịch, vừa mang lại giá trị kinh tế cao.
Định hướng phát triển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ
Phát huy những tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế biển, gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới, triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Chương trình hành động số 31-CTr/TU ngày 5/7/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa với mục tiêu cơ bản đến năm 2030 đưa kinh tế biển và vùng ven biển, đảo của tỉnh Khánh Hòa phát triển mạnh, giữ vai trò, vị trí quan trọng và chủ đạo trong nền kinh tế của tỉnh, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII định hướng đến năm 2025, Khánh Hòa phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước, đưa Nha Trang trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Nhiệm vụ trọng tâm là phát huy các lợi thế, tiềm năng của tỉnh để phát triển các ngành kinh tế biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.
Để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ đó, Khánh Hòa đang khẩn trương xây dựng quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Tập trung phát triển hệ thống các đô thị trên địa bàn tỉnh; củng cố, xây dựng các xã, phường trọng điểm về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh, đồng thời, chú trọng xây dựng và phát triển các làng nghề ven biển, Hải đội dân quân hoạt động trên các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh, Hải đội dân quân thường trực.
Hội nghị quán triệt, giao nhiệm vụ cho các đồng chí là cán bộ, chiến sĩ Hải đội dân quân thường trực biển của tỉnh Khánh Hoà
Khánh Hòa xác định phát triển theo thứ tự ưu tiên: Dịch vụ du lịch biển chất lượng cao; công nghiệp, cảng biển, khu kinh tế gắn với phát triển các khu đô thị ven biển; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản gắn với xây dựng nông thôn mới; dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá, vận tải biển - hàng không và cuối cùng là kinh tế đảo. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước để phát triển hệ thống cảng biển, vận tải biển, công nghiệp đóng tàu, khai thác đánh bắt hải sản, du lịch biển, đảo. Duy trì và đẩy mạnh khai thác Yến sào, trong đó chú trọng phát triển các đảo yến gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Thời gian tới, tỉnh sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ban, ngành liên quan để tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thu hút đầu tư tại khu vực bán đảo Cam Ranh; trình Chính phủ Đề án về cơ chế, chính sách phát triển Khu Kinh tế Vân Phong thành một trong những trung tâm kinh tế, du lịch biển hiện đại.
Khánh Hoà đã từng bước ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ mới vào quản lý và phát triển kinh tế biển nhằm khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển. Từ đó, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, giảm thiểu tối đa sự suy thoái tài nguyên biển và hải đảo, đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái biển.
Tỉnh quán triệt thực hiện tốt các chương trình động viên, đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển bằng việc hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân hiện đại hóa tàu cá để nâng cao hiệu quả đánh bắt, bảo quản và đảm bảo an toàn khi khai thác trên các vùng biển xa,... Riêng với huyện đảo Trường Sa, để phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh trên khu vực quần đảo Trường Sa và các đảo lớn xa bờ, tỉnh sẽ phối hợp với các ngành, địa phương và Bộ Quốc phòng tiếp tục hỗ trợ phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản cho nhân dân sinh sống trên các đảo.
Báo Người Lao Động phối hợp Liên đoàn lao động tỉnh Khánh Hòa tổ chức trao 4.000 lá cờ Tổ quốc cùng một số túi thuốc và dụng cụ sơ cứu y tế cho ngư dân của 4 nghiệp đoàn nghề cá, gồm: Phước Đồng, Xương Huân, Vĩnh Trường và Vĩnh Thọ
(Ảnh: internet)
Thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Sau khi Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", tỉnh đã lên phương án phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội với phương châm thích ứng an toàn, bảo đảm đạt mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi, phát triển kinh tế, nhất là du lịch của địa phương trong năm 2022, tạo tiền đề để bứt phá trong những năm tiếp theo./.
Hoàng Hà