Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happinesss Report) cho thấy kết quả xếp hạng chỉ số hạnh phúc quốc gia của Việt Nam liên tục được cải thiện trong những năm gần đây. Nếu như năm 2021, Việt Nam ở vị trí 79 trong tổng số hơn 150 quốc gia được khảo sát, thì năm 2022, Việt Nam tăng thêm hai bậc, ở vị trí 77. Trong khi đó, các phần tử phản động, cơ hội với mưu đồ chống phá Đảng và Nhà nước lại không ngừng rêu rao rằng việc “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” chỉ là một sự “ảo tưởng sức mạnh” của Đảng Cộng sản Việt Nam và theo chúng việc đặt ra mục tiêu hạnh phúc của nhân dân Việt Nam chỉ là “một trò bịp bợm”, “mị dân”(?!).
Thứ nhất, các thế lực phản động, chống phá liên tục đưa ra những luận điệu để đánh đồng giữa “hạnh phúc” và “sự giàu có”. Chúng lấy những thước đo về tăng trưởng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, thu nhập bình quân đầu người,… để làm tiêu chí duy nhất đánh giá về cái gọi là “hạnh phúc thực sự của con người”. Tuy nhiên, các nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh rằng hạnh phúc không nhất thiết gắn liền với thu nhập, sự giàu có, tiện nghi vật chất và tinh thần. Chẳng hạn như bộ Chỉ số Hành tinh hạnh phúc (HPI - Happy Planet Index) được các nhà khoa học đo lường dựa trên các chỉ số thành phần là: Mức độ hài lòng với cuộc sống, tuổi thọ, môi sinh. Theo đó, hạnh phúc trước hết là con người có tuổi thọ cao, có nhiều năm được sống hài lòng với cuộc sống của mình nhưng không tiêu dùng thái quá gây xâm hại vốn tài nguyên tự nhiên và không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái xung quanh.
Trên thực tế một số quốc gia dù không giàu có nhưng vẫn là quốc gia Hạnh phúc. Ví dụ, năm 2006, Vanuatu - một quần đảo ở Nam Thái Bình Dương đã đạt chỉ số HPI cao nhất thế giới (68,2), nơi được mệnh danh là “Thiên đường nơi hạ giới” bởi cảnh quan đẹp, môi trường trong lành, con người khoẻ mạnh, thân thiện. Hay ở Vương quốc Bhutan, nơi mà điều kiện tự nhiên không thuận lợi, kinh tế chậm phát triển, hơn 70% dân số làm nông nghiệp và sinh sống tại nông thôn, người dân vẫn cho rằng mình là những người hạnh phúc nhất thế giới.
Thứ hai, khi các chỉ số đo lường hạnh phúc đem lại những kết quả không theo mong đợi của các thế lực thù địch, phản động (Việt Nam liên tục thăng hạng trên các chỉ số), chúng lại quay sang chê bai, phủ định tính chính xác và thực tế của các chỉ số hạnh phúc và những kết quả nghiên cứu khoa học thực chứng. Chúng cho rằng hạnh phúc là cái không thể mổ xẻ duy lý và định lượng được, vì thế các phương pháp phân tích và các chỉ số đo lường hạnh phúc là hoàn toàn vô nghĩa(?!).
Tuy nhiên, ngay từ giữa thế kỷ thứ XIX, nghiên cứu khoa học về hạnh phúc (The Science of Happiness) đã được các nhà nghiên cứu ở Anh khởi xướng. Từ đó, các công trình, chuyên khảo, bài báo... có khuynh hướng nghiên cứu khoa học về hạnh phúc đều đặn xuất hiện. Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã thừa nhận Science of Happiness là một ngành nghiên cứu độc lập và nghiên cứu định lượng về hạnh phúc đã được triển khai ở nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, Chính phủ một số nước còn thành lập cơ quan chuyên trách về hạnh phúc như Ủy ban tổng hạnh phúc quốc gia ở Butan, Bộ Hạnh phúc ở Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).
Nếu như hạnh phúc là thứ không thể đo lường, không thể nghiên cứu được như luận điệu của các phần tử phản động thì việc tổ chức các cơ quan trên của chính phủ các nước chỉ là những hành động vô nghĩa? Và tương tự, ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) do Liên Hợp quốc phát động và được toàn thế giới hưởng ứng cũng chỉ là những trò bịp bợm hay sao?
Thứ ba, các thế lực thù địch, phản động thường xuyên dẫn chứng kết quả của các chỉ số đo lường kém chất lượng và không uy tín nhằm hạ thấp giá trị của Việt Nam trên trường quốc tế.
Một mặt, chúng phủ định tính chính xác của các chỉ số đo lường khoa học uy tín trên thế giới như HPI, HDI,… nhưng mặt khác, chúng lại tỏ ra rất tin tưởng vào kết quả nghiên cứu của những tổ chức không chính thống như: Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), vô căn cứ xếp Việt Nam hạng 175/180 về tự do báo chí năm 2018, hay chỉ số Good Country Index, cái mà liên tục khẳng định Việt Nam đứng gần cuối bảng về độ hạnh phúc. Các tổ chức này tiến hành đo lường chỉ số hạnh phúc bằng những câu hỏi rất mơ hồ: “Bạn có nghỉ ngơi thoải mái ngày hôm qua không?”; “Bạn có được đối xử một cách tôn trọng trong suốt cả ngày hôm qua không?”; “Bạn có mỉm cười và bật cười nhiều trong ngày hôm qua không?”; “Bạn có học hay làm điều gì thú vị ngày hôm qua không?”…
Thứ tư, khi các luận điệu chối bỏ kết quả nghiên cứu khoa học về hạnh phúc bị rơi vào bế tắc và thiếu sức thuyết phục, chúng lại tung ra luận điệu cho rằng: Hạnh phúc của nhân dân Việt Nam chẳng qua chỉ là một sự “hài lòng một cách đáng thương và nguy hiểm”, rằng nhận thức của người Việt Nam hạn chế nên “khổ mà không biết mình khổ”(?!).
Tuy vậy, những đối tượng thù địch, phản động, cơ hội không hiểu một điều cơ bản là ý thức xã hội là kết quả phản ánh của hiện tượng xã hội. Đúng như Abraham Lincoln từng nói: “Chúng ta hạnh phúc vì tâm can ta cảm thấy vậy”. Sự hạnh phúc của người dân Việt Nam là kết quả phấn đấu không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, chứ không phải là sự ngộ nhận như luận điệu sai trái của các thế lực phản động, thù địch.
Thứ năm, từ sự phủ định niềm hạnh phúc của nhân dân Việt Nam, các phần tử phản động, cơ hội chính trị quay sang phê phán mục tiêu ‘khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” của Đảng chỉ là một “chiêu trò chính trị” nhằm chấn an dân chúng và không có cơ sở khoa học (?!).
Cần phải khẳng định rằng, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng chính là một phương thức phát triển hữu hiệu trong bối cảnh mới hiện nay. Bởi lẽ, thực tiễn phát triển của Việt Nam hiện nay cho thấy một sự đan xen, hòa quyện giữa những giá trị truyền thống và hiện đại. Những giá trị truyền thống (chủ nghĩa yêu nước, lối sống tình nghĩa, đạo lý uống nước nhớ nguồn) và giá trị hiện đại (cơ cấu dân số vàng, khát vọng làm giàu chính đáng, tinh thần ham học hỏi, đổi mới sáng tạo, đam mê công nghệ, niềm tự hào dân tộc) đan xen nhau, hỗ trợ nhau phát triển, tạo thành sức mạnh nội sinh tiềm ẩn mà chưa được khai phá. Đất nước đang chứng kiến những đổi thay từng ngày, nhân dân ngày càng tin tưởng vào hệ thống chính trị và những quyết sách lãnh đạo của Đảng. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hoá các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Trên trường quốc tế, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Với hướng đi đúng đắn, khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao, đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta. Những luận điệu sai trái, phủ định niềm hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và triển vọng phồn vinh của đất nước tất nhiên không thể nào làm lung lay được ý chí kiên cường và khát vọng vươn lên của một dân tộc anh hùng.
Hoài Đặng