Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt, năm 1951.
Nguồn: Ảnh tư liệu
1. Phát hiện ra vai trò của quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử là một trong những cống hiến quan trọng của chủ nghĩa Mác trong khi nghiên cứu quy luật phát triển của xã hội loài người. Tuy nhiên, kẻ thù của chủ nghĩa xã hội khoa học luôn tìm và làm mọi cách để phủ nhận vai trò của quần chúng nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng. Họ cho rằng: quần chúng nhân dân chỉ là đám đông thụ động, không biết suy nghĩ, chỉ làm theo sự dẫn dắt của người khác, là phương tiện mà các cá nhân cần đến cho một ý đồ chính trị của mình (?!). Theo họ, vai trò sáng tạo ra lịch sử chỉ có những phần tử tinh hoa nhất, xuất hiện từ trong bộ phận ưu tú nhất của mỗi dân tộc mới có khả năng sáng tạo. Vì vậy, sự phân chia xã hội thành thống trị và bị trị, quản lý và bị quản lý là quy luật vĩnh viễn của tồn tại xã hội (?!). Vậy, sự thật có đúng như vậy không?
Trước hết, cần khẳng định rằng quan điểm trên đây là hoàn toàn sai lầm, nhằm mục đích bảo vệ địa vị của giai cấp thống trị, áp bức đối với quần chúng nhân dân lao động. Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ rõ rằng: Từ khi có xã hội loài người đến nay, lịch sử xã hội là do quần chúng nhân dân xây dựng nên, chính quần chúng nhân dân là động lực thúc đẩy lịch sử tiến lên không ngừng. Mọi sự kiện lớn lao, mọi biến đổi cách mạng xảy ra trong đời sống xã hội, nếu không được quần chúng tham gia, ủng hộ thì không thể thành công được. Vì vậy, cách mạng xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của quần chúng nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Chỉ có lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin mới luận chứng một cách khoa học vai trò sáng tạo ra lịch sử của quần chúng, và xác định được mối quan hệ đúng đắn của vai trò cá nhân kiệt xuất và quần chúng nhân dân trong sự phát triển của xã hội loài người. Từ đó trở đi lý luận này được các chính đảng của giai cấp công nhân lấy làm cơ sở cho việc xây dựng đường lối chiến lược, sách lược cách mạng đúng đắn để đưa sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân đi đến toàn thắng.
Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga (1917), lần đầu tiên đưa quần chúng nhân dân lên địa vị làm chủ vận mệnh của mình, và chỉ mấy chục năm sau chủ nghĩa xã hội đã trở thành hệ thống thế giới. Đó là một bước nhảy vọt trong lịch sử, nếu so với chủ nghĩa tư bản trước đó cũng phải mất gần 200 năm mới trở thành hệ thống thế giới.
2. Lịch sử Việt Nam mấy nghìn năm cũng cho thấy vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong việc dựng nước và giữ nước. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dựa trên những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và thực tiễn Việt Nam đã đề ra quan điểm đúng đắn về vai trò của quần chúng nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng. Đảng ta chỉ rõ: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng tự mình giải phóng lấy mình, không có anh hùng hào kiệt nào cứu vớt được quần chúng, mà chính bản thân quần chúng được giác ngộ, được tổ chức, đoàn kết lại dưới sự lãnh đạo của Đảng - đội tiên phong của giai cấp công nhân mới có thể giải phóng cho mình được. Cương lĩnhcách mạng của Đảng ta năm 1930 đã đề ra nhiệm vụ đánh đổ đế quốc, phong kiến, thành lập chính quyền Xô viết công nông binh, chia ruộng đất cho nông dân, chính là lòng tin tưởng và quyết tâm của Đảng dựa vào quần chúng nhân dân.
Nhân dân Sài Gòn biểu dương lực lượng trong Cách mạng tháng Tám (sáng ngày 25/8/1945). Nguồn: Ảnh tư liệu
Tổng kết lịch sử cách mạng Việt Nam, một trong những bài học kinh nghiệm lớn được Đảng ta rút ra trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 là: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử”[1]. Vì vậy, trong quá trình đổi mới, Đảng ta luôn xác định và quán triệt mọi chủ trương, đường lối phải luôn xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đây là sức mạnh, cội nguồn của mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Tại Đại hội XIII (2021), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân”[2]. Để phát huy tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân, lần này Đảng ta bổ sung thêm “dân giám sát, dân thụ hưởng” để hoàn thiện hơn nội dung, phương châm thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đồng thời khẳng định: “Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[3]. Đây là sự tổng kết thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Theo đó, mọi thành công hay thất bại đều do nhân dân, chủ thể sáng tạo ra lịch sử.
Có thể khẳng định, ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã nhận thấy được vai trò chủ thể của nhân dân trong quá trình cách mạng. Nhờ biết dựa vào nhân dân mà Đảng ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Hiện nay, cùng với việc phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh ngăn chặn mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm tuyệt đối hóa vai trò cá nhân, hạ thấp hoặc phủ nhận vai trò của quần chúng nhân dân, để từ đó xuyên tạc quan điểm, đường lối cách mạng của Đảng.
Cần khẳng định rằng, xét đến cùng, mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng đều do quần chúng nhân dân tạo dựng. Vai trò của cá nhân kiệt xuất chỉ có thể có được trong mối quan hệ mật thiết với quần chúng, được quần chúng kính yêu và tích cực ủng hộ. Nếu tách rời quần chúng, đứng trên quần chúng, không được quần chúng ủng hộ, thì nhất định sẽ mất tác dụng, sớm hay muộn sẽ bị lịch sử đào thải.
Trong lịch sử dân tộc ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc ta. Người là biểu tượng mẫu mực về mối quan hệ giữa quần chúng và lãnh tụ, giữa lãnh tụ với quần chúng. Nghị quyết của UNESCO nhân kỷ niệm 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá công lao to lớn của Người không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà còn đối với sự tiến bộ của nhân dân các nước trên thế giới.
Sơn Hà