Nhận diện và phản bác
Trong những năm qua, đặt biệt khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (trực thuộc Bộ Chính trị) được thành lập, trực tiếp do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được tiến hành ráo riết, quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, được dư luận quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Thế nhưng các thế lực thù địch, phản động vẫn có những luận điệu cố tình xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Mới đây, Đài Châu Á Tự do cố tình vu cáo rằng: Chống tham nhũng thực chất để thanh trừng lẫn nhau (?!); hoặc như, trang mạng xã hội của Việt Tân đã bóp méo, xuyên tạc về lòng tin của nhân dân ta đối với công tác phòng chống tham nhũng khi cho rằng: Không biết con số 93% người dân Việt Nam tin tưởng vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng là ở đâu ra? Liệu dân có tin là chống tham nhũng thật sự hay đang đấu đá tranh giành quyền lực (?!)…
Luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch
Như vậy, để chống phá Đảng, Nhà nước ta, các thế lực thù địch đã lợi dụng mọi khía cạnh, đặc biệt là lợi dụng kết quả đạt được trong công tác phòng,chống tham nhũng, để “vơ đũa cả nắm”, xuyên tạc về phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên, xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng hòng kích động làm giảm lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Thực tế chứng minh rằng những điều mà các thế lực thù địch bịa đặt, xuyên tạc, rêu rao về công tác phòng chống tham nhũng là hoàn toàn sai trái, vô căn cứ. Bởi lẽ: Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đã và đang đẩy mạnh là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước góp phần thúc đẩy quá trình phát triển đất nước với mục tiêu tất cả vì quyền lợi của Nhân dân.
Trong 10 năm (2012 - 2022), việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 36 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang); qua thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được tài sản đạt 41,3%,;...[1]
Từ các con số minh chứng ở trên cho thấy, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng đã được tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, nhân ái, có lý, có tình, được nhân dân hoan nghênh, tin tưởng, ủng hộ. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến của người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Thực tiễn cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng đã cho thấy sức mạnh và uy tín của Đảng ngày càng được củng cố, tăng cường, nội bộ đoàn kết, thống nhất góp phần phát triển đất nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Năm 2022, tăng trưởng GDP của cả nước ước đạt 8,02%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của một nền kinh tế đều phục hồi, phát triển mạnh. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt mức kỷ lục 732 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021.
Những con số chỉ sự phát triển của nền kinh tế, một lần nữa chứng minh rằng, thông qua cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã loại bỏ được “các con sâu” đục khoét tiền của, tài sản của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Điều đó đập tan luận điệu xuyên tạc, phản động, bịa đặt, vô căn cứcủa các thế lực thù địch.
Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Ảnh: Internet.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng,chống tham nhũng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh để phát triển đất nước
Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp, phải tiến hành lâu dài, do đó, tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn. Trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn:
Một là, phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng, tiêu cực”.
Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ “tham nhũng vặt”; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Năm là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các cơ quan nội chính từ Trung ương đến địa phương.
Như vậy, từ những kết quả đã đạt được trong đấu tranh phòng,chống tham nhũng thời gian qua, cho phép chúng ta tin tưởng rằng, trong thời gian tới, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn và đạt hiệu quả cao hơn nữa. Tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ từng bước bị ngăn chặn, đẩy lùi; góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và xứng đáng với niềm tin yêu, sự mong đợi của Nhân dân.
[1]Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2023, tr.91-95.
N.Tr