1. Những giá trị tiêu biểu của Khu di tích Phố Hiến
Vào đầu thế kỷ XVII, Phố Hiến nổi tiếng là một thương cảng đô hội, là tiểu Tràng An, chỉ đứng sau Kinh kỳ Thăng Long. Trong hệ thống các đô thị cổ Việt Nam, Phố Hiến là một đô thị có nhiều nét khác biệt, độc đáo qua những di tích lịch sử văn hóa, các làng nghề truyền thống, các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian, lễ hội. Ngày nay, nét độc đáo ấy trở thành những sản phẩm du lịch có tính chất biểu trưng, là tài nguyên du lịch nhân văn vô cùng quý giá, thế mạnh của thành phố Hưng Yên. Khu di tích Phố Hiến là một quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị, với 55 ngôi đình, 59 ngôi đền và 43 ngôi chùa, trong đó có những ngôi chùa nổi tiếng như Chùa Chuông, Chùa Hiến, Chùa Phố. Các di tích còn bảo tồn, lưu giữ được tính nguyên gốc từ nghệ thuật kiến trúc, hoạ tiết hoa văn đến đồ thờ tự như Đền Trần, Đền Mẫu, Đền Thiên Hậu, Đền Mây... Mỗi di tích đều mang dấu ấn đậm nét của các triều đại phong kiến Việt Nam từ Đinh, Lý, Trần, Hậu Lê ...
Những di tích kiến trúc ở Phố Hiến là nơi diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa của các cộng đồng dân cư. Hằng năm, trên địa bàn thành phố diễn ra trên 40 lễ hội, mở đầu là lễ hội dân gian phố Hiến, tiếp đó là các lễ hội được tổ chức tuần tự: Đền Trần, Đình Hiến, Đền Mẫu, Đình An Vũ, Đền Thiên Hậu, Đền Mây... khiến không gian lễ hội ở Phố Hiến như một dòng chảy liên tiếp kéo dài mãi.
Lễ hội Đền Mẫu, thành phố Hưng Yên
(Ảnh: internet)
Phố Hiến còn nổi tiếng với những làng nghề truyền thống mà sản phẩm được tạo nên từ chính sản vật địa phương như: Nghề chế biến long nhãn, hạt sen, mứt sen (xã Hồng Nam, xã Phương Chiểu); nghề trồng dâu, nuôi tằm (xã Quảng Châu, xã Hoàng Hanh); nghề làm hương xạ thôn Cao, xã Bảo Khê... cùng với đó là sản phẩm du lịch ẩm thực với những đặc sản như: chè sen, long nhãn, nhãn lồng, sen, trà sen, kẹo lạc Sìu Châu, mứt táo, mứt sen, bún thang...
Chế biến long nhãn ở xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên
(Ảnh: internet)
Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát triển khu di tích Phố Hiến đang gặp những khó khăn như cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành du lịch, chất lượng trang thiết bị, lao động phục vụ tại các cơ sở lưu trú, nhà hàng, vui chơi giải trí... còn chưa tương xứng với yêu cầu ngày càng cao của du khách. Hoạt động du lịch còn chịu ảnh hưởng nhiều của tính mùa vụ, nên hiệu quả kinh doanh chưa cao. Chưa có các phương tiện vận chuyển phù hợp, thuận tiện trong vùng để phục vụ du khách tham quan các điểm du lịch trong thành phố. Nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch còn hạn chế. Số lượng khách du lịch tăng trưởng chậm. Hình ảnh về con người phố Hiến cũng như các di sản văn hóa, các sản phẩm du lịch của phố Hiến chưa đến được với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
2. Để Phố Hiến thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn
Trong thời gian tới, nhằm bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa giá trị của di tích Phố Hiến, tương xứng với tiềm năng và vị thế lịch sử của nó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, huy động tối đa các nguồn vốn trong tỉnh, trong nước và nước ngoài vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng các khu du lịch, các khu cảnh quan môi trường sinh thái làm đòn bẩy thu hút đầu tư vào các sản phẩm du lịch.
Hai là, phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá và thương hiệu du lịch. Phát triển mạnh thị trường du lịch nội địa, chú trọng phân khúc du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nghỉ cuối tuần và mua sắm. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp, lấy sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch là trọng tâm; quảng bá du lịch gắn với quảng bá hình ảnh của tỉnh, của quốc gia, phù hợp với các mục tiêu đã xác định; gắn xúc tiến du lịch với xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và ngoại giao, văn hóa.
Ba là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Hiện nay, nhân lực hoạt động trong ngành du lịch của thành phố chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, vì vậy, cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực thông qua các chương trình đào tạo mới kết hợp đào tạo lại nguồn nhân lực hiện có. Từng bước xây dựng đội ngũ các nhà quản lý, nhà doanh nghiệp năng độngvà sáng tạo, đủ năng lực điều hành các hoạt động kinh doanh du lịch hiệu quả, có chính sách khuyến khích, ưu đãi đặc biệt để thu hút nhân tài về phục vụ cho ngành du lịch.
Bốn là, xây dựng môi trường du lịch nhân văn, bền vững. Đẩy mạnh công tác truyền thông, định hướng, nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường du lịch. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng phong trào ứng xử văn minh thân thiện với du khách, giữ gìn trật tự trị an, vệ sinh môi trường... Tăng cường quản lý bảo đảm về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Cung cấp thông tin về dịch vụ tại địa phương cho du khách qua internet và hệ thống các ấn phẩm quảng bá du lịch.
Nguyễn Hiền