Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng được Thủ tướng Chính phủ thành lập năm 2006 có diện tích tự nhiên 22.781 ha, bao gồm 09 xã, phường thuộc thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), với mục tiêu và định hướng phát triển chủ yếu là khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý kinh tế và chính trị trong giao thương, dịch vụ quốc tế và trong nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh và khu vực Bắc Trung Bộ nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách khu vực này với các vùng khác trong cả nước. KKT Vũng Áng được Chính phủ xác định là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển được ưu tiên để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020; là khu vực động lực phát triển, cần tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng.
Sau 16 năm xây dựng và đi vào hoạt động (2006-2022), KKT Vũng Áng được đánh giá là một trong những KKT thành công trong cả nước; trở thành khu vực động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và có tác động, ảnh hưởng đến sự phát triển của cả vùng Bắc Trung Bộ.
Thứ nhất, thúc đẩy tăng mạnh tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ trong cơ cấu GRDP của tỉnh Hà Tĩnh và tăng thu ngân sách, tạo động lực thúc đẩy kinh tế vùng. Từ khi đi vào hoạt động, KKT Vũng Áng trở thành điểm sáng thu hút đầu tư của cả nước, đặc biệt là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tính đến tháng 12/2022, KKT Vũng Áng thu hút được 153 dự án, bao gồm: 56 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (trong đó có 01 dự án đầu tư theo hình thức BOT) với tổng số vốn đăng ký hơn 16 tỷ USD; và 97 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký hơn 55 nghìn tỷ đồng. Việc thu hút các dự án đầu tư, đặc biệt là dự án đầu tư nước ngoài góp phần tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp cho tỉnh. Trong giai đoạn 2015-2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn KKT Vũng Áng đạt khoảng 12,8 tỷ USD, chiếm gần 88% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn tỉnh. Thu ngân sách trên địa bàn KKT Vũng Áng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách của tỉnh, giai đoạn 2015-2020, thu ngân sách trên địa bàn KKT Vũng Áng đạt trên 37 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 56% tổng thu ngân sách của tỉnh Hà Tĩnh; trong đó, thu từ xuất nhập khẩu chiếm 97% của cả tỉnh. Với sự phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, KKT Vũng Áng đã góp phần đưa tỉnh Hà Tĩnh từ một tỉnh nông nghiệp, nghèo, đang đần trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại; đồng thời, tác động, tạo sự thay đổi cho cả vùng kinh tế Bắc Trung Bộ.
Một góc khu công nghiệp Vũng Áng
(Ảnh: internet)
Thứ hai, giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận thuộc vùng Bắc Trung Bộ. Với hàng loạt các dự án được đầu tư vào KKT Vũng Áng đã giải quyết được một lượng lớn việc làm cho nhân dân địa phương và các vùng lân cận, chủ yếu là khu vực Bắc Trung Bộ. Tính đến tháng 12/2022, KKT Vũng Áng đã giải quyết cho 28.205 lao động địa phương, với 75% lao động đã qua đào tạo, góp phần tăng tỷ lệ lao động tham gia vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ lệ lao động lĩnh vực nông nghiệp. KKT Vũng Áng giúp tăng thu nhập bình quân cho người lao động, đóng góp quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo của tỉnh: Năm 2008-2010, huyện Kỳ Anh có mức lương tối thiểu vùng thấp nhất. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của toàn tỉnh là từ 15 đến 18 triệu đồng/tháng.
Thứ ba, hình thành trung tâm logistics và liên kết phát triển vùng, thúc đẩy giao thương quốc tế. Theo định hướng phát triển, KKT Vũng Áng được quy hoạch xây dựng trung tâm logistics tại Vũng Áng - Sơn Dương là trung tâm logistics hạng I cấp quốc gia và quốc tế. Trong đó, trung tâm logistics tại Vũng Áng công suất khoảng 16,3 triệu tấn/năm. Khi trung tâm logistics tại Vũng Áng bão hòa công suất thiết kế, tiếp tục xây dựng trung tâm logistics tại Sơn Dương công suất khoảng 22,5 triệu tấn/năm. Với vị trí trung tâm kết nối khu vực bằng cả đường biển và đường bộ, KKT Vũng Áng còn góp phần thúc đẩy giao thương trong nước và quốc tế. Về đường biển, cụm cảng Sơn Dương - Vũng Áng được đầu tư thành cảng chuyên dùng và tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực - loại I trong hệ thống cảng biển Việt Nam, trở thành một trong các đầu mối trung chuyển hàng quá cảnh tiếp chuyển cho Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan. Về đường bộ, khoảng cách từ cảng Vũng Áng đến biên giới Việt - Lào ngắn nhất so với các tuyến đường bộ khác; do đó, được Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan lựa chọn thông thương ra biển. Với vị trí thuận lợi về giao thương bằng cả đường bộ và đường thủy, KKT Vũng Áng trở thành hạt nhân liên kết phát triển vùng và thúc đẩy giao thương quốc tế, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp dịch vụ hỗ trợ và đóng góp cho sự phát triển của địa phương.
Thứ tư, thúc đẩy tốc độ đô thị hóa. Hệ thống cơ sở hạ tầng của KKT Vũng Áng có những hạng mục cao cấp như: Khu đô thị Phú Vinh, Khách sạn Mường Thanh Hà Tĩnh và hệ thống khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, khu nhà ở hộ gia đình, nhà ở thí điểm cho công nhân và người lao động thuê đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa tại huyện Kỳ Anh. Đến nay, bộ mặt nông thôn nghèo huyện Kỳ Anh đã được thay thế bằng một diện mạo đô thị công nghiệp - thương mại - dịch vụ theo hướng hiện đại, góp phần thúc đẩy tốc độ đô thị hóa của toàn tỉnh Hà Tĩnh.
Trong định hướng và tầm nhìn phát triển của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2030, KKT Vũng Áng tiếp tục được xác định đóng vai trò là “Một trung tâm”, là khu kinh tế đa chức năng, trung tâm công nghiệp động lực, giữ vững vai trò hạt nhân tăng trưởng để đưa tỉnh Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững; đồng thời giữ vai trò lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Bắc Trung Bộ theo hướng CNH, HĐH.
Trần Thị Nhẫn