Sự khác biệt căn bản giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội là ở chế độ sở hữu về tư liệu sản xuất, trong đó có sở hữu về đất đai - tư liệu sản xuất quan trọng nhất. Chủ nghĩa tư bản dựa trên chế độ sở hữu tư nhân, còn chủ nghĩa xã hội dựa trên chế độ sở hữu toàn dân (gọi tắt là công hữu) về đất đai. Chính vì vậy, chế độ sở hữu tư liệu sản xuất nói chung và đất đai nói riêng đã trở thành đối tượng cơ bản, là điểm nóng nhất trong cuộc đấu tranh tư tưởng giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản diễn ra từ trước đến nay.
Thực tiễn thế giới hiện nay cho thấy, các nước thực hiện chế độ công hữu về đất đai chiếm số ít, trong khi các nước thực hiện chế độ tư hữu lại chiếm số đông, trong đó có rất nhiều nước đạt tới sự phát triển hùng cường. Vậy chân lý có thuộc về số đông hay không, tại sao Việt Nam và một số nước khác vẫn kiên trì theo đuổi chế độ công hữu về đất đai và coi đó là một nguyên tắc có tính sống còn?
Chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết chỉ ra con đường, cách thức xây dựng một chế độ xã hội mới về chất trên trái đất này. Đó là một chế độ không có bóc lột, áp bức, bất công, mọi người đều tự do, bình đẳng, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, được phát huy hết khả năng của mình cho cộng đồng, xã hội… Xã hội lý tưởng đó là mơ ước ngàn đời của cả nhân loại, nhất là của những người lao động. Chính vì mục tiêu cao đẹp đó mà chủ nghĩa xã hội đã hấp dẫn, thu hút được hàng tỷ người trên thế giới theo đuổi, đấu tranh và đã xây dựng nên một hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa hiện thực, làm thay đổi bộ mặt thế giới trong thế kỷ XX.
Trên thế giới cũng đã có nhiều học thuyết hướng về giải phóng con người khỏi khổ đau, mong muốn đưa con người đến một thế giới tốt đẹp và đã thu hút được hàng tỷ người tin theo. Điểm khác biệt của chủ nghĩa Mác - Lênin với các học thuyết khác là ở chỗ nó là một phong trào hiện thực chứ không phải lý tưởng xa vời, ảo tưởng. Bởi muốn xây dựng được một xã hội công bằng, không có áp bức, bất công thì xã hội đó phải dựa trên một nền tảng căn bản là tư liệu sản xuất chủ yếu, trong đó có đất đai phải thuộc sở hữu chung của tất cả mọi người.
Vì sao vậy? Hãy liên tưởng, không khí trên hành tinh của chúng ta vừa là của chung, vừa rất dồi dào nên ai cũng được thở như nhau, không có chuyện tranh giành cướp bóc, cao thấp, sang hèn vì không khí. Nếu đất đai cũng là của chung sẽ không có người được ở rộng, người ở hẹp, người có đất tốt, người dùng đất xấu, người ở nơi thuận lợi, kẻ ở chỗ khó khăn. Khi đất đai là tư liệu sản xuất của chung thì mọi người cùng làm, cùng hưởng, sẽ không có kẻ ít người nhiều, kẻ giàu người nghèo, kẻ sướng, người khổ. Xuất phát từ lôgíc ấy cho nên khi cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công, chính quyền mới đều tuyên bố thực hiện chế độ công hữu về đất đai làm cơ sở kiến tạo một chế độ bảo đảm sự công bằng, bình đẳng triệt để cho tất cả mọi người.
Ngược lại, ở các quốc gia thực hiện chế độ sở hữu tư nhân về đất đai thì người có tiền, có quyền sẽ chiếm được nhiều đất, người yếu thế sẽ có ít, hoặc không có đất đai, phải đi làm thuê, làm mướn, bị chủ đất trả công bèo bọt, đối xử tệ bạc, từ đó sinh ra nghèo đói, bất bình đẳng, bất công. Trên thế giới có nhiều người sở hữu hàng nghìn hécta đất nhưng cũng có nhiều người không “một tấc đất cắm dùi”.
Từ khi Việt Nam thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chúng ta càng thấy rõ hơn những hệ lụy của việc quản lý, sử dụng đất đai chưa hiệu quả (dẫn đến việc nhiều người lầm tưởng rằng Việt Nam đang chuyển sang thực hiện chế độ tư hữu về đất đai). Thời bao cấp, mỗi thôn, xóm, khu tập thể thường có một sân bóng, một cái chợ trên đất công nên ai cũng có quyền đến đó chơi, kinh doanh buôn bán. Hiện nay, sân chơi ấy, cái chợ ấy được giao cho một tổ chức hoặc cá nhân thuê. Tuy không phải là tư nhân hóa nhưng trên thực tế mảnh đất ấy không còn là của chung nữa, ai có tiền mới được vào chơi, kinh doanh buôn bán. Bất công từ đó mà nảy sinh, người có tiền sẽ được hưởng lợi, người không có tiền, không có điều kiện sẽ không được hưởng những giá trị mà mảnh đất ấy mang lại. Vì vậy, tuy thực hiện chế độ công hữu về đất đai nhưng hiện nay đã có người được sử dụng hàng trăm hécta đất và cũng có rất nhiều nông dân không còn đất phải rời bỏ quê hương đi làm công nhân hoặc đi làm thuê, làm mướn ngay trên mảnh đất của mình.
Mấy ví dụ trên cho thấy chế độ công hữu về đất đai có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với bình đẳng xã hội và bảo đảm quyền lợi của người nghèo. Chế độ công hữu còn thuận lợi cho việc sử dụng đất đai vào xây dựng đường sá, công trình công cộng, an ninh quốc phòng... Đất đai là của chung sẽ dễ dàng quy hoạch, kế hoạch sử dụng tiết kiệm, hợp lý, tạo nên những cánh đồng rộng lớn để áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại, từ đó tạo ra năng suất, chất lượng cao, đủ sức cung cấp lương thực, thực phẩm cho tất cả mọi người.
Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai có tính ưu việt như vậy nhưng tại sao đa số các nước lại thực hiện chế độ tư hữu về đất đai? Nên nhớ rằng, chế độ tư hữu là sản phẩm tự nhiên của lịch sử, nảy sinh từ khi xã hội có giai cấp. Muốn biến đất đai từ của riêng thành của chung thì phải làm cách mạng. Mà cách mạng là một công việc rất khó khăn không phải ai và ở đâu cũng làm được. Cho dù các lực lượng chính trị tiến bộ muốn thay đổi chế độ chính trị hiện thời nhưng nếu họ không có mục tiêu xây dựng một chế độ mới bình đẳng cho tất cả mọi người, nhất là cho người lao động thì họ cũng không việc gì phải làm cách mạng chuyển đổi từ chế độ tư hữu thành chế độ công hữu về tư liệu sản xuất nói chung và đất đai nói riêng.
Đất đai là của chung do nhà nước đại diện quản lý thì nhà nước phải có đủ năng lực quản lý sao cho nó không biến thành của riêng vì con người luôn có tính chiếm hữu, rồi lại phải tổ chức sản xuất cho có năng suất, chất lượng cao để toàn dân có cuộc sống ngày càng đầy đủ, sung túc hơn. Chuyển từ tư hữu thành công hữu về đất đai đã khó nhưng quản lý và tổ chức sản xuất hiệu quả còn khó gấp vạn lần. Đa số các nước thực hiện chế độ công hữu về đất đai thường chưa có đủ tiền đề cần thiết, chưa có kinh nghiệm quản lý, thiếu công cụ pháp lý; khoa học, công nghệ và phương pháp tổ chức sản xuất lạc hậu khiến cho đất đai dễ bị xà xẻo, bỏ hoang, hoặc sản xuất không hiệu quả. Điều đó dễ làm cho người ta ngộ nhận tính ưu việt của chế độ sở hữu tư nhân về đất đai trong các nước tư bản chủ nghĩa.
Việt Nam thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai do nhà nước đại diện quản lý tuy đã đạt được nhiều thành công nhưng tình trạng thất thoát, lãng phí đất công, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai đang gây bất bình trong nhân dân, giảm lòng tin vào Đảng và chế độ. Tuy nhiên, vì mục tiêu xây dựng một xã hội bình đẳng chúng ta phải kiên trì thực hiện chế độ công hữu về đất đai. Vấn đề ở đây là phải làm sao phát huy tốt nhất tính ưu việt của chế độ công hữu về đất đai, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực quan trọng này. Chính vì vậy, Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã ban hành nghị quyết, trên cơ sở đó Quốc hội tiến hành sửa đổi Luật Đất đai nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong quản lý và sử dụng đất đai vừa qua.
Như vậy, sở hữu toàn dân về đất đai do nhà nước đại diện quản lý không phải là ảo tưởng, ngược chiều lịch sử, trái lại là bước đi tiến bộ, vượt trước, mở đường để xây dựng một chế độ xã hội tốt đẹp hơn. Kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đòi hỏi chúng ta phải kiên trì và vận dụng sáng tạo chế độ công hữu về đất đai cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong thời kỳ mới.
Ngọc Vĩnh