Khát vọng - mục tiêu phát triển đất nước
Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên để lại, làm sao để Việt Nam giàu mạnh, tươi đẹp và có thể sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc, Hồ Chí Minh luôn nghĩ tới một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc và hùng cường. Khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc và phát triển đất nước trong di sản Hồ Chí Minh tiếp tục được Đảng ta nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội XIII. “Khát vọng phát triển đất nước” mà cụ thể hơn là “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trở nên nổi bật khi được nêu ở những mục quan trọng nhất trong Văn kiện Đại hội XIII (chủ đề Đại hội, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phát triển, định hướng phát triển, những nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược) là một sự khẳng định về vị thế và tầm vóc lớn lao của yếu tố này.
Đại hội XIII của Đảng xác định “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”
Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[1], “Cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn”[2]. Mục tiêu “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” là con đường phát triển liên tục của cách mạng Việt Nam, là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử mà Hồ Chí Minh là người khai phá mở đường. Trên cơ sở kiên định mục tiêu này, dựa vào quốc lực tổng hợp là “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[3]và căn cứ vào bối cảnh tình hình quốc tế biến động, phức tạp, khó lường, tác động thường xuyên, trực tiếp, tạo ra cả cơ hội lớn lẫn khó khăn, thách thức chưa từng có đối với đất nước, Đại hội XIII của Đảng đã hoạch định chiến lược phát triển đất nước từ nay đến năm 2025, hơn nữa còn xác định tầm nhìn đến năm 2030 (nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn chiến lược đến năm 2045 (nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Đổi mới sáng tạo
Con người và cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của đổi mới sáng tạo, “đổi mới sáng tạo” cũng là một điểm nhấn mới theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng với một số khía cạnh hệ trọng hàng đầu:
Một là, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan tất yếu của sự nghiệp cách mạng. Hồ Chí Minh xác định bảo vệ và xây dựng đất nước “là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”[4]. Cụm từ “đổi mới sáng tạo” được Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh nhiều lần trên lĩnh vực khoa học-công nghệ và các lĩnh vực khác trong xu thế và bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đổi mới sáng tạo là một trong những tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt Văn kiện Đại hội XIII, theo đó đặt ra yêu cầu đổi mới sáng tạo trong cả nhận thức lẫn hành động, trong tư duy kinh tế, lề lối làm việc, tổ chức bộ máy và nhân sự các cấp.
Hai là, mục tiêu cao nhất của đổi mới sáng tạo là nhằm phục vụ lợi ích của đất nước và nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân, việc gì lợi cho dân thì phải làm hết sức mình, việc gì hại đến dân thì phải hết sức tránh; và Người đã hiến dâng cả đời mình cho nhân dân, dân tộc và cách mạng. Kế thừa và phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại mới, Đại hội XIII yêu cầu quán triệt quan điểm “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”[5]và khẳng định “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”[6].
Cảnh giác trước âm mưu chia tách tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin
Cần cảnh giác đối với những luận điệu cố tình tách rời mối quan hệ biện chứng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin. Các thế lực thù địch cho rằng ở Việt Nam chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là đáng giá, chỉ cần nói tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ, không cần nói chủ nghĩa Mác-Lênin vì chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời. Đây là thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm vì bề ngoài thì “ca tụng” nhưng thực chất là muốn cô lập, tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh khỏi nguồn gốc lý luận căn bản là chủ nghĩa Mác-Lênin; từ đó làm suy yếu, tiến tới phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối của Đảng và sự lãnh đạo của Đảng.
Thực tế là, chỉ khi tiếp nhận được chủ nghĩa Mác-Lênin thì tư tưởng Hồ Chí Minh mới thực sự được xác lập và phát triển. Chủ nghĩa Mác-Lênin là nguồn gốc lý luận căn bản quyết định sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, cung cấp cho Hồ Chí Minh thế giới quan, phương pháp luận khoa học, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Từ cương lĩnh chính trị đầu tiên năm 1930 đến nay, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Những hoạt động ngấm ngầm hoặc công khai tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin là hoàn toàn trái với quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một số suy nghĩ góp phần quán triệt yêu cầu “kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”
Thứ nhất, việc vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phải được triển khai trên cơ sở kiên định bản chất khoa học và cách mạng vốn có, những nguyên lý căn cốt của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng lập trường, quan điểm, thái độ, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin vào tổng kết thực tiễn đất nước, nghiên cứu lý luận.
Thứ hai, cầu thị và phát huy các kết quả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; chú trọng xây dựng, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lý luận về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có trình độ chuyên môn xứng tầm yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đặc biệt, chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ lý luận cao, có khả năng định hướng, dẫn dắt sự nghiệp lý luận chính trị.
Thứ ba, tiếp tục làm rõ một số nhóm vấn đề căn bản và bức thiết như nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa; vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; vấn đề phát triển và khai thác nguồn nhân lực tinh hoa, kinh tế tri thức-kinh tế số, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Quang Phan