Tiềm năng, lợi thế về du lịch của Kiên Giang
Nghị quyết của Tỉnh ủy Kiên Giang về phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã làm chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh về du lịch, đó là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có liên quan đến kinh tế, văn hóa - xã hội. Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch ngày càng được chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút 323 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn đầu tư là 355.677 tỷ đồng. Trong đó tập trung nhiều nhất là thành phố Phú Quốc với 279 dự án, tổng vốn đầu tư là 349.733 tỷ đồng[1].
Tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch 06 khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tại các địa bàn du lịch trọng điểm, bao gồm: Khu tưởng niệm Di tích lịch sử quốc gia cách mạng của Tỉnh ủy (U Minh Thượng); Di tích lịch sử đình thần Nam Hải Đại Tướng Quân (Lại Sơn – Kiên Hải); quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử và danh thắng núi Mo So (Kiên Lương); quy hoạch tổng thể bảo tồn và tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Trại giam tù binh Phú Quốc; quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử, thắng cảnh quốc gia Ba Hòn (Hòn Me - Hòn Đất - Hòn Quéo).
Khu di tích lịch sử căn cứ cách mạng U Minh Thượng
(Ảnh: internet)
Kiên Giang có hơn 160 di tích văn hóa, lịch sử, nhiều lễ hội, làng nghề truyền thống đang được duy trì hằng năm như: Lễ hội truyền thống Anh hùng Nguyễn Trung Trực, Nghề truyền thống chế biến nước mắm Phú Quốc, Lễ Giỗ tổ Hùng Vương tại đền thờ Quốc tổ Hùng Vương (thị trấn Tân Hiệp). Tỉnh chú trọng bảo tồn dân ca, dân nhạc, dân vũ, văn học dân gian của đồng bảo các dân tộc Hoa, Khmer góp phần phát triển du lịch của tỉnh Kiên Giang ngày càng bền vững.
Giai đoạn 2018-2020, đã có 21,8 triệu lượt khách du lịch đến với Kiên Giang, trong đó có khoảng 1,48 triệu lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 42.760 tỷ đồng. Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành du lịch chịu ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ, nhưng Kiên Giang vẫn đón hơn 5,2 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu đạt 7.867 tỷ đồng. Năm 2021, tổng lượt khách du lịch đến Kiên Giang ước đạt hơn 3 triệu lượt, trong đó 3.500 lượt khách quốc tế, doanh thu từ du lịch đạt 3.199 tỷ đồng.[2]
Những định hướng phát triển du lịch của tỉnh Kiên Giang thời gian tới
Với chủ trương phát triển du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, thời gian tới, tỉnh Kiên Giang xác định những định hướng nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch như sau:
Một là, để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về du lịch của tỉnh cần tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, có những điểm nhấn về quy mô, tính chất, đặc điểm mang dấu ấn của địa phương để thu hút du khách.
Hai là, tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch ngày càng hiệu quả. Đặc biệt là hệ thống các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, nhà hàng, thông tin, tư vấn và các dịch vụ khác có liên quan.
Ba là, tăng cường thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa hoạt động du lịch. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch đến nhân dân, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, phấn đấu tạo đà thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành du lịch giai đoạn 2021 - 2025.
[1] UBND tỉnh Kiên Giang, Sở du lịch, Báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.
[2] Tỉnh ủy Kiên Giang, Báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của tỉnh ủy về phát triển du lịch của tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Nương Huỳnh