Thực hiện Đề án 896 năm 2013 của Thủ tướng Chính Phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020, Luật Hộ tịch năm 2014, Luật Căn cước công dân năm 2014, với tư duy cải cách hành chính mạnh mẽ, công tác quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã dần đi vào nền nếp. Các sự kiện hộ tịch của cá nhân được đăng ký đầy đủ, kịp thời, chính xác, đảm bảo về trình tự, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến hộ tịch, hộ khẩu. Việc lưu trữ, quản lý, sử dụng sổ hộ tịch đảm bảo đầy đủ, đúng quy định, kiến tạo những tiền đề thuận lợi trong thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch của công dân, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Ngày 16/10/2015, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã ban hành Quyết định số 1163/2015/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử trên địa bàn tỉnh Lai Châu”. Thực hiện Đề án, từ ngày 1/4/2018, tỉnh Lai Châu đưa vào sử dụng Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử và Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch. Phần mềm này hỗ trợ hiệu quả hoạt động đăng ký, quản lý, khai thác và theo dõi thủ tục hành chính liên quan đến công tác hộ tịch; đồng thời, góp phần quan trọng xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư điện tử và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác trên nền tảng số hóa, đáp ứng yêu cầu quản lý, tra cứu, khai thác, sử dụng thông tin hộ tịch công dân ở cả 4 cấp: từ Trung ương đến xã. Thông qua phần mềm hỗ trợ, từ tháng 4/2018 đến tháng 12/2020, Lai Châu đã thực hiện đăng ký khai sinh cho 45.951 trường hợp, đăng ký kết hôn 9824 trường hợp, đăng ký khai tử 4676 trường hợp, đăng ký khác liên quan đến công tác hộ tịch 10.458 trường hợp1.
Công chức tư pháp - hộ tịch phường Đoàn Kết (thành phố Lai Châu) đang sử dụng phần mềm đăng ký khai sinh điện tử và hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch phục vụ người dân (ảnh: internet)
Việc thực hiện Đề án cũng là tiền đề quan trọng để Lai Châu thực hiện quá trình chuyển đổi số trong quản lý hộ tịch, phục vụ việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Năm 2019, UBND tỉnh Lai Châu ban hành Kế hoạch 1206/KH-UBND về số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các đơn vị quản lý hộ tịch số hoá toàn bộ dữ liệu hộ tịch từ ngày 30/6/2019 trở về trước bằng phần mềm quản lý dữ liệu hộ tịch lịch sử do Bộ Tư pháp xây dựng tương ứng với từng đơn vị cấp xã, cấp huyện và Sở Tư pháp. Thực hiện kế hoạch, tỉnh Lai Châu đã giao Sở Tư pháp chủ trì tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch các cấp trên địa bàn tỉnh những nội dung chuyên môn, nghiệp vụ về hộ tịch và cách sử dụng phần mềm, bảo đảm an toàn dữ liệu... Song song với đó, tỉnh tiến hành trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị công nghệ thông tin phục vụ công tác hộ tịch tại tất cả các xã, phường, thị trấn và phòng Tư pháp trong tỉnh để triển khai phần mềm một cách đồng bộ, hiệu quả.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hộ tịch trên phạm vi toàn tỉnh góp phần nâng cao hiệu quả quản lý dân cư, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Những kết quả tích cực trong công tác quản lý hộ tịch đặt nền móng cho việc từng bước xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Lai Châu, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Mặc dù việc đăng ký, quản lý hộ tịch bằng phần mềm triển khai chưa đồng đều; nhiều cán bộ, công chức sử dụng phần mềm chưa thành thạo; trình độ dân trí còn thấp, kinh tế có nhiều khó khăn, văn hoá - xã hội còn lưu cữu nhiều hủ tục... nhưng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước là xu thế tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đi đôi với tinh gọn bộ máy ở nước ta trong thời gian tới. Vì vậy, để đạt được mục tiêu hiện đại hóa hoạt động quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về hộ tịch nói riêng, tỉnh Lai Châu cần phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch nói riêng, đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá. Đồng thời, tăng cường phổ biến, tuyên truyền pháp luật về hộ tịch để nâng cao nhận thức của người dân về quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, phấn đấu phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin cho nhân dân trên phạm vi toàn tỉnh./.
1 Báo cáo công tác quản lý nhà nước về hộ tịch, hộ khẩu của Sở Tư pháp Lai Châu năm 2018, 2019, 2020
Nguyễn Hồng