Doanh nghiệp nhà nước, giống như bất cứ loại hình doanh nghiệp nào trong nền kinh tế đều thực hiện chức năng sản xuất hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Năm 1976, trong tác phẩm “Lý thuyết về công ty: Hành vi nhà quản trị, chi phí người đại diện và cấu trúc sở hữu”, Jensen và Meckling đã nêu ra một số quan điểm được gọi là “lý thuyết người đại diện”. Các quan điểm này được phát triển dựa trên một số nghiên cứu tâm lý học trước đó về đặc tính tâm lý của con người là khuynh hướng cá nhân (individualistic), cơ hội (opportunistic), và tư lợi (self-interest). Theo đó, giữa những người chủ sở hữu doanh nghiệp và người trực tiếp điều hành hoạt động của doanh nghiệp, thường là các nhà quản trị, luôn tồn tại một khoảng cách hay nói cách khác là có sự không đồng nhất, thậm chí có sự khác biệt ít nhiều mang tính xung đột về lợi ích. Lợi ích của chủ sở hữu doanh nghiệp là giá trị doanh nghiệp, cổ tức, giá cổ phiếu doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán. Trong khi, lợi ích của nhà quản trị liên quan trực tiếp đến hoạt động quản lý của họ và được phản ánh qua lương, thưởng, phụ cấp, và các lợi ích khác dựa trên vị trí công tác.
Sự không đồng nhất lợi ích giữa chủ sở hữu và nhà quản trị làm phát sinh chi phí gọi là “agency cost” (chi phí người đại diện). Chi phí này bằng không khi chủ sở hữu động thời là người quản trị. Chi phí người đại diện càng lớn khi người đại diện sở hữu ít hoặc không sở hữu cổ phiếu công ty. Trong các nền kinh tế thị trường, hình thức công ty cổ phần khá phổ biến, thường chiếm đa số trong các loại hình doanh nghiệp và nhà quản trị thường được thuê từ bên ngoài. Do đó, luôn tồn tại chi phí người đại diện.
Bên cạnh đó, tình trạng thông tin bất cân xứng xảy ra trên hầu khắp các thị trường và cả ở trong các tổ chức. Đó là tình trạng một bên có nhiều thông tin hơn bên kia và do đó sẽ hành động theo hướng mang lại lợi ích nhiều hơn cho bên có nhiều thông tin, nắm rõ thông tin, trong khi bên ít hoặc không có thông tin bị thiệt hại. Trong doanh nghiệp, tình trạng này sẽ dẫn tới việc các quyết định quản lý được đưa ra không chính xác, hệ thống vận hành thiếu hiệu quả, lãng phí nguồn lực.
Như vậy, có thể thấy rõ vấn đề người đại diện và thông tin không cân xứng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của tất cả các loại hình doanh nghiệp, không phân biệt nhà nước hay tư nhân. Đây cũng là những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng hoạt động kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí ở doanh nghiệp. Và vì thế, tình trạng lãng phí, kém hiệu quả không phải “lời nguyền” chỉ dành riêng cho doanh nghiệp nhà nước mà có thể xảy đến với bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào nếu không có cơ chế quản lý, giám sát thích hợp và hiệu lực.
Tân Nga