Từ ngày thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo, tập hợp toàn dân tộc làm nên những thắng lợi vĩ đại, đánh thắng các thế lực thực dân, đế quốc hùng mạnh, thiết lập nên một nước Việt Nam độc lập, tự do và từng bước phát triển, đóng góp tích cực cho nền hòa bình thế giới. Tuy nhiên, các thế lực thù địch và bọn phản động vẫn không ngừng chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta bằng nhiều thủ đoạn thâm độc. Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ cấp bách của cả hệ thống chính trị, trong đó “lấy dân làm gốc” là phương châm quan trọng nhất cần phải triển khai trên mọi mặt trận.
Trên mặt trận chính trị, tư tưởng: Để xây dựng vững chắc thế trận lòng dân, đồng thời chống lại thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ người dân qua việc lợi dụng những người dân thiếu thông tin và hạn chế về nhận thức chính trị, Đảng và Nhà nước ta cần tăng cường công tác vận động quần chúng, tuyên truyền, giáo dục toàn dân về giá trị của chủ nghĩa Mác -Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho cán bộ, đảng viên và mỗi người dân đều được tiếp cận thông tin, nhận thức được tính đúng đắn, khoa học của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; tuyên truyền cho người dân thấy được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, phải chứng minh cho người dân thấy rằng, dù chủ nghĩa tư bản hiện đại có trình độ phát triển rất cao về lực lượng sản xuất và khoa học - công nghệ, nhưng về bản chất vẫn là chế độ xã hội bóc lột đầy bất công; sự phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn trong lòng các nước tư bản dẫn đến sự xung đột về sắc tộc, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và sự bất ổn xã hội xảy ra không ngừng (những vụ khủng bố, giết người hàng loạt bằng vũ khí nóng, những cuộc biểu tình kéo dài...). Nhìn nhận đúng bản chất của chủ nghĩa tư bản thì người dân sẽ không còn bị mê hoặc bởi thủ đoạn “diễn biến hòa bình” về “thiên đường” chủ nghĩa tư bản, từ đó sẽ củng cố niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Trên mặt trận kinh tế - xã hội: Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, để thực hiện thành công mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”, tăng cường phát huy sức mạnh nội lực, trên nền tảng những thành tựu kinh tế-xã hội đã đạt được, Đảng và Nhà nước ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong đổi mới tư duy quản lý, điều hành kinh tế, phát triển linh hoạt, sáng tạo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Nếu làm tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống dân sinh ở mức cao thì đó là cách chứng minh thuyết phục về tính đúng đắn, hợp lý, nhân văn của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội mà nước ta đang theo đuổi, toàn dân sẽ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và không dễ bị tác động, lôi kéo, dụ dỗ bởi các thế lực chống phá cách mạng.
Trên mặt trận đối ngoại: Thành tựu của cách mạng Việt Nam trong gần một thế kỷ qua đã ghi dấu ấn những thắng lợi to lớn trên mặt trận ngoại giao theo đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa. Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đã đánh giá công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân được triển khai đồng bộ và toàn diện. Tuy nhiên, trước những diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình thế giới, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mặt trận ngoại giao một mặt đòi hỏi Đảng phải bản lĩnh, kiên định, vừa phải khéo léo, mềm dẻo, linh hoạt theo nghệ thuật “ngoại giao cây tre”; mặt khác, cần phát huy mạnh mẽ vai trò của đối ngoại Nhân dân. Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII vào tháng 12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo đối ngoại Đảng cùng với ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân cần phải triển khai sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, kiên định về nguyên tắc, chiến lược, linh hoạt về phương pháp, sách lược, song cần phải vượt ra khỏi khuôn khổ những tư duy cũ, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế.
Hội nghị tổng kết công tác đối ngoại Nhân dân năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội. Ảnh: Internet.
Trên mặt trận quốc phòng - an ninh: Việt Nam đang ở trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, nguồn lực có hạn, đầu tư cho quốc phòng chưa nhiều, nhất là các trang thiết bị quân sự hiện đại. Tuy nhiên, chúng ta có thứ vũ khí mà mọi kẻ thù phải khiếp sợ và không có thứ vũ khí nào có thể sánh nổi đó là sức mạnh của quần chúng nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại”. Chính truyền thống đoàn kết toàn dân tộc đã tạo nên sức mạnh phi thường giúp nhân dân Việt Nam giành đượcnhững chiến thắng vĩ đại trong các cuộc đấu tranh giải phóng. Để nâng cao năng lực bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, Việt Nam cần tiếp tục tập trung xây dựng và phát triển tiềm lực quốc phòng, củng cố và phát triển học thuyết “Chiến tranh Nhân dân” để minh chứng cho thế giới thấy được sức mạnh của quân đội Việt Nam khi dựa vào Nhân dân. Không ngừng tạo lập thế và lực để quân đội nhân dân Việt Nam luôn ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng, trong đó việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là yếu tố quyết định.
Các thế lực thù địch và bọn phản động không ngừng chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng để buộc Việt Nam từ bỏ lý tưởng, con đường chủ nghĩa xã hội. Để làm thất bại âm mưu của chúng, Đảng và Nhân dân ta kiên quyết đấu tranh trên mọi mặt trận, trong đó “lấy dân làm gốc” là phương thức đấu tranh bền vững nhất, chắc chắn nhất và hiệu quả nhất. Một khi nhân dân hiểu rõ bản chất của chiến lược âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và lý tưởng chủ nghĩa xã hội, nguyện một lòng hướng theo lá cờ của Đảng thì mọi mưu đồ chống phá của kẻ thù chắc chắn sẽ thất bại.
Bích Ngọc