1. Trong những năm qua, trên địa bàn Tây Nguyên các thế lực thù địch, phản động luôn tìm và làm mọi cách để lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng lợi dụng một số vụ việc xảy ra ở những nơi tập trung đông giáo dân để thổi phồng, bóp méo bản chất để kích động đồng bào theo đạo gây rối làm mất ổn định an ninh chính trị.
Bên cạnh những hoạt động mang tính chất khủng bố, chúng thường xuyên biên soạn các bản báo cáo, thỉnh nguyện thư để gửi đến các tổ chức tôn giáo, nhân quyền quốc tế nhờ can thiệp với nội dung xuyên tạc, vu cáo trắng trợn Nhà nước Việt Nam đàn áp tôn giáo, vi phạm dân chủ, nhân quyền. Đặc biệt, chúng tuyên truyền và thành lập cái gọi là “Tin Lành Đề Ga” để lừa bịp các tín đồ tôn giáo. Các điểm, nhóm “Tin Lành Đề Ga” tăng cường hoạt động củng cố tổ chức, phát triển lực lượng, tổ chức biểu tình, bạo loạn lật đổ, công khai thách thức chính quyền, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự ở một số địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Các sự kiện bạo loạn chính trị xảy ra tại các tỉnh Tây Nguyên vào tháng 2/2001 và tháng 4/2004 là những trường hợp điển hình cho thấy âm mưu và hành động lợi dụng đạo Tin lành, dân tộc của các thế lực phản động.
Các đối tương theo “Tin lành Đề Ga” ở Gia Lai bị đưa ra kiểm điểm và giáo dục công khai trước dân. Ảnh: Internet.
Sau khi các đối tượng tại các điểm, nhóm “Tin Lành Đề Ga” bị bóc gỡ, một số đã quay trở về sinh hoạt Tin lành miền Nam Việt Nam; còn một số đối tượng được sự chỉ đạo từ bên ngoài đã “tu tại gia” để tránh sự phát hiện của chính quyền, chờ khi có cơ hội phục hồi hoạt động. Các đối tượng “Tin Lành Đề Ga” thường lợi dụng giúp nhau làm ăn, sản xuất, cưới hỏi, ma chay, tân gia… để tụ tập gặp gỡ, trao đổi, vạch ra các âm mưu, thủ đoạn chống phá chính quyền.
Vào giữa năm 2017, một nhóm phái tin lành lạ có tên gọi “Hội thánh Tin lành đấng Krist Việt Nam”, viết tắt là ECCV (Evangelical Church of KristViet Nam) xuất hiện. Tất nhiên, tổ chức này chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận là một tôn giáo chính thống. Qua các tài liệu thu thập được thì ECCV thực chất là “con đẻ” của “Hội thánh Tin lành đấng Krist”, viết tắt là UMCC (United Montagnard Church of Krist), được các đối tượng phản động lưu vong thành lập tại Mỹ. Dưới vỏ bọc tôn giáo chúng công khai hoạt động như một nhóm phái Tin lành thuần túy, nhưng đằng sau đó các đối tượng này bí mật thu thập thông tin về vấn đề dân tộc, tôn giáo trong nước, sau đó gửi ra nước ngoài với nội dung xuyên tạc, vu cáo Nhà nước Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp tôn giáo tại các diễn đàn quốc tế.
Đầu năm 2018, ECCV đã bị lực lượng công an các tỉnh Tây Nguyên bóc gỡ và tan rã. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng từ bỏ mưu đồ. Đến đầu năm 2019, UMCC đã tăng cường liên lạc với số cốt cán trong nước phục hồi, phát triển lực lượng, kiện toàn lại ECCV. Chúng cho rằng, cần phải xây dựng nên một tổ chức tôn giáo riêng của người dân tộc bản địa tại Tây Nguyên, gắn với quá trình đấu tranh đòi thành lập nhà nước “Đề Ga tự trị”. Chiêu bài lợi dụng tôn giáo của chúng rất nguy hiểm, thông qua các tổ chức hội thánh, các hoạt động sinh hoạt tôn giáo để lôi kéo, tập trung tin đồ, lồng ghép những tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ly khai tự trị để tập hợp lực lượng tiến tới biểu tình, bạo loạn chính trị để đạt mục đích cuối cùng là thành lập nhà nước riêng. Chúng móc nối với các tổ chức phản động ở nước ngoài để tranh thủ sự ủng hộ và hành động chống phá nhà nước Việt Nam. Mặt khác, chúng tích cực chỉ đạo các lực lượng cốt cán ECCV trong nước để liên lạc, thông báo ý đồ hoạt động của UMCC ở nước ngoài, đưa người về nước trực tiếp điều hành và tham gia ECCV.
Bên cạnh bản chất dối trá, bịa đặt, thổi phồng thanh thế nhằm củng cố niềm tin cho các tín đồ tham gia tổ chức trong nội địa cũng như tranh thủ sự ủng hộ từ bên ngoài, các đối tượng cầm đầu ECCV còn dùng chiêu bài chia rẽ đoàn kết tôn giáo, lôi kéo tín đồ bằng cách hạ thấp, bôi nhọ các chức sắc tôn giáo trong Hội thánh Tin lành.
Có thể nói, xét về bản chất “Hội thánh Tin lành đấng Krist Việt Nam” đã sử dụng những chiêu bài tương tự như “Tin lành Đề Ga” mà các thế lực thù địch lưu vong trước đó đã sử dụng nhằm gây bạo loạn, chống phá chính quyền các tỉnh ở Tây Nguyên. Chúng đã lợi dụng niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào các dân tộc thiểu số để lôi kéo đồng bào, để “nhồi nhét” tư tưởng ly khai tự trị phục vụ cho mưu đồ ảo vọng của chúng thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề Ga” của người Thượng.
2. Trong thời gian tới, để đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả thủ đoạn và hành động của các lực lượng chống phá, cần thực hiện tốt những nhiệm vụ sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để làm tốt nhiệm vụ này, trước hết nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn, gắn với thực tiễn đời sống. Phải đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, trong đó chú trọng phát huy tối đa hiệu quả của các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, đài phát thanh, các ấn phẩm báo chí. Chú trọng hơn đến phương thức tuyên truyền bằng tiếng bản địa để đồng bào dễ tiếp thu.
Đội ngũ cán bộ làm tuyền truyền phải có chuyên môn, nhiệt tình, trách nhiệm, am hiểu và nắm rõ phong tục, tập quán, tâm tư nguyện vọng, đặc điểm của từng đối tượng người dân tộc thiểu số để có biện pháp tuyên truyền phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, tổ chức vận động quần chúng nhân dân không bao che, tiếp tay cho các hoạt động của các tổ chức phản động; củng cố phong trào quần chúng nhân dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát huy vai trò của trưởng thôn, già làng, người có uy tín trong dòng họ, dân tộc, tôn giáo phòng chống các thế lực thù địch lợi dụng quần chúng để tuyên truyền, thành lập và dụ dỗ tham gia các tổ chức tôn giáo trái pháp luật.
Nhà thờ nguyện của đồng bào theo Đạo Tin Lành ở Hội Thánh Tin Lành buôn Pu (huyện Krông Păk, tỉnh Đăk Lăk) vừa được xây mới khang trang, rộng rãi. Ảnh: Internet.
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao trình độ dân trí cho người dân, nhất là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
Đây là nhiệm vụ cấp bách, có tính quyết định, bởi vì khi đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có đời sống ấm no, trình độ dân trí được nâng cao, thì họ sẽ hiểu và chấp hành nghiêm, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, cũng nhận thức đầy đủ hơn về bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
Thứ ba, các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác nắm bắt tình hình, sớm phát hiện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để từ đó kịp thời có giải pháp ứng phó.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần phải làm tốt công tác theo dõi, nghiên cứu, đánh giá, dự báo chính xác tình hình và diễn biến, đưa ra các giải pháp, đối sách phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả, sát thực với các hoạt động của các thế lực thù địch, phản động. Làm tốt công tác quản lý địa bàn, đối tượng, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện qua lại khu vực biên giới, tuyệt đối không để xảy ra bị động, bất ngờ trước mọi tình huống.
Thứ tư, làm tốt công tác quản lý nhà nước về dân tộc, tôn giáo, bảo vệ những việc làm đúng tôn chỉ, mục tiêu đạo pháp, đúng pháp luật, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Các cơ quan chức năng quản lý nhà nước cần nghiên cứu, đề xuất, bổ sung và ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức điều hành, hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng theo hiến chương, điều lệ của giáo hội và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Thường xuyên chủ động, nắm chắc tình hình hoạt động của các tôn giáo, tạo điều kiện cho các chức sắc, chức việc, tín đồ hoạt động tôn giáo theo khuôn khổ pháp luật. Đồng thời, kiên quyết xử lý những đối tượng cầm đầu, tuyên truyền tà đạo, có biện pháp theo dõi, khống chế những đối tượng ngoan cố; tạo điều kiện hoạt động cho những cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với nguyện vọng tâm linh, truyền thống, bản sắc của đồng bào và đúng với quy định xây dựng đời sống văn hóa.
Thứ năm, tăng cường các công tác đối ngoại, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của các nước, nhất là các tỉnh vùng biên giới để ngăn chặn các thế lực thù địch, phản động vượt biên trái phép.
Phải xây dựng thế trận an ninh liên hoàn, hoàn chỉnh giữa biên giới với nội địa và ngoại biên. Chủ động có phương án bảo vệ an ninh từ sớm, từ xa, đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể, khả thi nhằm bảo vệ an ninh trên địa bàn các tỉnh biên giới, nhất là tiếp giáp với Campuchia. Xử lý kịp thời các tình huống cụ thể, kiên quyết bóc gỡ, triệt phá xóa bỏ các tổ chức, điểm, nhóm phản động do chúng dựng lên.
Thứ sáu, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ kịp thời cho các lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, ngăn chặn các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá chế độ ở Tây Nguyên.
Trên cơ sở quy định chung của Đảng và Nhà nước, căn cứ vào tình hình thực tế, các cơ quan chức năng cần có những đề xuất với Đảng, Nhà nước, cũng như chính quyền địa phương có giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính, phương tiện đầy đủ, hiện đại hơn cho các lực lượng, cá nhân để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ.
Hà Sơn