Với chủ trương hướng các hoạt động về cơ sở, MTTQ các cấp trên địa bàn thị xã Đông Triều đã bám sát địa bàn từng khu dân cư, phát huy quyền làm chủ của nhân dân để giám sát các hoạt động của đại biểu dân cử, cán bộ công chức, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước... Đặc biệt, từ khi có Nghị định số 99/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về Quy chế Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Quyết định số 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 04/TTLT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Bộ Tài chính về quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng, vai trò giám sát của MTTQ các cấp tại thị xã Đông Triều ngày càng được phát huy có hiệu quả.
Hiện nay, thị xã Đông Triều có tổng số 21 Ban Thanh tra nhân dân với 158 người. Trong đó, mỗi xã, phường có 01 Ban Thanh tra nhân dân; mỗi Ban có từ 5 - 11 người, Trưởng ban là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, phường, Phó Trưởng ban kiêm nhiệm một số chức vụ khác hoặc là các đồng chí thành viên được bầu từ thôn, khu phố kiêm nhiệm.
Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thị xã đã chỉ đạo Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ xã, phường kiện toàn Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đúng quy trình, đảm bảo thành phần, số lượng, tiêu chuẩn và tổ chức thực hiện theo quy định tại Nghị định số 84/2015/NĐ-CP và Nghị định số 159/2016/NĐ-CP của Chính phủ; đôn đốc hướng dẫn 84/2015/NĐ-CP Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng xây dựng quy chế hoạt động, kế hoạch giám sát của các ban, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong ban thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra.
Một trong những khâu then chốt bảo đảm cho việc thực hiện tốt chức năng giám sát của MTTQ là tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân về các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân để dân biết, dân bàn, dân tham gia, dân giám sát. Cụ thể như: Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND về mức thu các loại thuế, phí, lệ phí, các nghĩa vụ khác, chế độ chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Giám sát việc thu, nộp tiền ủng hộ các quỹ: đền ơn đáp nghĩa, vì trẻ em; đóng góp làm đường bê tông, lắp đặt các cụm đèn chiếu sáng của các thôn, khu; giám sát việc cấp quà tết cho các hộ chính sách, trẻ em mồ côi, người tàn tật, người nghèo; giám sát việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 và tổ chức bầu cử Trưởng thôn, nhiệm kỳ 2017 - 2020, 2020-2022; giám sát việc thực hiện Pháp lệnh 34 về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, những điều dân được biết, dân được bàn và quyết định trực tiếp, nhân dân bàn và UBND quyết định; giám sát việc hỗ trợ tiền xây mới, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng chính sách theo Quyết định 22/CP của Thủ tướng Chính phủ, giám sát Tư pháp xã về việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Từ năm 2020 đến tháng 9/2021 đã thực hiện 288 cuộc giám sát, đã phối hợp với các cơ quan giám sát 103 cuộc, đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết 15 vụ, 03 vụ việc được giao xác minh. Trong 9 tháng đầu năm 2021, MTTQ các cấp đã phối hợp với Tổ chức thành viên và các ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng; thực hiện 65 cuộc giám sát của Ban Thanh tra nhân dân và 39 cuộc giám sát đầu tư cộng đồng. Kết quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đã kịp thời khắc phục các hạn chế, khuyết điểm của đội ngũ cán bộ công chức ở cơ sở trong thực thi công vụ, thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch về phát triển kinh tế xã hội, sử dụng đất đai… của địa phương, hạn chế thất thoát, nâng cao chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn dân cư, hạn chế đơn thư, khiếu kiện của nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giám sát của MTTQ các cấp trên địa bàn theo quy định, góp phần to lớn trong việc củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban MTTQ các cấp.
Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng Khu Kim Sen và khu Gia Mô, phường Kim Sơn giám sát công trình tuyến đường từ khu đô thị Kim Sơn đi trung tâm Giáo dục nghề nghiệp giáo dục thường xuyên của thị xã Đông Triều
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Hoạt động Ban Giám sát đầu tư cộng đồng hầu hết chỉ tập trung vào các dự án, công trình có vốn đầu tư của cộng đồng, các dự án do cấp xã làm chủ đầu tư; việc tiếp cận để thực hiện giám sát đối với các dự án do tỉnh, thị xã làm chủ đầu tư còn hạn chế. Hầu hết các thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng còn hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngại va chạm nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Sự phối hợp giữa chính quyền, Ban quản lý dự án, các nhà thầu với Uỷ ban MTTQ xã, phường và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng thực hiện chưa tốt. Kinh phí cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức.
Để phát huy vai trò giám sát của MTTQ các cấp, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân các văn bản quy phạm pháp luật: Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư (trong đó có quy định về giám sát đầu tư của cộng đồng); Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.
Thứ hai, các cấp có thẩm quyền cần xem xét nâng mức kinh phí hoạt động của Ban thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng cho phù hợp với tình hình thực tế, nhằm khích lệ các thành viên tham gia, nâng cao chất lượng giám sát đầu tư của cộng đồng ở các địa phương.
Thứ ba, nghiên cứu, xem xét sửa đổi, điều chỉnh quy định về quy trình, thủ tục bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm và cử người thay thế thành viên tham gia các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng./.
Đàm Thư