1. Hiệu quả từ mô hình nhất thể hoá chức danh bí thư chi bộ và trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố ở Sơn Dương
Sơn Dương hiện có 31 xã, thị trấn với 400 thôn, tổ dân phố, là huyện đi đầu trong thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố theo chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu Đảng ủy các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo quyết liệt UBND xã, thị trấn và các chi bộ trực thuộc lựa chọn nhân sự đang là bí thư chi bộ đương nhiệm đủ điều kiện để giới thiệu bầu chức danh trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; những nơi trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố chưa phải là đảng viên, lựa chọn những đảng viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn bầu bí thư chi bộ (nhiệm kỳ 2020 - 2023) để giới thiệu bầu giữ chức trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; đồng thời xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong năm và là chỉ tiêu quan trọng trong đánh giá cán bộ.
Với quyết tâm cao, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, lộ trình thực hiện hợp lý của cấp ủy từ huyện đến xã và các chi bộ, từ năm 2018 đến nay, việc thực hiện chủ trương bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố ở huyện Sơn Dương đã đạt được những kết quả tích cực.
Năm 2018, toàn huyện Sơn Dương có 182 thôn, tổ dân phố thực hiện bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, đạt 100% kế hoạch đề ra. Năm 2019, có 241 thôn, tổ dân phố thực hiện bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng dân phố; năm 2020 - 2021, có 355/400 thôn, tổ dân phố thực hiện, đạt 100% kế hoạch, cao nhất trong các huyện của Tuyên Quang.
Đội ngũ bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chi bộ, ban quản lý thôn, thể hiện rõ vai trò hạt nhân lãnh đạo, đóng góp tích cực vào công tác xây dựng đảng, phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở; lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện bảo đảm trực tiếp và toàn diện.
Việc triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp, triển khai các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, những vấn đề nóng được đưa ra bàn bạc ngay trong cấp uỷ, chi bộ và đưa ra hướng giải quyết, xử lý kịp thời, không để kéo dài. Nhờ đó, hoạt động ở thôn, tổ dân phố đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương và sự phát triển chung của cả huyện. Năm 2018, số hộ nghèo của huyện Sơn Dương giảm còn 13%, đến hết năm 2020 còn 6,66%.
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bình Man, xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương đang cùng nhân dân kiểm tra vườn chè
(ảnh: internet)
Trong xây dựng nông thôn mới, những năm 2015-2017, Sơn Dương chỉ có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới là xã Tân Trào và xã Ninh Lai. Từ năm 2018 đến năm 2020, Sơn Dương có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Đại Phú, Hồng Lạc, Sơn Nam, Vĩnh Lợi và Cấp Tiến). Tháng 6/2021, tiếp tục có thêm 02 xã là Thiện Kế và Trường Sinh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, 11 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã đủ điều kiện công nhận nông thôn mới nâng cao, nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện lên 35,5%.
Thực tiễn cho thấy chủ trương nhất thể hoá một số chức danh lãnh đạo được nhân dân trên địa bàn huyện Sơn Dương đồng thuận và ủng hộ, được cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên và nhân dân đánh giá là mô hình có hiệu quả. Đây là mô hình có nhiều ưu điểm và đã được kiểm nghiệm trên thực tế, nên tiếp tục triển khai, nhân rộng trong thời gian tới.
2. Để mô hình "nhất thể hoá một số chức danh lãnh đạo" tiếp tục phát huy hiệu quả
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng dân phố trên địa bàn huyện Sơn Dương còn một số hạn chế: vẫn có bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng dân phố tồn tại tư tưởng cục bộ, có biểu hiện lạm quyền, chưa thực sự nêu gương trong thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, nhiều chi bộ, thôn địa bàn rộng, số lượng đảng viên và dân cư đông, nhưng chỉ còn Bí thư chi bộ kiêm nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố, không có phó trưởng thôn hỗ trợ nên có lúc, có nơi xuất hiện tình trạng quá tải công việc, dẫn đến thực hiện một số hoạt động chưa hiệu quả...
Để mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và sự quản lý của chính quyền cơ sở đối với hoạt động của đội ngũ bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát để tránh lạm quyền, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ.
Hai là, phát huy vai trò của cấp ủy viên từ cấp tỉnh đến cấp xã được phân công theo dõi và dự sinh hoạt chi bộ, phụ trách các thôn, tổ dân phố trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng dân phố.
Ba là, thực hiện tốt công tác cán bộ, đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận tại cơ sở, nhất là cán bộ trẻ. Đội ngũ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn nếu được trẻ hóa, vừa có trình độ, năng lực, vừa giàu nhiệt huyết sẽ thực sự là cầu nối giữa người dân với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Bốn là, phát huy tinh thần nêu gương và vai trò của đội ngũ bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố trong lãnh đạo chi bộ, thôn, tổ dân phố; tăng cường bồi dưỡng năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn cho đội ngũ bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.
Năm là, có chế độ, chính sách hỗ trợ, tạo động lực đối với đội ngũ bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, bảo đảm cho đội ngũ cán bộ này yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Hà Phùng