Huyện đảo Lý Sơn nằm về phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 15 hải lý, là huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Diện tích tự nhiên khoảng 10,32km2; dân số toàn huyện hiện nay khoảng 22.500 người. Thực hiện Nghị quyết số 867/NQ-UBTVQH14 ngày 10/01/2020 của Ủy Ban Thường vụ Quốc Hội, từ ngày 4/2020 huyện Lý Sơn đã thực hiện giải thể 03 đơn vị hành chính cấp xã(An Vĩnh, An Hải và An Bình) để thực hiện chính quyền cấp huyện không có đơn vị hành chính cấp xã. Đến nay, toàn huyện có 5.892 hộ gia đình, trong đó 80% hộ làm nông- lâm- ngư nghiệp.
Những kết quả ấn tượng từ chương trình giảm nghèo bền vững …
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2020, huyện được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch vốn đầu tư trung hạn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 14,8 tỷ đồng. Trên cơ sở nguồn vốn trung hạn tỉnh phân bổ hằng năm, huyện đã đầu tư 14 công trình mới, bảo dưỡng 07 công trình bị xuống cấp, hư hỏng. Đến nay, 100% công trình xây dựng mới đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư, đáp ứng nhu cầu cuộc sống và sản xuất của nhân dân.
Ngoài ra, huyện cũng đã thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng trên địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích tính tích cực, chủ động tham gia của người nghèo. Duy trì, bổ sung một số chính sách hỗ trợ phù hợp đối với hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo; thực hiện đúng mục đích, ý nghĩa, nguyên tắc, điều kiện của hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo như: mô hình béc phun tự động, nuôi vịt xiêm ta, hỗ trợ giống hành tím có chất lượng,… với tổng kinh phí thực hiện khoảng 5 tỷ đồng.
Ngư dân Lý Sơn thoát nghèo từ biển. Ảnh: Internet
Ngoài các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội và nguồn vốn lồng ghép thực hiện các chính sách, chương trình, dự án, các hộ gia đình cũng đóng góp nguồn vốn đối ứng để thực hiện dự án. Qua đó, giúp các hộ nghèo nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng lợi nhuận, góp phần ổn định đời sống, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách của huyện đã tích cực huy động vốn và thực hiện cho vay chương trình tín dụng liên quan đến chính sách cho hộ nghèo và cận nghèo. Trong thời gian qua, tổng doanh số cho vay xấp xỉ 108,7 tỷ đồng với 3.032 lượt hộ vay, nâng tổng dư nợ các chương trình cho vay lên đến 94.189 triệu đồng. Hoạt động tín dụng đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả mục tiêu, chủ trương, chính sách mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế- xã hội cho huyện Lý Sơn.
Hằng năm, trên cơ sở nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh hỗ trợ, huyện đã chủ động triển khai xây dựng các kế hoạch và thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình giảm nghèo, đặc biệt ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho hợp tác xã, góp phần hoàn thành vượt chỉ tiêu tỉnh giao: phấn đấu có 01 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 (xã An Hải đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018). Phong trào thi đua “Lý Sơn chung tay vì người nghèo- không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020; xây dựng kế hoạch vận động Quỹ “Vì người nghèo” được thực hiện thường xuyên nên từ năm 2016-2019, cấp xã đã vận động được 624 triệu đồng và cấp huyện đã vận động được 4.663 triệu đồng từ các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để giúp đỡ người nghèo trong huyện.
Đối với mục tiêu duy trì chất lượng phổ cập giáo dục của huyện, 3/3 xã đã duy trì bền vững kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Mạng lưới trường, lớp đã được tổ chức lại một cách hợp lý, trang bị cơ sở vật chất, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Đến cuối năm 2020, có 6/9 trường đạt chuẩn theo qui định. Chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên trên địa bàn huyện được thực hiện thường xuyên với tổng kinh phí thực hiện trong 5 năm là 336,83 triệu đồng. Trong thời gian vừa qua, 100% hộ nghèo, cận nghèo và người dân của huyện đảo đã tham gia bảo hiểm y tế. Huyện có 02/03 xã có trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 03/03 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Các cơ quan truyền thông của huyện đã xây dựng và sản xuất 570 chương trình phát thanh, 30 chương trình truyền hình về công tác giảm nghèo trên các phương tiện truyền thông đại chúng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Qua đó, đã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận thông tin, nâng cao hiểu biết về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung, về chính sách giảm nghèo nói riêng, từ đó nâng cao ý thức vươn lên thoát nghèo bền vững trong nhân dân.
Chính nhờ thực hiện tốt các chính sách cho người nghèo nên trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ 889 hộ, chiếm tỷ lệ 15,09% (đầu năm 2016) xuống còn 382 hộ, chiếm tỷ lệ 6,09% (cuối 2020). Như vậy, trong 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm 9%, bình quân giảm 1,8%/năm, vượt mục tiêu giảm nghèo bình quân của cả nước (hàng năm giảm từ 1-1,5%). Tỷ lệ tái nghèo của huyện cũng giảm, chỉ từ 0,13-0,15%.
Tỏi Lý sơn - một loại nông sản nổt tiếng giúp nông dân Lý Sơn thoát nghèo. Ảnh: Internet
… Cần thêm những nỗ lực
Mặc dù được Đảng, Nhà nước và cộng đồng quan tâm đầu tư để nâng cao đời sống mọi mặt cho người nghèo nhưng nhìn chung, nguồn lực cho công tác giảm nghèo của huyện Lý Sơn vẫn còn hạn chế. Việc xây dựng kế hoạch trung hạn 2016-2020 chủ yếu là từ nguồn vốn bố trí của Trung ương cho nên nguồn vốn còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu thực hiện các công trình cần đầu tư trên địa bàn huyện. Nguồn lực, định mức phân bổ kinh phí thực hiện các dự án còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư nên địa phương phải chia nhỏ các hạng mục đầu tư, kéo dài thời gian đầu tư công trình,… từ đó gây khó khăn cho công tác quản lý và ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
Ngoài ra, trong thực hiện hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế của huyện có thời điểm chưa đạt hiệu quả cao, còn mang tính dàn trải trong hỗ trợ, chưa gắn kết việc đầu tư Chương trình với công tác xóa đói giảm nghèo.
Bên cạnh đó, trên thực tế, số hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo còn ít, chưa phát huy hiệu quả của dự án; nhu cầu hỗ trợ vay vốn cải thiện nhà ở, đi xuất khẩu lao động còn thấp do số hộ nghèo đủ điều kiện vay vốn tín dụng ưu đãi ngày càng thu hẹp, đa số các đối tượng này đã ngoài tuổi lao động.
Mặt khác, số lượng và chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, giáo dục còn thấp, chưa đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu học tập và khám chưa bệnh cho người dân của huyện.
Điều đáng nói, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, đối tượng chính sách xã hội cũng đã làm cho một bộ phận người dân nảy sinh tâm lý trông chờ, ỷ lại, chưa phát huy tính chủ động, tích cực của chính người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, trình độ học vấn, ngoại ngữ, trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng lao động… của nhiều người nghèo chưa cao nên khó đáp ứng được các yêu cầu của các công ty tuyển dụng xuất khẩu lao động cũng như gặp không ít khó khăn trong áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh tại địa phương.
Chính vì vậy, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo ở huyện đảo Lý Sơn trong thời gian tới, rất cần có sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước để triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng biển đảo…
Ngọc Hà