Nhờ sự lãnh đạo sát sao của các cấp uỷ đảng, sự đầu tư và chỉ đạo sâu sát của UBND các cấp; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân; sự nỗ lực bền bỉ của cán bộ dân số từ tỉnh đến thôn, bản, các cơ quan truyền thông đại chúng đã vào cuộc một cách tích cực, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với chính sách dân số.
Tỷ lệ phát triển dân số giảm từ 3,45% (năm 1961) xuống còn 1,2% (năm 2021); số con trung bình của một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ 6,78 con (năm 1961) xuống 2,68 con (năm 2020). Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 74 tuổi năm 2021. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong ở bà mẹ, trẻ em giảm mạnh.
Tầm vóc, thể lực người dân có bước cải thiện. Dân số đã được phân bố hợp lý hơn. Dịch vụ Dân số, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình được mở rộng với chất lượng ngày càng cao. Những kết quả đó góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên, hiện nay, Nghệ An là tỉnh có quy mô dân số lớn thứ 4 toàn quốc và đang có xu hướng tiếp tục tăng. Tỷ lệ phát triển dân số và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trong những năm qua đã giảm nhưng còn chậm, đặc biệt là ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng có đông đồng bào công giáo. Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết ở dân tộc ít người còn tồn tại (như Đan Lai, Ơ Đu) có nguy cơ làm suy giảm giống nòi.
Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số. Chỉ số phát triển con người còn thấp, Chất lượng dân số còn hạn chế. Tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc các bệnh, tật di truyền, suy dinh dưỡng còn ở mức cao.
Đây thực sự là những bài toán khó, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, như đáp ứng các nhu cầu của người dân về nhà ở, học tập, khám - chữa bệnh, việc làm, vui chơi, giải trí, nâng cao chất lượng toàn diện của con người và phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.
Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Nghệ An lần thứ XIX đã đề ra là: phấn đấu đến năm 2025, Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, đến năm 2030, trở thành tỉnh khá của cả nước, giai đoạn tới, các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong toàn tỉnh cần tập trung thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và nhận thức đầy đủ, toàn diện và sâu sắc nội dung các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về về tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược của công tác dân số. Phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, trong đó, các cấp uỷ chính quyền địa phương, nhất là Chủ tịch UBND huyện phải đặc biệt quan tâm đến công tác dân số, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm lồng ghép hiệu quả với các hoạt động chuyên môn của ngành và các chương trình kinh tế - xã hội khác.
Thứ hai, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục đến tất cả các tầng lớp nhân dân với những hình thức phù hợp để nâng cao nhận thức, hành động về dân số và phát triển, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, các nhóm đối tượng; xoá bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững; thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Cán bộ dân số đang tư vấn cho người dân về kế hoạch hoá gia đình ở Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An
Thứ ba, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số như sàng lọc trước sinh và sơ sinh; mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; mô hình giảm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết và đề án tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Có các giải pháp phát huy lợi thế “dân số vàng” để có một lực lượng lao động dồi dào đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá quê hương, đất nước.
Thứ tư, tập trung củng cố, kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ tỉnh đến thôn, bản để có đủ năng lực chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện công tác này. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ dân số các cấp, các ngành phù hợp với yêu cầu chuyển hướng chính sách dân số, từ tập trung vào kế hoạch hoá gia đình sang giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số. Quan tâm cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác dân số.
Thứ năm, xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế lồng ghép yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế – xã hội; đẩy mạnh nghiên cứu về dân số và phát triển. Tập trung xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hành động của tỉnh giai đoạn 2020 – 2030 để thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 của Chính phủ.
Lê Thị Ngọc Hà